Những người lao động tự do đầu tiên ở TPHCM nhận gói hỗ trợ COVID-19 lần 2

10/07/2021 - 13:49

PNO - Quận Phú Nhuận đã chi hỗ trợ hơn 80% trong số gần 3.000 lao động tự do theo gói hỗ trợ COVID-19 lần 2 của TPHCM.

Trưa ngày 10/7, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Trần Huỳnh Nga, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Phú Nhuận (TPHCM) cho biết, tính đến thời điểm này, quận đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho hơn 80% trong số gần 3.000 người lao động tự do gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM. Mỗi lao động đã được trao số tiền 1.500.000đ/người. 

Cán bộ quận Phú Nhuận trao tận tay số tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do trên địa bàn.
Cán bộ quận Phú Nhuận trao tận tay số tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do trên địa bàn

Theo bà Trần Huỳnh Nga, sau khi nhận được kế hoạch triển khai gói hỗ trợ lần hai đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của UBND TPHCM, quận đã nhanh chóng thực hiện việc lập danh sách theo các nhóm đối tượng được duyệt.

Tính đến thời điểm này, quận lập danh sách thông qua 9.045 người nằm trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ: Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19, hỗ trợ hộ kinh doanh, thương nhân tại các chợ truyền thống.

Đặc biệt, xác định đối tượng lao động tự do: Người bán vé số, buôn gánh bán bưng, ve chai, bốc vác… là đối tượng yếu thế, bị tạm ngưng việc làm theo quyết định giãn cách xã hội phòng chống COVID-19, gặp rất nhiều khó khăn về cuộc sống, quận Phú Nhuận đã quyết định ưu tiên chi trả ngay cho nhóm đối tượng này.

Một người lao động tự do xúc động khi nhận được số tiền thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid -19
Một người lao động tự do xúc động khi nhận được số tiền thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với người dân gặp khó khăn bởi dịch COVID-19

“Hiện nay, các phường đang nỗ lực cố gắng trong hai ngày cuối tuần này sẽ trao tiền tận tay 100% người lao động tự do đã được thẩm tra đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng để họ ổn định cuộc sống, an tâm chống dịch. Trong khi chờ ngân sách cấp từ TP,  quận Phú Nhuận đã quyết định cấp dự toán tạm ứng số tiền hơn 14 tỉ đồng để thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP. nhằm chi hỗ trợ nhanh nhất có thể đến các đối tượng còn lại.” - bà Trần Huỳnh Nga cho biết. 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, chỉ tính riêng nhóm đối tượng lao động tự do, toàn TPHCM có khoảng 230.000 người. Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ COVID-19 lần 2 này, mới đây Sở đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM xem xét hỗ trợ 34.000 xe ôm và xe xích lô bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch. Đây là nhóm đối tượng lao động tự do nhưng chưa được định danh trong nhóm lao động tự do đã được duyệt theo Nghị quyết số 09.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, các đối tượng lao động này không sử dụng công nghệ vào công việc để tìm kiếm khách hàng mà chủ yếu hoạt động tại một số địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, các địa điểm vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… Đây là các điểm phải dừng hoạt động giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND TPHCM để kiểm soát dịch COVID-19.

Năm 2020, xe ôm truyền thống chở khách (trừ xe ôm công nghệ), xe xích lô chở khách thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ- CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Như vậy, nếu được UBND TPHCM chấp nhận; nhóm đối tượng là xe ôm truyền thống 2 bánh chở khách (trừ xe ôm công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50.000đ/ngày (trước mắt hỗ trợ 30 ngày trong 2 đợt giãn cách xã hội vừa qua, tương đương 1.500.000đ/người) cùng với 6 nhóm đối tượng lao động tự do: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có điểm kinh doanh cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác; phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ, người bán vé số lưu động….

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI