|
Tự chụp hình mỗi ngày khi đến văn phòng làm việc là niềm vui của chị H. |
Sự xuất hiện cứu rỗi
Lúc chị N.H. cầm vốc thuốc ngủ, chị đang đứng ngay bên cạnh người thân thiết nhất của mình: chồng. Nhưng, anh chỉ đối diện chị bằng sự giận dữ và chỉ thấy ở chị một sự bốc đồng sau cuộc cãi vã.
Trong khoảnh khắc tuyệt vọng chồng lên tuyệt vọng đó, H. nghe điện thoại reo. Là D. - một nữ đồng nghiệp đang gọi. D. nhắc rằng, cô đang đến nhà H. theo lịch hẹn cùng tập văn nghệ cho tiệc tất niên của cơ quan. Lập tức, H. cất vốc thuốc, vội vàng vuốt tóc, quẹt nước mắt, dẹp cái ly bể tan tành giữa nhà.
D. bước vào nhà trong sự bối rối của chị H. Cái quạt nằm chỏng chơ, gãy đôi là dấu tích trận hỗn chiến. D. ôm H. thật chặt và im lặng. Nước mắt H. lã chã rơi. Đó là lần đầu tiên H. nhận được một sự vỗ về tinh tế và nhẹ nhõm đến thế, suốt sáu năm chống chọi với trầm cảm. Người thân biết H. trầm cảm nhưng khi vui vẻ, họ nói “H. phải mạnh mẽ lên, có gì đâu mà trầm cảm”; khi bực dọc, họ kết tội H. “giả đò”. Còn người đầu ấp tay gối, trong hàng trăm lần H. rơi vào hố sâu của ý muốn tự tử, anh chỉ im lặng - vô cảm và đầy thách thức.
H. dọn dẹp xong, cùng D. mở nhạc ra tập, như chưa có gì xảy ra trước đó. Chừng 30 phút, H. ngơ ngác với chính mình: “Sao cái người vừa mới định tự tử lại có thể ngồi ca hát thế này”. Cô lớp phó văn thể mỹ suốt thời cấp II-III nhận ra: rất lâu rồi mình không ca hát, dù đây vốn là sở thích và năng khiếu của cô. Trong suốt buổi tập, H. quên mất người chồng vũ phu, vô tâm, quên cả việc chị là bệnh nhân trầm cảm nặng, suốt sáu năm chung sống với ý muốn tự tử.
Chị D. đã trở thành “người thân” duy nhất của H. H. cảm giác rất rõ có một người đang lặng lẽ làm chỗ dựa cho mình: không giải thích, không khuyên nhủ, chỉ nhẹ nhàng hiện diện và nâng đỡ. Từ đó, H. không còn tránh né mọi người. H. đã dần rút ra khỏi vỏ ốc, tham gia các hoạt động của cơ quan.
Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh. Chỉ tiếc, người thân của họ thường không nhận ra tình trạng nghiêm trọng của bệnh; không coi họ là bệnh nhân cần được nâng đỡ, nương tựa, đồng hành mà xem đó như một người khó chịu, nông nổi.
Anh Trần V.Q. (49 tuổi, ở Tam Kỳ, Quảng Nam) chỉ được người nhà “thừa nhận” bệnh tình sau lần anh cắt tay tự tử. Anh nhắn tin cho chị Trinh - cô cháu gái thân thiết: “Cậu phải đi xa, trăm sự nhờ con quan tâm đến em và mợ”. Linh cảm có chuyện chẳng lành, chị Trinh điện thoại cho cậu không được. Gọi cho mợ, mợ cho biết đã hai ngày nay cậu cứ ở trên gác, không thiết tha ăn uống. Chị Trinh vội chạy đến, leo thẳng lên gác. Tại đó, Trinh bắt gặp cậu mình ngồi im lìm, phủ phục trước bàn thờ tổ tiên.
Một năm qua, anh Q. mất việc vì COVID-19. Đứa con trai bảy tuổi là trẻ tự kỷ, từng phải trải qua nhiều năm điều trị. Vợ Q. sắp sinh, lại động thai, phải nghỉ làm.
Trinh hỏi: “Có phải cậu thấy có lỗi vì những điều đó không?”. Q. ngồi phục xuống sàn, nói như khóc: “Ba tháng nay, cậu gần như thức trắng. Bác sĩ ở Đà Nẵng nói cậu rối loạn lo âu và trầm cảm. Cậu kể mà mợ không tin. Mợ khổ quá nên chỉ chì chiết. Lúc nãy, con không đến, chắc cậu đi rồi”, anh Q. thú nhận.
Chân dung “người khổng lồ”
|
Ông bố dẫu gầy gò nhưng là “người khổng lồ” đồng hành suốt 12 năm bên cô con gái mắc bệnh trầm cảm |
Bệnh viện Tâm thần TP.HCM mỗi buổi sáng đều đông bệnh nhân. Một người đàn ông thấp, gầy, mặc chiếc áo sơ mi màu xám tro đi bên cạnh cô gái trẻ có gương mặt u buồn và đôi mắt lúc vô hồn, lúc long lên dữ dội. Một người đứng cạnh bên hỏi nhỏ: “Bị gì vậy?”.
Người đàn ông thì thầm: “Nó bị trầm cảm, rồi giờ bị thêm tâm thần phân liệt. Bị từ năm 18 tuổi, giờ 12 năm rồi. Lúc đầu, cả nhà không biết nó bị trầm cảm, thấy nó lầm lì, ít nói, sợ ánh sáng, ở suốt trong nhà, lâu lâu than buồn đòi tự vẫn, tưởng nó thi rớt mà thành ra vậy, nên không đưa đi khám. Đến khi nó chuyển nặng, tôi đưa đi khám thì bác sĩ nói bị trầm cảm và tâm thần phân liệt”.
Những câu chuyện của thân nhân bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thường bắt đầu như thế. Họ hỏi nhỏ, nói trong dè dặt nhưng trút thật lòng. Có lẽ họ mong câu chuyện của mình sẽ giúp một ai đó tránh rơi vào cảnh tương tự.
Một đêm khuya, anh Lê Văn Đ. (ở Q.7, TP.HCM) nhận được tin nhắn của chị gái: “Chị mệt mỏi quá, chị đã sai rồi”. Anh Đ. nghĩ ngay đến cuộc hôn nhân không êm đềm của chị mình. Chị luôn nghĩ mình có lỗi với con vì không chọn cho con người cha tốt.
5 phút sau, anh Đ. lại nhận được tin nhắn của chị gái: “Chị muốn chết và đưa hai đứa nhỏ theo”. Anh Đ. chạy ngay qua nhà chị. Anh biết lúc này chị rất cần người thân bên cạnh. Từ đó, cuối tuần nào ba mẹ con chị cũng qua nhà anh Đ. chơi hoặc gia đình anh qua nhà chị gái.
Sự xuất hiện kịp thời và vô điều kiện của anh Đ. đã ngăn chặn căn bệnh trầm cảm bùng phát nơi người chị. Sau đó, má họ từ miền Trung cũng vào. Cùng với gia đình con trai, bà giúp con gái hiểu ra: người chồng không phải xấu đi so với thời mới quen mà do góc nhìn của chị thay đổi, chị đòi hỏi ở người đàn ông của mình nhiều hơn.
Có một thực tế mà người thân và cả người trầm cảm chưa thật sự nhận ra: người bệnh luôn có sẵn “tài sản” là những người thân yêu, gia đình. Một người thân thật sự trở nên kỳ diệu khi họ thấu hiểu, đồng hành với bệnh nhân trầm cảm và giúp chữa lành.
Bác sĩ Chu Thị Dung - Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết, cùng với bác sĩ, vai trò của người thân rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân trầm cảm. Người thân phải sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những tâm tư của người bệnh, ghi nhận những cảm xúc của người bệnh, đồng cảm với người bệnh. Đã có nhiều trường hợp khỏi trầm cảm nhờ vào sự điều trị của bác sĩ và sự chăm sóc của người thân.
Bác sĩ Dung kể: “Có một bệnh nhân nữ 28 tuổi, là nhân viên văn phòng, lập gia đình 5 năm, có một con gái bốn tuổi. Cô phát bệnh ba tháng với biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, uể oải, buồn chán, mất hứng thú, mất khả năng tập trung trong công việc, bi quan về cuộc sống, có ý nghĩ muốn chết, thường xuyên bực tức, gây gổ với chồng và la mắng con cái.
Người chồng, sau khi đưa vợ đi khám tâm thần, đã đồng hành với vợ trong suốt chặng đường trị bệnh và cả trong cuộc sống. Anh đưa vợ đi khám theo hẹn, quản lý thuốc cho vợ, san sẻ việc nhà, nấu cơm, giặt giũ… và dạy con cái học hành. Buổi tối anh ít đi chơi với bạn bè mà dành thời gian ở nhà chơi với vợ con, đưa vợ con đi chơi, chăm con cho vợ đi tập yoga… Sau ba tháng, sức khỏe vợ anh đã ổn định, cả thể chất lẫn tinh thần.
Bạn có chỗ dựa không? Có một “người khổng lồ” nào bên cạnh bạn không? Bạn đừng vội trả lời “chưa”, “không” bởi trong gia đình hay xung quanh chúng ta, trong một sự tình cờ nào đó, bạn sẽ gặp được “người khổng lồ”, như chị H. đã gặp chị D. Có biết bao người thân đã vượt qua cả đau khổ lẫn thử thách ban đầu để thực sự vào cuộc, làm điểm tựa, đồng hành và nâng đỡ thân nhân của họ, giúp người họ yêu quý vượt qua cơn ác mộng trầm cảm.
Trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách phối hợp tâm lý liệu pháp và dùng thuốc điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị, theo dõi cần ít nhất sáu tháng.
Tuy nhiên, nếu sau khi chữa khỏi, người bệnh tiếp tục gặp phải cú sốc hay các mối lo toan… có thể sẽ tái phát, cần can thiệp y khoa kịp thời. Đặc biệt, sự nâng đỡ, lắng nghe của bạn bè và người thân hằng ngày chính là “liều thuốc” vô cùng quan trọng, có thể giúp phát hiện và làm dịu đi ý nghĩ tự tử…
|
Thùy Dương
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.
Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.
|