Những người không chịu về hưu

21/07/2018 - 13:00

PNO - Làm gì để thoát khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực đó, nhất là khi ta về hưu, khi ta đã bị đóng dấu “hết hạn sử dụng” trong cuộc đời?

Tuổi già, mà cột mốc là ngày về hưu, chính là nỗi ám ảnh của phần đông chúng ta. Chỉ vừa bước qua tuổi 36 nhưng từ rất lâu, tôi đã ám ảnh và dành thời gian suy nghĩ nhiều về các phương án của tuổi già. “Tôi muốn có một tuổi già như thế nào?”, “Tôi sẽ làm gì, sống ra sao khi về hưu?” là những câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu mà mỗi khi nó gợn lên là một lần tôi hoang mang, lo lắng.

Nhung nguoi khong chiu ve huu
Những phút thăng hoa trên sân khấu của nữ ca sĩ nhạc rock 71 tuổi Linda Gail Lewis

Sự cô đơn, buồn tẻ, cảm thấy mình vô dụng là những cảm giác tiêu cực mà tôi hoàn toàn không mong muốn. Nhưng làm gì để thoát khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực đó, nhất là khi ta về hưu, khi ta đã bị đóng dấu “hết hạn sử dụng” trong cuộc đời? Đi tìm câu trả lời cho những ám ảnh mà tôi tin không chỉ mình mới có, tôi bắt đầu quan sát cuộc sống quanh mình và nhìn vào những hình mẫu mà tôi cho là tích cực.

Hồi mới sang Pháp sống, tôi nhận ra khá nhiều người già tham gia vào việc vận hành hệ thống xã hội. Ở thư viện làng, nơi tôi thường lui tới mượn sách, nhân viên cơ hữu chỉ có một người. Tất cả nhân viên còn lại đều là các “bà ngoại” đã về hưu, đăng ký làm tình nguyện viên cho thư viện. Họ phân chia khung giờ phù hợp vào các ngày trong tuần, mỗi ê-kíp có chừng 3 “bà ngoại” tham gia sắp xếp, quản lý các thư mục và cho mượn sách. Vào sáng thứ Hai hằng tuần, trường mẫu giáo và trường cấp I của làng sẽ đưa các cháu đến thư viện, ngồi quây quần nghe bà đọc sách. Điểm chung của các “bà ngoại” ở thư viện là họ đều mê sách. Khi về hưu, họ rời bỏ các thành phố lớn và chọn một ngôi làng để sống. Họ hòa nhập vào cộng đồng bằng cách tham gia các công tác thiện nguyện như thế. 

Catherine, giáo viên tiếng Pháp của tôi, là một phụ nữ về hưu. Việc giảng dạy tiếng Pháp cho người nước ngoài là cách bà làm cho mình trở nên bận rộn và “viết tiếp ước mơ” làm giáo viên từ thuở niên thiếu. Cũng như không ít người về hưu khác, Catherine cho tôi cảm giác bà bận rộn hơn cả những ngày còn chưa về hưu hay bà là người… chẳng chịu về hưu.

Nhung nguoi khong chiu ve huu
 


Hay như Helene, hàng xóm của tôi, vốn là một người Thụy Sĩ gốc Đức. Sau nhiều năm làm việc trong ngành dược, bà về hưu và chọn làng tôi để sống. Tậu một ngôi nhà đủ rộng, có một khu vườn đủ rộng, bà thỏa thích nuôi động vật như mong ước. Hiện bà đang nuôi một con chó, một con mèo, hai con ngựa. Bà còn đào hẳn một cái ao nuôi cá cảnh và nuôi thêm một đám rùa... Việc chăm sóc thú cưng đã chiếm gần hết quỹ thời gian của bà. Phần còn lại, bà cùng bạn bè cưỡi ngựa ngoạn cảnh quanh vùng hoặc thong thả nhấm nháp cà phê cùng nhóm bạn già ở phiên chợ làng.

Giữa một đêm nhạc rock “bốc lửa” do nữ ca sĩ nhạc rock kiêm nghệ sĩ piano Linda Gail Lewis 71 tuổi từ Mỹ sang “đốt cháy” trái tim khán giả, thật bất ngờ, Helene “của tôi” cũng ở đó, cùng những người bạn đồng niên ăn mặc đẹp và quyến rũ, nhảy múa quay cuồng khi nữ ca sĩ trạc tuổi bà đang trên đà cao hứng, đưa... cả gót chân lên mặt đàn piano mà gõ.

Nhìn những bà ngoại như Helene tưng bừng nhảy nhót và Linda Gail Lewis khuấy động sân khấu, làm rạo rực hàng ngàn trái tim người hâm mộ, tôi tràn đầy hứng khởi. Với xã hội, họ đã hoàn thành trách nhiệm, bây giờ là lúc họ sống cho bản thân, cho niềm đam mê. Càng ngắm họ, tôi càng tin rằng, chỉ có những tâm hồn nghèo nàn, đơn điệu mới sợ nỗi cô đơn, buồn tẻ. Những người có nội tâm phong phú luôn biết cách làm cho cuộc sống của mình thú vị. 

Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhớ đến ngoại tôi, mẹ tôi, các chị tôi nơi quê nhà. Tuổi trẻ của họ cũng đầy ước ao, mơ mộng... Nhưng ngoại tôi giờ đã như “chuối chín cây”, mẹ tôi cũng đang lầm lũi, nhọc nhằn nơi lưng chừng dốc bên kia cuộc đời, các chị tôi rồi cũng dần theo gót họ, mà tôi không biết rằng, liệu có khoảnh khắc nào trong cuộc đời dài dặc, họ còn nhớ về giấc mộng tuổi xuân hay một lần bước ra khỏi cái “hàng rào thép gai” mang tên định kiến, để thể xác và tâm hồn được cất lên tiếng nói? 

Nơi tôi sống bây giờ là chiếc nôi của nữ quyền và là nơi có chế độ an sinh cho người già cao nhất châu Âu, nhưng đâu phải tự nhiên phụ nữ Pháp có được cuộc sống và tự do mà ta đang mơ ước. Họ đã trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh và cách mạng để có được điều mình mong muốn. Thật ra phụ nữ Việt Nam hiện đã có một bước tiến dài trong mối tương quan với nam giới so với các thế hệ trước. Song, để thực sự làm chủ bản thân, bước qua những lề thói, định kiến và hàng tá cản ngại do chính mỗi người tự buộc vào mình; đạt được trạng thái quyết đoán, tự do để tỏa sáng, cần có sự dũng cảm và kiên định của mỗi cá nhân. Chỉ cần bạn đồng ý cho phép điều đó xảy ra, tự nhiên cửa sẽ mở. Hẳn nhiên, cũng có những cái giá phải trả nhưng cuộc lột xác nào mà không phải chịu đớn đau?

Ngọn nến nào chẳng phải tự đốt cháy chính mình cho đến hết nhưng trước khi lụi tàn, là ngọn nến lung linh hay leo lét là điều ta hoàn toàn có thể lựa chọn.

Kim Toàn (Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI