Những người không nghỉ

19/05/2019 - 10:50

PNO - Dù ở độ tuổi nào, còn hay không còn giữ cương vị gì chăng nữa, họ vẫn tự trao cho mình những sứ mệnh, trách nhiệm sao cho xã hội tốt hơn. Từ thôi thúc của những trăn trở, họ hành động.

1. Gần 23g, chị Phạm Thị Hồng Xuân tiễn tôi ra về. Chị nói mình áy náy bởi… chỉ có thể thu xếp cho tôi cuộc trò chuyện với Cao Thanh Hiếu - con gái chị - vào khung giờ đặc biệt.

Hiếu quá bận, một ngày học tập và làm việc luôn kết thúc muộn mằn. Trước đó, 21g, Hiếu trở về từ một cuộc thu âm phục vụ cho chương trình Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP.HCM 2019 sắp diễn ra. 

Nhung nguoi khong nghi
Phân loại rác trở thành ý thức từ nhỏ của Cao Thanh Hiếu

Hiếu đang là học sinh lớp Tám Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, một trong chín "Công dân trẻ tiêu biểu năm 2018" của TP.HCM và mới đây, nằm trong số 91 cá nhân được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trao bằng khen "Thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019".

Tôi về rồi, Hiếu ngồi vào bàn học, giữ thói quen dành lại chút năng lượng cuối ngày để thực hiện sở thích vẽ những cuốn truyện tranh manga, mà cô bé cho rằng, là cách giúp cân bằng và phục hồi năng lượng khi được tung tẩy trong đam mê riêng tư.

Hiếu - ở tuổi đó, với bộ sưu tập giấy khen, bằng khen, tặng thưởng đặt, treo và xếp cất trang trọng trong căn phòng của mình, lẽ thường ai đều nghĩ đây là kết quả, thành tích cho nỗ lực, phấn đấu của một học sinh xuất sắc, năng nổ tham gia các hoạt động. Nhưng không, kết quả, những tặng thưởng đáng ngưỡng mộ kia chỉ là sự hiển nhiên theo sau những trăn trở đã thành tựu, được áp dụng, đi từ đam mê và khao khát muốn làm một điều gì đó tích cực cho xã hội của Hiếu.

Về khu phố nơi Hiếu sống, nhiều người nhắc đến em là cô bé phát động phong trào… gom và phân loại ve chai. Ngay nhà mình, cô học trò còn làm hẳn bốn giỏ rác đặt trong góc tường: giỏ đựng báo cũ còn nguyên để bán ký; giỏ đựng giấy vụn; giỏ chứa rác thải rắn như chai nhựa, bịch ni-lông và giỏ dành cho rác tiêu hủy.

Nhung nguoi khong nghi
Cao Thanh Hiếu trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo thành phố

Ý tưởng này khởi phát cách đây mấy năm, trong một lần ra công viên, Hiếu tự vấn vì sao trong hố rác công cộng lẫn lộn đầy giấy vụn, chai nhựa, thủy tinh vỡ, vừa chiếm diện tích vừa khó khăn cho công tác phân loại. Sau này, trong vai trò Liên đội trưởng của Trường THCS Nguyễn Du, một lần nữa chứng kiến những vỏ chai nước ngọt, ly trà sữa do bạn bè sau sử dụng nằm lăn lóc; Hiếu đề xuất lên nhà trường lập chương trình bảo vệ môi trường “Đổi rác - nhận quà xanh”.

Theo kế hoạch, mỗi đội viên nhặt được 10 chai nhựa hoặc 1kg giấy vụn sẽ được đổi một phiếu điểm. Cứ 10 phiếu đổi lấy một phần quà như vở, viết, thước kẻ… đồng thời được vinh danh "Chiến sĩ nhỏ chung tay bảo vệ môi trường" ở mỗi cuối học kỳ, năm học. 

Hiếu dí dỏm: “Không hiểu sao, từ nhỏ với mỗi sự việc em đều đặt câu hỏi tại sao lại thế này mà không phải thế kia. Ý nghĩ và phương pháp cũng theo đó hình thành”. Còn nhớ, trong chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Mậu Tuất 2018, Hiếu gây ấn tượng khi giơ tay, hỏi lãnh đạo rằng có nên loại bỏ chứng chỉ học nghề dành cho học sinh THCS hay không? Rất chậm rãi, bình tĩnh, Hiếu khẳng định câu hỏi này bắt nguồn từ trăn trở, liệu chương trình nghề này có gây lãng phí về thời gian, tiền của bởi tác dụng duy nhất của nó chỉ giúp học sinh được cộng điểm, trong khi kiến thức lại không được áp dụng.

“Các cô chú lãnh đạo giải thích rằng chương trình học đó mang tính định hướng nghề, nhưng cho đến giờ em vẫn nghĩ rằng cần mở rộng đa ngành nghề để phù hợp với chọn lựa của đông đảo học sinh hơn”, Hiếu “kiến nghị”.

Ánh mắt luôn nhìn thẳng người đối diện để chậm rãi đối thoại, tranh luận; cũng bằng sự tự tin này, trong chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Kỷ Hợi 2019, Hiếu còn đặt ra những vấn đề đáng ngẫm: nên chăng trong những cuốn tập của học sinh, các trang bìa phụ in hình vẽ vô thưởng vô phạt thay bằng các khẩu hiệu giúp nâng cao ý thức môi trường mà học sinh dễ dàng lĩnh hội?

“Ngày nay, thế giới trong bối cảnh kêu gọi bảo vệ các động vật quý hiếm vì sự tuyệt chủng và đại dương đang kêu gào trước hàng núi rác thải nhựa, ni-lông của con người. Dù là học sinh nhỏ tuổi cũng cần được tuyên truyền để có ý thức bảo vệ môi trường - ngôi nhà chung của thế giới”, Hiếu diễn giải.

