Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lâm Minh Chánh - người sáng lập Trường Quản trị kinh doanh BizUni, tác giả cuốn sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam - cho rằng, do sử dụng tài chính cá nhân thiếu khoa học nên khi có sự cố, biến động do chủ quan hay khách quan, nhiều người Việt phải chật vật xoay xở nguồn tiền cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này bộc lộ rõ khi dịch COVID-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc trong khi vật giá có xu hướng tăng cao.
Phóng viên: Theo ông, việc sắp xếp lại kế hoạch tài chính cá nhân sẽ giúp ích gì cho mỗi người trước những rủi ro, như tác động của dịch COVID-19?
Ông Lâm Minh Chánh: Mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải luôn có một quỹ an toàn tài chính để phòng ngừa những rủi ro bất ngờ. Quỹ an toàn tài chính là quỹ tiền mặt hoặc tương đương tiền, như tài khoản ngân hàng, vàng và có giá trị bằng khoảng từ 6-12 tháng chi tiêu của cá nhân hoặc gia đình. Quỹ an toàn tài chính này sẽ giúp họ vượt qua khó khăn khi có những rủi ro đối với công việc, ảnh hưởng đến thu nhập.
|
Ông Lâm Minh Chánh - người sáng lập Trường Quản trị kinh doanh BizUni, tác giả cuốn sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam |
* Tạo ra các quỹ tài chính cá nhân như thế nào, thưa ông?
- Không quá khó. Cách quản lý tiền bạc mà đa số chúng ta vẫn đang làm là kiếm tiền, sử dụng tiền, tiết kiệm tiền, đầu tư tiền. Chúng ta thường phạm những sai lầm như: chưa sử dụng hết tiềm năng, công suất bản thân trong việc kiếm tiền; chưa sử dụng, tiêu xài tiền hợp lý; không chắc chắn dư tiền cho việc tiết kiệm và tích lũy để đầu tư; không có kiến thức cơ bản về đầu tư nên có thể sẽ bị thua lỗ, mất tiền do đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả; không thành lập các quỹ tài chính cá nhân, quỹ tài chính gia đình.
Để tạo quỹ tài chính cá nhân, cần kiếm tiền với hết tiềm năng, công suất của mình; tiết kiệm rồi mới sử dụng tiền theo thứ tự ưu tiên, theo sự quan trọng thiết yếu; bảo vệ tiền trước lạm phát, rủi ro và những khoản đầu tư; xây dựng danh mục đầu tư để tiền tích lũy sinh sôi; thành lập các quỹ an toàn tài chính, độc lập tài chính.
* Ông có thể nói rõ hơn về cách sử dụng, phân bổ nguồn tiền kiếm được hằng tháng một cách hợp lý?
- Chúng ta nên sử dụng tiền khôn ngoan và nên tiết kiệm trước khi sử dụng. Trước tiên, hãy lên kế hoạch dùng tiền ba tháng trước mắt để ghi nhận những chi tiêu trong quãng thời gian này. Chúng ta có thể ghi chép các khoản chi tiêu vào sổ tay, bằng ghi chú trên điện thoại hoặc dùng phần mềm excel, hoặc dùng các ứng dụng (app) chuyên về quản lý tiền. Ta không cần phải ghi chính xác những khoản quá nhỏ. Tổng số tiền ghi lại bằng hoặc cao hơn 97% số tiền đã chi là tốt rồi.
|
|
Sau khi ghi chép ba tháng xong, ta liệt kê lại và chia thành từng loại: những nhu cầu thiết yếu gồm nhà cửa, ăn uống, hóa đơn điện, nước, điện thoại, đi lại; những tiện nghi quan trọng gồm quần áo, ăn ngoài, lễ nghĩa, giải trí, giao tiếp; trả nợ hoặc tiết kiệm để mua sắm tài sản hay những hàng tiêu dùng có giá trị cao; hưởng thụ, gồm chăm lo bản thân, làm những việc mình thích; giáo dục, phát triển cá nhân, gồm mua sách, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo có giá trị thiết thực; giúp đỡ người khác (làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè, cộng đồng).
Chúng ta xem xét từng khoản chi theo tính thiết yếu và quan trọng. Những khoản mà nếu không chi cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình, không ảnh hưởng đến ai thì nên hạn chế tối đa. Nên cắt bỏ những khoản mua sắm để cạnh tranh, khoe mẽ, những khoản tiêu xài để chứng tỏ đẳng cấp. Những khoản chi tiêu không quá quan trọng như mua sắm quá hạn mức, ăn nhậu quá nhiều vì thói quen chứ không phải vì quan hệ cũng phải được cắt giảm.
Cắt bỏ, giảm những chi phí đó và tính lại tỷ lệ phần trăm cho từng quỹ chi tiêu. Khi đó, chúng ta sẽ dư ra 10%, 15% thậm chí 20% để tiết kiệm và tích lũy cho quỹ tài chính cá nhân của chúng ta. Nhiệm vụ bây giờ của chúng ta mỗi khi nhận thu nhập là tiết kiệm ngay, nhân với phần trăm đó, phần còn lại thì thực hiện theo đúng tỷ lệ mới mà chúng ta đã định ra. Kỷ luật bản thân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tiết kiệm và quản lý chi tiêu.
* Những cá nhân hằng tháng phải lo các khoản vay mua nhà, mua xe thì phải tính toán ra sao?
- Nếu có kiến thức về tài chính cá nhân thì chúng ta sẽ không canh quá sát cho các khoản tiền phải trả ngân hàng để mua nhà, mua xe. Chúng ta phải tăng thu nhập hoặc vay ít đi để tránh tình trạng chật vật trả tiền cho ngân hàng.
Nếu đã lỡ vay thì hãy đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ. Nếu chúng ta trình bày hợp lý, ngân hàng sẽ hỗ trợ vì ngân hàng cũng không muốn xiết tài sản, bán thanh lý. Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta phải “hy sinh” một phần tài sản để cứu những tài sản khác và đưa gia đình, bản thân ra khỏi cảnh nợ nần, luẩn quẩn.
* Theo ông, lúc này, người chưa có nhà nên vay mượn để mua nhà hay tiếp tục ở nhà thuê?
Trong thời điểm khó khăn chung này, thị trường bất động sản giảm nhiệt là dịp tốt để tìm mua căn nhà với giá tốt hơn giá thông thường. Tuy vậy, để mua nhà, cần xác định mục đích của mình. Nếu chỉ đơn thuần để ở và xem nhà là một công cụ để tích lũy tài sản thì chúng ta phải so sánh hiệu quả của việc mua nhà với việc thuê nhà.
Trong cuốn sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam, tôi có hướng dẫn cách so sánh này. Tóm tắt là, ta gọi phương án vay tiền mua nhà là phương án 1, sau thời gian trả nợ, phương án 1 sẽ cho chúng ta sở hữu toàn bộ căn nhà. Trong phương án 2, có số tiền tương đương như phương án 1, ta sẽ dùng một phần của số tiền này để trả tiền thuê nhà, phần còn lại sẽ đầu tư để tiền sinh ra tiền. Ta thử so sánh số tiền tích lũy được từ phương án 2 và giá trị căn nhà lúc đó, sẽ biết phương án nào hiệu quả hơn.
* Xin cảm ơn ông.
Hoa Lài (thực hiện)