edf40wrjww2tblPage:Content
Một buổi họp báo tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Tay ngang vào nghề
Khoảng 10 năm trở lại đây các trường ĐH, CĐ bắt đầu chú trọng đến công tác truyền thông. Một số nhân viên của trường được điều động sang phụ trách mảng công việc này. Phần lớn các trường công lập chỉ có một người chuyên trách công việc thông tin tuyên truyền cho toàn trường, trong đó có mảng quan hệ với báo chí. Họ thuộc biên chế phòng công tác chính trị sinh viên. Riêng các trường ngoài công lập, hoạt động truyền thông được đầu tư nhiều hơn, có trường trên 10 người và có hẳn một phòng truyền thông.
Với công việc cập nhật thông tin hoạt động của trường lên website và cung cấp kịp thời cho các đơn vị truyền thông, các nhân viên phụ trách công tác này phải thường xuyên lên kế hoạch và chạy “vắt giò lên cổ” để tổ chức các sự kiện và đưa sự kiện đó lên càng nhiều báo càng tốt.
Với những trường chỉ có một người phụ trách truyền thông, cán bộ phải “tả xung hữu đột”. Chị Lê Thị Huế - cán bộ phụ trách thông tin tuyên truyền Trường ĐH Bách khoa TPHCM, chia sẻ: “Tôi đến với công việc này cũng thật tình cờ, không đúng chuyên ngành đào tạo. Ngày ấy, tôi mới chập chững tập tành viết bài, chụp hình, còn rụt rè nhút nhát và chưa biết cách "săn" tin, dù trường có rất nhiều hoạt động diễn ra. Mùa hè xanh 2006, khi chiến dịch tình nguyện của trường đang diễn ra tại Trà Vinh, tôi dẫn một số anh chị phóng viên đi xuống địa bàn, nhìn thấy mấy anh chị tiếp xúc với các em sinh viên, đặt ra nhiều câu hỏi. Đặc biệt là các anh có thể lội bộ một quãng đường dài để vào các công trình, tìm những góc ảnh đẹp, thức cùng các em chiến sĩ mùa hè xanh đến nửa đêm đợi nước ròng để đặt dầm cầu... Tôi thấy mình đúng là chưa bao giờ làm được như thế. Sau những bài học đầu tiên ấy, những ngày gắn bó với các phong trào sinh viên, tôi không còn ngần ngại tiếp xúc với sinh viên, với các công trình của các thầy cô giáo, ở đâu có tin tức, ở đó có mình”.
Với chị Xuân Dung - chuyên viên truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, con đường đến với công việc này thuận lợi hơn. “Từ thời học sinh, tôi đã thích văn chương và yêu viết lách. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn, tôi quyết định lựa chọn một công việc có vận dụng nhiều đến khả năng sử dụng câu chữ của mình, báo chí hay liên quan đến báo chí đều được. Thêm vào đó, tôi rất yêu thích môi trường giáo dục, thích được làm việc trong một ngôi trường đại học hơn là “dấn thân” vào một tòa soạn báo hay một công ty truyền thông. Vậy là tôi gửi hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nhân viên truyền thông tại trường đại học và bắt đầu gắn bó với công việc này như một mối lương duyên” - chị Xuân Dung tâm sự.
Bên cạnh “dân” ngữ văn, báo chí thì sinh viên ngành Marketing ở các trường kinh tế cũng khá mát tay với lĩnh vực này. Anh Hoàng Đức Bình - Giám đốc truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Mình xuất thân là người làm marketing nên truyền thông nó “nhập” vào người lúc nào không hay. Lúc còn học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mình đã tập viết và được đăng 3 bài trên một tờ báo lớn hẳn hoi. Ra trường làm việc chuyên về marketing nên kỹ năng viết và truyền thông tốt là bắt buộc. Nghề dạy nghề nên dần dần quen việc. Sau vài năm làm việc ở doanh nghiệp, năm 2003, mình đầu quân cho vào ĐH Hoa Sen. Khi biết mình từng điều hành công ty quảng cáo có dịch vụ quan hệ công chúng, ban giám hiệu đã đề nghị mình đảm trách truyền thông, quản lý cả 17-18 nhân viên”.
Anh Hoàng Đức Bình trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình.
Áp lực không kém báo chí
Với một phóng viên thì áp lực lớn nhất là tin, bài và chỉ tiêu hàng tháng. Số lượng thì tùy theo quy định của từng đơn vị. Vậy với các cán bộ phụ trách truyền thông ở các trường học áp lực của họ là gì?
Với những trường ĐH lớn, có nhiều cơ sở thì việc đi lại để lấy thông tin cũng không đơn giản, nhất là những sự kiện tổ chức vào ban đêm thì càng bất tiện. Chị Lê Thị Huế tâm sự: “Hiện tại, tôi đã có gia đình, việc dự các sự kiện ngoài giờ hành chính là rất khó. Trường chỉ một mình mình đảm nhận công tác này, nếu không dự một sự kiện, nghĩa là sự kiện đó không được đưa tin hay viết bài. Mình chỉ mong sao con gái nhanh lớn hoặc có thêm một người hỗ trợ nữa để công việc trôi chảy hơn”.
“Một khi đã gắn bó với công việc truyền thông tại một trường học, bạn cần phải có sự sâu sắc, thấu đáo và tinh tế. Mỗi công việc của bạn đều xuất phát từ giáo dục, được thực hiện vì mục tiêu giáo dục và trong môi trường giáo dục, nên bên cạnh hiệu ứng truyền thông, thì hiệu ứng giáo dục là một yêu cầu không thể bỏ qua. Đó chính là cái khó riêng, cũng chính là áp lực riêng của công việc truyền thông ở trường học” - chị Xuân Dung, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói. |
Tại một số trường, công tác truyền thông chủ yếu tập trung vào tuyển sinh và quan hệ báo chí, doanh nghiệp. Anh Hoàng Đức Bình cho rằng: “Đây là những việc có áp lực cao. Một vài người ví von, công việc này giống như marketing tại doanh nghiệp. Trách nhiệm chính của chúng tôi là truyền thông đầy đủ và trung thực thông tin đến người học, người học tiềm năng và những người liên quan như thầy cô giáo tại trường phổ thông, phụ huynh học sinh và công chúng nói chung. Nếu đứng trên quan điểm marketing thì rất dễ dẫn đến thương mại hóa trong truyền thông và ngược lại, nếu đứng trên quan điểm giáo dục thì dễ dẫn đến học thuật hóa các hoạt động truyền thông. Ngoài ra, giáo dục đại học tại Việt Nam khá đặc thù với nhiều quy định thay đổi liên tục nên việc đáp ứng tiêu chí nhanh, trung thực, chính xác là một bài toán rất khó giải”.
Ở các sự kiện lớn của trường, khi kết thúc, mọi người hồ hởi kéo nhau đi liên hoan, ăn mừng nhưng với cán bộ phụ trách truyền thông, họ phải nhanh chóng chọn lựa những hình ảnh phù hợp kèm thông tin hoặc thông cáo báo chí gửi cho toàn bộ phóng viên mình có quan hệ. Ngày hôm sau, họ thấp thỏm mở báo ra xem tin, bài đã xuất hiện chưa.
Chị Nguyễn Thị Mến, chuyên viên truyền thông Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được giao phụ trách truyền thông cũng là một sự kiện rất lớn của nhà trường: Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập. Tôi chuẩn bị mọi khâu của công việc một cách rất tự tin và hồn nhiên. Nhưng rồi tôi đã phạm nhiều lỗi: hồ sơ báo chí chưa tốt, đón tiếp các đơn vị truyền thông chưa chu đáo, xử lý tình huống không tế nhị… Đây là một thất bại đầu tiên và nhớ đời. Tôi đã tách truyền thông ra khỏi sự kiện và đó là sai lầm lớn”.
Lam Phương