Suy nghĩ, phát kiến nào của cô học trò cũng đều được các lãnh đạo coi trọng, lắng nghe bởi được trình bày rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục. Từ một lần bước vào thư viện thông minh dành cho thiếu nhi, đặt ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (Q.1) - là nơi trẻ em được thỏa thích tra cứu và nghiên cứu các môn khoa học với đầy đủ dụng cụ như có thiết bị xem chòm sao dành cho bạn trẻ mê thiên văn… Hiếu tâm tư: “Liệu có thể nhân rộng mô hình thư viện này ra các quận, huyện? Bởi em biết rất nhiều bạn khao khát học hỏi, nghiên cứu sâu hơn môn học mình yêu thích nhưng các thư viện quận, huyện ngoại thành chỉ là những kệ sách phổ thông, không đáp ứng được”.

Tôi hỏi cô nữ sinh lớp Tám: “Luôn tìm tòi và nảy ra nhiều sáng kiến để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, thời gian nào em dành cho chuyện học?”. Cô bé bẽn lẽn… Như các bạn, một ngày của em bắt đầu bằng những tiết học trên lớp. Khác chăng, hễ giờ học kết thúc là em tranh thủ ôn luôn kiến thức vừa học, những gì không hiểu sẽ lập tức nhờ giáo viên giải đáp. Nhờ thế, sau buổi học, Hiếu chỉ mất rất ít thời gian ôn luyện, thay vào đó, tìm kiếm các trang web bổ túc, chuyên sâu cho kiến thức đã học. Phần còn lại trong ngày, Hiếu tham gia nhiều phong trào của trường, quận, các lớp ngoại khóa nâng cao thể chất, rèn luyện năng khiếu hay tìm kiếm, suy ngẫm các mô hình, hoạt động trên thế giới sao cho có thể giúp em “cho ra” những… sáng kiến thiết thực khác.

2. Tôi gọi cho bà Trương Thị Ánh, nguyên Thành ủy viên, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, xin một cuộc trò chuyện. Đang trên chuyến xe về H.Bình Chánh giám sát chương trình chống ngập, sau đó sẽ về thăm vài đồng nghiệp, bà… xin lại tôi một cuộc hẹn khác, ngay khi thu xếp được thời gian. Còn nhớ ngày nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, bà nói rằng sẽ tiếp tục đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.

Nhung nguoi khong nghi
Bà Trương Thị Ánh (người đứng ngoài cùng bên trái)

Trong buổi trao quyết định hôm ấy, bà gửi lời tri ân các lãnh đạo, anh em cơ quan, đoàn thể đã giúp đỡ mình hoàn tất mọi vai trò. Ở bà, sự khiêm cung, gần gũi, tận tụy với công việc và với người dân đã để lại trong mọi người những ấn tượng sâu sắc. “Có những đêm mà sáng mai phải chủ trì cuộc họp, bà Ánh vẫn ở lại đến nửa đêm cùng anh em hoàn tất khâu chuẩn bị”; “đó là con người không chấp vào thứ bậc, gặp ai dù người dân hay cấp dưới cũng chẳng đợi người khác phải chào mình, bà chủ động hỏi thăm, bày tỏ sự quan tâm” - những dấu ấn đó của bà hội đồng khó phai trong lòng người ở lại.

Bà Nguyễn Thị Hỏi, ở xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, cho đến giờ vẫn không quên hình ảnh bà hội đồng gần gũi, bỏ cơm trưa để ngồi cạnh mình, lắng nghe những khúc mắc, khổ tâm nhiều năm trời không được ai giải quyết. 25.432m2 đất tại xã Phạm Văn Hai của bà Hỏi rơi vào tình trạng có chủ nhưng người chủ lại không có chủ quyền, không tách thửa, chia cho con, bán hay xây dựng nhà ở. Ròng rã nhiều năm trời gõ cửa chính quyền, bà Hỏi được hướng dẫn đến văn phòng hội đồng.

Sau một buổi trò chuyện, 20g, bà hội đồng mang về xấp hồ sơ dày cộm của người dân. Để rồi ngay sáng hôm sau, xấp đơn đã đọc, đã duyệt được gửi lại cho văn phòng đính kèm những văn bản kiến nghị, đề xuất, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chưa đầy một năm, bà Hỏi đã có được quyền sở hữu đất.

Hàng trăm trường hợp mà quá trình xử lý rơi vào bế tắc, bà Ánh đích thân vận động, cùng người dân đi từng nơi giải quyết. Không nề hà giờ giấc, thường xuyên tiếp xúc cử tri và sẵn sàng chờ đợi để trò chuyện với người dân hòng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hay trao đổi những vấn đề dân bức xúc cần lãnh đạo giải quyết; trong khả năng mình, bà đều can thiệp, xử lý sao cho hợp tình, hợp lý, đúng thẩm quyền.

***

Chẳng mưu cầu lợi ích riêng tư, với họ, sự phát triển, tiến bộ chung của xã hội là mục đích cao cả nhất trong trọng trách con người. Họ chọn sống một cuộc đời ít đi những ý nghĩ cho mình, dù là sự thảnh thơi. 

Tại lễ biểu dương 153 tập thể và 239 cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh và cảm ơn hàng vạn cán bộ, đảng viên, hàng triệu người lao động đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của thành phố. Đồng thời, nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, ông Nhân kêu gọi các cán bộ, đảng viên lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo công việc của mình.

Với người đảng viên, phải là tấm gương và tự hào đóng góp nhiều hơn, lao động hiệu quả hơn, dám hy sinh để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ cho thành phố phát triển.

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI