PNO - Gần 2 năm qua, nhà lưu trú 0 đồng ở số 340/14, đường Long Phước, phường Long Phước, TP Thủ Đức, TPHCM đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân nghèo. Không chỉ xây ngôi nhà này, vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy - bác sĩ Lê Thanh Nga còn đều đặn tổ chức bữa ăn miễn phí cho người nghèo 3 lần/tuần trong 16 năm qua.
Trong khuôn viên nhà lưu trú, ông Nguyễn Phùng Vân (65 tuổi) thong thả cất tiếng hát trong lúc tưới cây. Ông được những người ở nhà lưu trú 0 đồng gọi là ông Bảy Quản Gia, bởi ông ở đây lâu nhất quán xuyến mọi việc dù không được ai giao. Ông cười: “Tui thích tưới cây, rồi làm linh tinh việc này việc kia. Có những ngày người mỏi mệt, tui nằm không cả ngày. Cơm nước thì có vợ chồng bác sĩ lo nên mình chỉ cần ăn ngủ điều độ. Lớn tuổi rồi, sống như vầy là quá hạnh phúc”.
Ở nhà lưu trú 0 đồng, bác sĩ Lê Thanh Nga chăm sóc bệnh nhân như người nhà
2 năm trước, ông Vân sống như người vô gia cư bằng nghề bơm vá xe đạp ở quận Tân Bình. Một ngày nọ, ông bị một con chó cào vào chân. Tưởng không sao, ai dè vết trầy ngày càng lở ra, gây hoại tử. Ông vào bệnh viện 1 tháng, bác sĩ phát hiện thêm vô số bệnh nhưng ông xin về vì không có tiền điều trị. Sau đó, một bệnh nhân cũ của bác sĩ Thanh Nga thấy ông nằm bất tỉnh trên vỉa hè, cơ thể đầy vết lở loét, bèn liên hệ với bác sĩ Thanh Nga để đưa ông về nhà lưu trú 0 đồng.
Bác sĩ Thanh Nga kể, khi được đưa về đây, ông Vân hôn mê suốt 5 ngày do suy hô hấp. Chị Thanh Nga đã cùng chồng chữa trị. Sang ngày thứ sáu, ông Vân lồm cồm bò dậy. Thấy lành lạnh ở đôi bàn chân, ông nhìn quanh quất tìm đôi dép kèm tiếng chửi thề. Chứng kiến cảnh đó, chị bật cười: “Tỉnh lại, tỉnh lại, ở đây không phải ngoài đường nha”. Nhưng cũng phải mất hơn nửa tháng, ông Vân mới tỉnh táo trở lại. Ông Vân kể: “Phải mất hơn nửa năm điều trị theo lời vợ chồng bác sĩ Nga, tui mới ổn định sức khỏe. Tui xin bác Nga cho ở lại đây đến hết đời”.
Trong khuôn viên rộng chừng 400m2, bác sĩ Thanh Nga dành 300m2 để xây ngôi nhà cho bệnh nhân nghèo, gồm 1 phòng tập thể khoảng 30 giường đặt sát nhau, 1 căn nhà 2 phòng có bếp ăn, khu sinh hoạt chung liền kề. Chị dùng phần diện tích còn lại làm sân vườn, trồng cây hoa, dược liệu để vừa làm thuốc, vừa tạo không gian mát mẻ cho người bệnh và thân nhân.
Ngồi trên chiếc xe lăn, thấy bác sĩ Thanh Nga đến, anh Trần Đình Quang - 41 tuổi, quê ở tỉnh Bình Phước - khó nhọc chìa tô cơm chỉ còn vài hạt để khoe rằng đã tự mình ăn hết. Bị tai biến từ 2 năm trước, phát âm còn khó nhọc, anh Quang vẫn cố nói cho bác sĩ biết, đêm qua, anh ngủ rất ngon giấc và ở đây vui hơn ở nhà mình. Đẩy anh Quang ra sân hong nắng, bác sĩ Thanh Nga quay qua trò chuyện với một bệnh nhân tai biến khác.
Mỗi ngày ở đây, bệnh nhân tự sinh hoạt, điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chị Thanh Nga mua gạo để sẵn, bệnh nhân muốn ăn gì thì tự nấu. Cuối ngày, sau khi xong việc của mình ở bệnh viện và phòng khám đông y, vợ chồng chị về nhà lưu trú 0 đồng để khám cho bệnh nhân. Có những hôm, phải đến 1 - 2g sáng, họ mới xong việc để về nhà mình.
16 năm nấu ăn cho người nghèo
Ngày chúng tôi đến thăm nhà lưu trú 0 đồng, vợ chồng bác sĩ Thanh Nga đang nấu ăn cho người nghèo. Họ đã duy trì công việc này đều đặn mỗi tuần 3 ngày trong suốt 16 năm qua.
Dù bận rộn, 16 năm qua, bác sĩ Lê Thanh Nga (áo xanh) vẫn duy trì bếp ăn cho người nghèo
6g15, vừa đến phòng khám đông y (63 Man Thiện, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức), bác sĩ Thanh Nga rối rít xin lỗi khi nhìn thấy 2 phụ nữ đứng tuổi ngồi trước cửa. Họ là những người hàng xóm đến phụ nấu ăn. Vừa ôm 9 thùng mì gói từ trong nhà ra, bác sĩ Thanh Nga vừa phân trần: “Tối qua, vợ chồng con ghé nhà lưu trú thăm bệnh về trễ quá nên ngủ quên. Giờ nấu cơm không kịp nữa, mình xào mì cho nhanh”.
Nhìn lướt qua phần nguyên liệu làm bữa ăn cho người nghèo gồm 9 thùng mì tôm, 20kg cải ngọt và hơn 10kg thịt heo, chúng tôi nhẩm tính cũng tốn vài triệu đồng/bữa. Nghe hỏi về kinh phí tổ chức bữa ăn miễn phí, bác sĩ Thanh Nga vừa làm, vừa tâm sự: “Vợ chồng tôi có 1 căn nhà đang cho thuê, lấy tiền đó mua nguyên liệu. Thỉnh thoảng, có nhà hảo tâm góp mì gói, rau, củ nhưng số đó cũng không bao nhiêu. Cũng có những lúc mình mua chịu bởi trong túi không còn đồng nào, đến khi thu tiền thuê nhà mới trả”.
Mắc bệnh tim bẩm sinh nên từ tuổi sơ sinh, bác sĩ Thanh Nga đã gắn liền với bệnh viện. Bởi thế, khi lớn lên, cô gái yếu ớt đã chọn học ngành y để tự chữa bệnh cho mình và giúp những người không may mắn. Cơ duyên đưa chị gắn bó với nghề đông y của ông ngoại. Suốt những năm qua, chị không ngại lên rừng xuống biển tìm các loài cây thuốc quý.
“Nghe nơi nào có cây thuốc quý là tôi đi. Điều lạ là càng đi, tôi càng cảm thấy người khỏe dần lên, không còn bị ngộp, xỉu như ngày xưa nữa. Tôi nguyện chỉ cần có sức khỏe, tôi sẽ cố gắng giúp người, giúp đời. May mắn là tôi gặp được người chồng cùng chí hướng. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi cứ đồng hành với nhau như vậy” - nữ bác sĩ bộc bạch.
Theo chị, chính bệnh nhân, người nghèo cũng mang đến cho vợ chồng chị nhiều động lực. Sau khi rời nhà lưu trú 0 đồng, nhiều người đã gửi rau, trứng từ quê lên để góp vào bếp ăn; có những sinh viên ra trường, có việc làm ổn định cũng quay lại góp tiền hoặc góp công để cùng nấu bữa ăn cho người nghèo.
Vợ chồng bác sĩ Thanh Nga nói, thấy rất hạnh phúc khi được chăm sóc bệnh nhân ở nhà lưu trú 0 đồng cũng như tự tay nấu từng bữa ăn nóng sốt cho những người cần sự giúp đỡ. Giữa TPHCM rộng lớn, luôn có những trái tim ấm áp như vậy.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.