Những người không mặc blouse trắng giữa tâm bão

26/02/2020 - 07:02

PNO - Ngày 27/2 năm nay, thay cho mọi nghi thức tôn vinh, tôi nghĩ cần dành một sự tri ân sâu sắc, không chỉ với những “chủ nhân” của ngày 27/2 mà cả những người không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.

"Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi cũng sợ chứ, nhưng người nhà đều ủng hộ vì đây là nhiệm vụ chính trị được giao phó” - phát biểu của một thành viên trong tổ bay của chuyến bay HVN68 với sứ mệnh đặc biệt, đưa 30 công dân Việt Nam từ điểm nóng Vũ Hán về nước, rạng sáng 10/2. Ngay khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, họ lập tức tuân thủ quy trình cách ly theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. 

Tối mùng 3 tết, sau 2 ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) trở về nhà trọ. Thay cho thái độ được yêu mến như mọi ngày là ánh nhìn lẫn thái độ khác lạ. Dù Lan Anh đã giải thích rõ về việc được trang bị phương tiện bảo hộ kỹ càng nhưng hàng xóm vẫn yêu cầu cô không trở về xóm trọ. Người nữ điều dưỡng lặng lẽ trở lại bệnh viện, nhiều đồng nghiệp của cô cũng đang tá túc tại đó. 

Cũng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngay giữa thời điểm bệnh dịch bùng phát, nhân viên tạp vụ Đàm Thị Thời vẫn không rời vị trí công việc của mình, lau dọn vệ sinh, thu gom rác thải của người nhiễm bệnh. “Giờ mình không làm thì ai làm, rác thải lại bừa bộn ra đấy. Mình bảo vệ kỹ khi làm thì không có gì phải sợ” - bà Thời nói. 

Những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 tạ i Vĩnh Phúc ẢNH: HOÀNG MẠNH HÙNG
Những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc - Ảnh: Hoàng Mạnh Hùng 

Đó là 3 trong vô vàn mẩu chuyện về những con người đã đi thẳng vào “tâm bão”, đã sống và làm việc ngay tại môi trường có dịch giữa cơn lốc COVID-19.

Sáng 25/2, khi bệnh nhân thứ 16 xuất viện, Việt Nam chính thức không còn ca bệnh COVID-19, 13 ngày liên tiếp không xuất hiện ca nhiễm mới, tôi lại nghĩ về những con người này. Họ, loáng thoáng hiện diện sau những bài báo, thước phim, có khi chỉ bằng mấy dòng mô tả hay chỉ thấy hình, không nghe tiếng nhưng đủ để bao ánh mắt nhìn vào, đọc qua hình dung được công việc đang chất chứa nguy hại mà họ đang làm, nếu họ “không làm thì lấy ai làm”. Sau cái “rùng mình”, liệu có hàm ơn hay đã vội quên…

Thậm chí, đằng sau bản tin mang lại tín hiệu vui, Việt Nam là quốc gia thứ tư phân lập thành công chủng vi-rút corona mới, mấy ai hình dung những thành viên trong đội ngũ kỹ thuật viên sinh học đã và đang đối diện sự “xui rủi” như thế nào trong quá trình phân lập vi-rút, nhất là ở khâu xử lý mẫu bệnh phẩm (từ các bệnh nhân nhiễm), dù đã được bảo hộ chuyên nghiệp và có sẵn tập quán của môi trường làm việc có yếu tố nguy hại cao. 

Họ, hẳn có mặt trong danh sách mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong cuộc họp trực tuyến sáng 25/2 đã bày tỏ “trân trọng nỗ lực của những người tham gia chống dịch, những người năm nay hoàn toàn không có tết”. Ngay chính ông còn không nhớ ngày dương lịch, chỉ nhớ các mốc chống dịch theo ngày âm lịch, như lúc giao thừa là thời điểm bắt đầu khai báo y tế bắt buộc…

***

Trang Sputnik, Nga, ngày 20/2 đưa tin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Kunio Umeda đã đánh giá rất cao công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn cả Nhật Bản. 

Ngày 22/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra bùng phát dịch COVID-19 trên diện rộng. 

Tại Việt Nam, sau 13 ngày không có ca lây nhiễm mới, 16 ca nhiễm đã trở về âm tính nhưng người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn khẳng định, cần có biện pháp cụ thể hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Tinh thần “cảnh báo không được lơi lỏng cảnh giác” của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục được phát huy, trong đó có TPHCM, “… kiến nghị Thủ tướng và bộ ngành xem xét có ý kiến chỉ đạo về việc thành phố muốn cho học sinh nghỉ trong tháng Ba. Điều kiện thành phố hết sức phức tạp, trung bình mỗi ngày có 11 chuyến bay từ Hàn Quốc về…” - phát biểu của Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ngày 24/2. 

Những ngày này, từ cái giá lạnh nơi Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh cho đến cái nắng cháy da nơi Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, bất kể đêm hay ngày, những quân hàm xanh vẫn kiên trì bám trụ các chốt chặn, đảm bảo việc thực hiện các biện pháp kiểm tra sức khỏe, kiểm soát người và phương tiện xuất nhập cảnh. Những người lính mang trên vai nhiệm vụ bảo vệ biên cương, nay, thêm một lần nữa, họ bước vào “cuộc chiến” bảo vệ sự bình yên, sức khỏe cho đồng bào. 

Ngày 27/2 năm nay, thay cho mọi nghi thức tôn vinh, có khi chỉ cần một thoáng được nghỉ ngơi trong ngưỡng an toàn sức khỏe cho mọi người. Với những nỗ lực không mệt mỏi đã qua, đủ tỉnh táo để không chủ quan, khinh suất từ đây và sắp tới, bằng “tất cả sự khiêm tốn và cầu thị”, tôi nghĩ cần dành một sự tri ân sâu sắc, không chỉ với những “chủ nhân” của ngày 27/2 mà cả những người không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, trong đó bao lo toan, tính toán lẫn những nhọc nhằn không đo đếm được của cả những người mang trách nhiệm cao nhất cho đến từng cá-thể-không-thể-nhận-diện. Chiếc khẩu trang đã che khuất khuôn mặt, cũng là xóa đi định dạng cá nhân nhưng chí ít, đó là hành vi văn minh để tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng trong bão dịch. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI