Còn sức sẽ còn đi
“Phải biết thương, tự chăm sóc lấy mình. Phải giảm những cuộc vui, những chuyến đi xa không cần thiết…”, đọc những lời nhắc của vợ treo ở góc làm việc, ông Thái Gia Tiến - 72 tuổi, trú xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - cười nói: “Bà ấy lo thì nhắc nhở vậy, chứ vẫn luôn âm thầm ủng hộ tôi”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm trí người lính già vẫn luôn đau đáu với những đồng đội đã hy sinh còn đang nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa. Hơn 30 năm qua, ông Tiến nhờ vợ quán xuyến việc nhà để rong ruổi khắp các tỉnh miền Nam tìm mộ đồng đội, đưa hài cốt các anh về quê hương như một cách để xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình các liệt sĩ.
 |
Ông Thái Gia Tiến (bên trái) cùng đồng đội Trần Văn Ngọ nghiên cứu thông tin các liệt sĩ chưa tìm thấy mộ |
Lật giở từng trang ký ức, ông Tiến kể, năm 1972, như bao thanh niên, ông gác bút nghiên tình nguyện lên đường khi đang học dang dở lớp Mười. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia vào đoàn đi B và được bổ sung về đại đội 6 trinh sát, tiểu đoàn 303, trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9 tham gia chiến đấu ở tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long... cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 30/4/1975. “Tôi rời quân ngũ thì đã là một thương binh, nhưng vẫn còn may mắn hơn ngàn, vạn lần nhiều đồng đội đã ngã xuống, vĩnh viễn không trở về” - ông Tiến nói. Đó cũng là lý do ông chưa cho phép mình sống an nhàn tuổi già.
Hành trình đi tìm mộ đồng đội của ông Tiến bắt đầu từ năm 1991, sau lần đến dự đám giỗ một đồng đội từng kề vai sát cánh ở chiến trường Sóc Trăng. Thấy gia đình không có ảnh thờ, ông chụp lại ảnh con trai của đồng đội với dự tính nhờ người vẽ truyền thần phác thảo để gia đình làm ảnh thờ. Nhưng đêm đó, ông mơ thấy đồng đội trở về trách: “Sao chú lại đưa ảnh con mình lên bàn thờ?”.
Giấc mơ đó cũng giúp ông Tiến nhớ lại lời hứa năm xưa với người đồng đội cùng quê huyện Anh Sơn - liệt sĩ Đinh Viết Thỏa. Khi ông Thỏa hy sinh ở tỉnh Trà Vinh ông Tiến đã hứa: “Nếu còn sống, tao sẽ quay lại tìm mày”. Cuối năm 1991, sau nhiều nỗ lực, ông Tiến liên hệ được với người chôn cất liệt sĩ Thỏa năm xưa, rồi cùng em trai liệt sĩ vào Trà Vinh cất bốc hài cốt đưa về quê nhà. “Chứng kiến những giọt nước mắt của người thân khi đón hài cốt liệt sĩ trở về, tôi mới thấy việc làm của mình ý nghĩa như thế nào” - ông Tiến nói.
Để có thể tìm được phần mộ các đồng đội, ông Tiến trở lại các chiến trường xưa, kết nối với những người bạn cùng chiến đấu để tìm kiếm thông tin. Ông cũng dày công lập một tiểu ban liên lạc cựu chiến binh Nghệ An ở các huyện để cùng “nghiên cứu hồ sơ và mộ liệt sĩ”, hỗ trợ gia đình các liệt sĩ giám định ADN. “Mỗi năm ít nhất tôi vào miền Nam 4 lần, nhiều lần ở cả tuần với người dân để dò tìm từng chút manh mối” - ông Tiến nói. Những bước chân không biết mệt mỏi suốt hàng chục năm qua của ông Tiến đã giúp thân nhân 16 liệt sĩ tìm được mộ và cất bốc đưa về quê nhà.
Đồng hành cùng ông Tiến trong hành trình gian khổ còn có ông Trần Văn Ngọ - 73 tuổi, một người bạn chiến đấu năm xưa. Nhưng ông Ngọ phải dừng lại giữa chừng khi sức khỏe không còn cho phép. “Mỗi lần vào lại chiến trường xưa, thấy những ngôi mộ vô danh tôi lại bật khóc. Chỉ tiếc là mấy năm nay tôi bị tai biến, không tiếp tục công việc được nữa” - ông Ngọ day dứt.
Cầm trên tay tệp hồ sơ dày cộp, ông Tiến như nghẹn lại: “Vẫn còn mấy trăm đồng đội của tôi chưa rõ nằm ở đâu. Nếu mình không khẩn trương thì sẽ có những ngôi mộ mãi mãi vô danh khi người thân của họ không còn để giám định ADN nữa”.
Nói về quyết tâm của chồng, bà Đặng Thị Hương - 67 tuổi, vợ ông Tiến - thú nhận, từng khóc vì tủi thân khi “chồng bỏ bê việc nhà đi biền biệt cả tháng trời”. Nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của nhiều người khi đón hài cốt liệt sĩ trở về, bà mới thực sự hiểu và ủng hộ việc làm của chồng. “Giờ lớn tuổi rồi, tôi chỉ nhắc ông ấy phải đảm bảo sức khỏe của mình là được” - bà Hương nói.
Tìm niềm vui từ những cuộc hội ngộ “âm dương”
Những ngày đầu tháng Tư, cụ Phạm Thị Lài - 104 tuổi, trú xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - đã hoàn thành tâm nguyện cuối đời khi hài cốt con trai là liệt sĩ Nguyễn Công Hòa được đưa về an nghỉ tại quê nhà. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ đã quên đủ thứ, nhưng chưa bao giờ quên người con đang nằm lại đâu đó ở chiến trường.
Khoảnh khắc thấy hài cốt con trai được bọc trong lá cờ Tổ quốc về đến nơi chôn nhau cắt rốn, đôi mắt của người mẹ già nhòa đi trong nước mắt. “Hòa ơi! Cuối cùng mẹ cũng đã chờ được ngày con trở về rồi” - cụ Lài thủ thỉ và run rẩy miết đôi bàn tay lên lá cờ đỏ sao vàng, như thể đang vỗ về con trai sau hơn nửa thế kỷ trông ngóng, chờ đợi.
Dẫu điều ước chưa trọn vẹn khi mới chỉ tìm lại được cuốn nhật ký của cha - liệt sĩ Nguyễn Quang Số - song bà Nguyễn Thị Hoa - 60 tuổi, trú huyện Thanh Chương, con gái liệt sĩ Số - nói rằng, đây là tín hiệu mừng để bà tiếp tục hành trình đi tìm mộ cha. Năm 1966, ông Số vào chiến trường miền Nam chiến đấu khi người con duy nhất mới 1 tuổi.
Suốt những năm tháng chiến tranh, ông chỉ gửi về vỏn vẹn 1 lá thư ghi vội ít dòng thông báo đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên. Bà Hoa cũng chẳng nhớ gì về cha mình và may mắn “nhờ cuốn nhật ký mà tôi mới có cơ hội hiểu về cha mình” - bà Hoa nói.
 |
Anh Lê Tiến Dũng cùng các thành viên trong nhóm gửi quà động viên thân nhân liệt sĩ |
Đây là 2 trong số hơn 200 gia đình được nhóm thiện nguyện tìm kiếm mộ liệt sĩ, hỗ trợ di dời hài cốt về quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh và kết nối tìm kiếm kỷ vật chiến tranh trong thời gian qua. Anh Lê Tiến Dũng - 52 tuổi, trú TP Vinh - cho biết, nhóm hiện có 4 thành viên cùng chung tâm huyết với việc tìm mộ liệt sĩ. Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ tìm kiếm, họ còn kết nối với những người có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ trên đường đi tìm, cất bốc, đưa về quê nhà…
Vào quân ngũ thời bình, xem các liệt sĩ là “tiền bối” nên việc đưa các liệt sĩ trở về được anh Dũng và các anh chị em trong nhóm xem như trách nhiệm của bản thân. “Mỗi lần tìm được hài cốt liệt sĩ, tôi lại có niềm vui rất khó tả, nhất là khi thấy người thân xúc động khi đón hài cốt liệt sĩ” - anh Dũng nói.
Anh Dũng không kể về những vất vả trong hành trình đặc biệt này, bởi theo anh chúng không là gì so với máu và thịt của các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Dù không ai dặn ai, nhưng các thành viên trong nhóm đều tuân thủ nguyên tắc: luôn nghe điện thoại từ số lạ, sẵn sàng hỗ trợ gia đình liệt sĩ dù là nửa đêm; không bao giờ nhận tiền của người nhà liệt sĩ, dù chỉ 1 đồng.
Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Tất Triển - 76 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh - đã dùng tiền lương của mình để trở lại các chiến trường ở Quảng Trị và Huế nhằm dò tìm mộ đồng đội từng kề vai sát cánh với ông ở sư đoàn 324. Cựu binh già này còn đi khắp các nghĩa trang, lập danh sách hơn 2.000 phần mộ liệt sĩ thuộc sư đoàn 324. Danh sách này được ông ghi chép tỉ mỉ từ quê quán, đơn vị, ngày hy sinh, số mộ chí… rồi in thành nhiều bản gửi về các địa phương, thân nhân các liệt sĩ. Từ danh sách này, nhiều gia đình liên hệ và được ông dẫn vào tận nơi để tìm và cất bốc mộ liệt sĩ về quê nhà an nghỉ. |
Phan Ngọc