Những người kể chuyện về mảnh đất “bùn, máu và hoa”

05/05/2024 - 07:31

PNO - Họ là những thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng. Họ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất bi hùng. Với họ, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của các bậc tiền nhân đã trở thành một điều thân quen như hơi thở - không nhìn thấy nhưng luôn hiện hữu.

Lớn lên trong lòng cách mạng

Ở Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), thuyết minh viên Lò Thị Thủy, Lò Thị Hà, Cà Thị Minh… đều là con em của đất cách mạng Mường Phăng. Từ thời thơ bé, các chị đã được nghe ông bà, cha mẹ, bà con xóm giềng kể về những ngày Mường Phăng góp sức cho chiến dịch cũng như bảo vệ an toàn cho sở chỉ huy. Rồi chiến trường Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên trở thành di tích quốc gia đặc biệt (năm 2015) càng khiến mỗi bước chân nơi này là một không gian lịch sử. Các chị đã lớn lên trong không gian và sự trao truyền tinh thần bất khuất ấy - nên có lẽ không ai nói về Mường Phăng trọn vẹn được bằng chính các chị.

Trên đồi A1, thuyết minh viên (bìa phải) của Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên  giới thiệu với du khách từ lô cốt cây đa cụt đến hố bộc phá 960kg
Trên đồi A1, thuyết minh viên (bìa phải) của Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên giới thiệu với du khách từ lô cốt cây đa cụt đến hố bộc phá 960kg

Chị Lò Thị Thủy là thuyết minh viên kỳ cựu nhất nhì Mường Phăng và là cháu dâu của cụ Lù Thị Đôi - người 70 năm trước đã có công rất lớn trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con Mường Phăng đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch cũng như đảm bảo an toàn cho sở chỉ huy. Chị Thủy bảo chị rất may mắn khi vừa được sống trong những câu chuyện cách mạng từ tấm bé, vừa được làm cháu dâu cụ Đôi. Chị Thủy gần cụ Đôi được ít năm thì cụ về trời nhưng cụ đã rủ rỉ truyền lại cho chị trọn vẹn lòng dân Mường Phăng, ý chí chiến đấu quật cường của chiến sĩ Điện Biên - người lính Cụ Hồ.

Cũng vì lẽ đó mà 15-16 năm trước, khi biết thông tin Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên tuyển thuyết minh viên tại khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, chị Thủy nộp hồ sơ ngay. Chỉ qua đào tạo nghiệp vụ nhưng chị nhanh chóng nắm bắt được công việc của một thuyết minh viên. Chị Thủy chia sẻ: “Chúng tôi có lợi thế là con em của đất cách mạng nhưng dù sao cũng là thuyết minh viên “tay ngang”. Từng gốc cây, viên đá ở sở chỉ huy, chúng tôi đều rất thân thuộc nhưng vẫn phải tìm tòi, học hỏi để có thể thuyết minh truyền cảm, xúc động và sâu sắc hơn”.

“Với mỗi nhóm khách như cựu chiến binh, thanh niên, học sinh…, chúng tôi cũng phải có những cách thức truyền đạt phù hợp với từng độ tuổi và nhu cầu tìm hiểu của du khách. Nhiều người nghĩ thuyết minh viên nói lại nhiều lần một nội dung, một câu chuyện sẽ nhàm chán. Nhưng với chúng tôi, những câu chuyện ấy như mang cả hồn cốt cha ông, đã thấm vào huyết quản thì không biết chán đâu” - chị Thủy cười.

Cũng chính vì lòng tự hào là con em đất cách mạng và mong muốn “nối dài” tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của ông cha, cô gái trẻ Quàng Thị Hương Giang đã chọn học chuyên ngành du lịch của Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam. 2 năm trước, Giang tốt nghiệp, tình nguyện đăng ký trở thành thuyết minh viên tại khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Giang bảo cô học được nhiều nhất từ những lần dẫn đoàn cựu chiến binh. “Các chú, các bác đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn từng dấu mốc, sự kiện lịch sử cũng như đời sống của người lính Cụ Hồ” - Giang nói.

Tiếp bước cha ông

Điện Biên Phủ những ngày nắng gắt, chị Nguyễn Thùy Dương miệt mài thuyết minh cho du khách từ lô cốt cây đa cụt đến hố bộc phá 960kg trên đồi A1. Với chị, mỗi lần thuyết minh cho khách - ở bất cứ di tích nào trên mảnh đất Điện Biên này - đều là một lần đặc biệt. Bởi chị là cháu ngoại của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Minh Xuân. Những tán phượng vĩ xòe đỏ rực trên đồi A1. Nơi này, 70 năm trước, ông ngoại chị cùng đồng đội liên tục tham gia các trận công kiên, giành từng tấc đất và tổn thất không nhỏ.

Nhắc đến ông ngoại, chị Dương xúc động: “Ông tôi rời quê Diễn Châu, xa bà ngoại vừa mới cưới để xung phong vào vệ quốc đoàn làm lính Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Trước khi chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, đơn vị của ông tôi đã có những trận huyết chiến trên mặt trận đường số 4 tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Sau những trận công kiên trên đồi A1, đồng đội của ông hy sinh nhiều, ông may mắn sống sót”. Thắng trận Điện Biên Phủ, đơn vị ông nhận nhiệm vụ ở lại xây dựng nông trường quốc doanh trên nền chiến trường xưa. Mấy năm sau, ông mới về quê đưa bà lên cùng xây dựng Điện Biên. Ông bà có 7 người con, trong đó có 1 người làm dâu Điện Biên, chính là mẹ chị Dương.

Chị Dương tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, mong muốn làm cô giáo. Nhưng khi ông ngoại chị mất tại Điện Biên, chị quyết định trở thành thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngoài thuyết minh ở bảo tàng và các điểm di tích lịch sử, chị cùng đồng nghiệp còn luân phiên đưa hiện vật, hình ảnh đến các huyện xa xôi để giới thiệu, thuyết minh với học sinh về nội dung, hiện vật bảo tàng và kể cho các em nghe những câu chuyện của từng bức ảnh. Chị tâm sự: “Đi xa vất vả, cuối mùa xuân, đầu mùa hạ đông khách, nhiều khi tưởng chừng “sập nguồn” vì quá tải nhưng mường tượng từng trận đánh ông ngoại tham gia, từng bước chân ông in dấu, tôi lại thấy phấn chấn hơn rất nhiều”. Gạt mồ hôi, chị nhoẻn cười: “Tôi có 2 niềm tự hào: sinh ra, lớn lên, trưởng thành trên mảnh đất Điện Biên anh hùng và là con cháu chiến sĩ Điện Biên”.

Từng là giáo viên văn của Trường THCS Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ), năm 2008, chị Quàng Thị Kim Nhung chuyển sang làm thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chị Nhung sinh ra, lớn lên ở xã Thanh Minh, huyện Điện Biên (nay thuộc TP Điện Biên Phủ). Trước đây, ông nội chị làm cán bộ xã Thanh Minh và từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lớn lên cùng những câu chuyện đánh giặc quật cường của bộ đội Cụ Hồ mà ông nội kể, chị luôn muốn làm công việc gắn với lịch sử của mảnh đất thấm đẫm “bùn, máu và hoa”. Chị bảo 16 năm kể từ khi quyết định “đổi nghề”, chưa một lần chị hối tiếc khi nhìn lại.

Cao ráo, mảnh mai, duyên dáng với áo cóm, váy nhung đen chấm gót chân; cô gái Thái thế hệ 9X Nguyễn Thị Hằng là một trong những thuyết minh viên chuyển tải giá trị lịch sử, tinh thần bất khuất của chiến sĩ Điện Biên sâu sắc, xúc động nhất. Cô được Ban quản lý di tích tỉnh “chọn mặt gửi vàng”, giao nhiệm vụ dẫn dắt, thuyết minh cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách ngoại giao, chuyên gia quốc tế khi đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chị Nguyễn Thị Hằng dẫn dắt, thuyết minh về bức tranh panorama - toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ  cho đoàn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Nguồn ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Chị Nguyễn Thị Hằng dẫn dắt, thuyết minh về bức tranh panorama - toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ cho đoàn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Nguồn ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Hằng chia sẻ: “Nhiều đoàn có các cụ ông, cụ bà cựu chiến binh tóc bạc trắng, mắt đã mờ, chân đã chậm mà vẫn kiên nhẫn, chăm chú nghe từng lời thuyết minh, nhìn từng hiện vật. Những lúc đó, tôi rất xúc động và chỉ muốn chia sẻ nhiều câu chuyện hơn, chậm rãi hơn để được hòa cùng tâm thế của các cụ”.

Chia tay đoàn cựu chiến binh, chỉ kịp chia sẻ đôi lời, Hằng lại bận rộn dẫn đoàn khách là cán bộ trẻ từ các địa phương. Cô thẳng lưng, áo cóm càng tôn lên nét đẹp rất… “con gái Thái”. Rất nhanh, cô chỉnh tông giọng và cách diễn đạt. Trong tủ kính bảo quản, chiếc dây chão Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 sử dụng kéo pháo tới vị trí tập kết như có hồn; dấy lên khí thế vào trận địa, niềm tự hào về những kỳ tích của ông cha trong trái tim du khách.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI