Những người lính ngã vào lòng Đất Mẹ

24/10/2020 - 07:55

PNO - Bao giờ cũng thế, đất nước gian nguy, đồng bào gặp nạn, người lính lại lên đường. Và những người lính đã hy sinh, đã ngã vào lòng đất mẹ, tận hiến đến hơi thở cuối cùng.

Trong những ngày này, buổi sáng, trời se lạnh nhưng uống cà phê không thấy ngon. Cũng chẳng cảm nhận được những ngày cuối thu lãng đãng. Chỉ thấy đắng nghét. Cuộc bù khú cùng bè bạn ở quán xá đã không còn rôm rả, huyên náo như trước. Sao thế?

Đưa cháu nhỏ thoát khỏi vùng lũ ở Quảng Bình  - ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM - Thanh Niên
Đưa cháu nhỏ thoát khỏi vùng lũ ở Quảng Bình - Ảnh: Trương Quang Nam/Thanh Niên

Mở trang báo, lên mạng xã hội đã thấy tràn ngập thông tin điếng lòng về thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên. Những con số thương vong liên tục được cập nhật, là nỗi đau, là chết chóc, là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con người trong vùng rốn lũ. Lũ đến cuốn trôi tất cả. Bất chấp tất cả. Nhưng chúng ta không đầu hàng. Không chịu thua.

Bao giờ cũng thế, đất nước gian nguy, đồng bào gặp nạn, người lính lại lên đường. Và những người lính đã hy sinh, đã ngã vào lòng đất mẹ, tận hiến đến hơi thở cuối cùng. 

Ai không nhói lòng khi nhận tin 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) mất tích dưới chân núi tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ai không bàng hoàng đến sửng sốt khi hay tin tai nạn thảm khốc vừa xảy ra tại công trường phá núi xây Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ai không đắng lòng khi nhìn thấy hình ảnh màn trời chiếu đất của hàng vạn bà con mình? Bầu-bí-người-Việt chung bọc đồng bào, máu đỏ da vàng, ai lại không thương, không xót! 

Công tác cứu trợ trong lũ lụt, với những “ca” khó khăn nhất, nguy hiểm nhất dù người dân có tấm lòng vàng, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bà con nhưng cũng cần sự trợ lực của người lính. Bởi chỉ có họ, với các phương tiện máy móc hiện đại và bản lĩnh dạn dày chinh chiến; bởi chỉ có họ, những người lính đã từng đối mặt với chết chóc, mới có thể hỗ trợ chúng ta vào những thời khắc cam go nhất. 

Khi viết những dòng này, đoàn Công tác xã hội của Báo Phụ Nữ TPHCM đang có mặt tại những điểm nóng của miền Trung, trao những nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con vùng lũ, tôi lại nhớ về trận lụt lịch sử vào tháng 11/1999, bấy giờ, người dân Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung, đã “dậy sóng” với hàng triệu triệu tấm lòng tương thân tương ái. 

Riêng tại Báo Phụ Nữ TPHCM (bấy giờ trụ sở ở đường Lý Chính Thắng, quận 3), bà con ùn ùn đem hàng cứu trợ đến. Cả tòa soạn cùng các chị Thành hội đã nhanh chóng chung tay sắp xếp, đóng gói để kịp thời chuyển ra miền Trung. Nếu không có sự giúp đỡ tích cực của lực lượng quân đội thì chúng tôi làm sao có mặt kịp thời?

Còn nhớ, ngày đó tại sân bay quân sự, chúng tôi đã có mặt trên máy bay vận tải C130 từ TPHCM đáp xuống sân bay quân sự Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) vào một sáng tầm tã gió cuồng bão trút. Từ đó, các đoàn xe quân sự lại chuyển chúng tôi đi đến từng vùng rốn lũ để trao tay hàng cứu trợ, không, phải nói đó là tấm lòng thơm thảo của bà con Sài Gòn gửi về miền Trung. 

Làm sao có thể quên được một vùng đất dọc dài miền Trung, dài ngoằng như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước đã ngàn năm hứng chịu biết bao cơn thịnh nộ của thiên nhiên đầm đìa nước mắt. Trong chuyến đi đó, tôi viết bài thơ như kêu lên: “Nhà ơi! Bão cuốn mày rồi/ Chỉ còn cây cột chọc trời liêu xiêu”. Ngày ấy, những ngôi nhà tan hoang đó, đổ nát đó, ai góp công góp sức dựng lại? Xin thưa vẫn chính là người lính. Các anh đã kịp thời có mặt. 

Mỗi người đều có cách thể hiện lòng yêu nước, miễn trước hết phải là sự an toàn tính mạng của mình. Nhưng với người lính, nếu cần, họ đem tính mạng của mình để bảo vệ sự yên lành của nhân dân, không so đo, tính toán thiệt hơn. 

Xin cúi đầu, vĩnh biệt những người-lính-liệt-sĩ cùng những sinh linh bỏ mình trong tang thương miền Trung lũ lụt. 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI