Những khoảnh khắc kinh hoàng
Vào buổi sáng 11/9/2001, đại tá Không quân Paul “Ted” Anderson nhìn thấy các đồng nghiệp của mình ở Lầu Năm Góc đang đứng vây quanh màn hình TV cỡ lớn. Khi đến gần hơn thì ông được biết rằng, 1 chiếc máy bay vừa mới đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York (Mỹ).
|
Tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Quốc tế đang sụp đổ - Ảnh: Thomas Nilsson/Getty Immages |
“Tôi như bị đông cứng cả người khi tận mắt chứng kiến ngay lúc ấy [9g03 buổi sáng], trên màn hình, chiếc máy bay tiếp theo lao vào tòa tháp thứ 2”, Anderson kể lại. “Tất cả chúng tôi lặng người đi”.
Ngay sau đó, Anderson nhận được cuộc gọi từ vợ mình, một giáo viên cấp 2 ở Bắc Carolina, cũng đang xem trực tiếp vụ tấn công cùng đồng nghiệp của mình trong văn phòng nhà trường. Cuộc nói chuyện chưa kịp kết thúc thì chuyến bay số hiệu 77 của American Airlines đâm vào mặt tiền phía tây của Lầu Năm Góc ở Washington D.C, cách nơi Anderson đang đứng không xa.
“Cứ như như thể toàn bộ tòa nhà bị bốc hẳn lên khỏi mặt đất vậy”, ông kể lại. “Ở đây đang bị ném bom. Anh phải đi đây”, Anderson hét lên với vợ trong điện thoại, gác máy và hối thúc mọi người rời khỏi văn phòng.
Dấn thân
Vụ tấn công vào Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng ở Arlington, Virginia đã cướp đi sinh mạng của 189 người trong tòa nhà và trên chiếc máy bay (bao gồm cả những tên không tặc). Và chắc chắn số người chết sẽ còn cao hơn nữa nếu không có những hành động kịp thời của những nhân viên công lực và đội ngũ cứu hộ vào cái ngày định mệnh cách đây 19 năm.
|
Nhân viên cứu hộ cùng chó nghiệp vụ đang cố gắng đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân - Ảnh: Andrea Booher/FEMA/Getty Images |
Khi chiếc máy bay mang số hiệu 77 đâm vào Lầu Năm Góc vào lúc 9:37 sáng 11/9 thì những người đang làm việc trong tòa nhà vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Và như Anderson kể ở trên, anh ấy và hầu hết mọi người đều cho rằng đó là một vụ đánh bom. Thậm chí 1 sĩ quan bảo vệ lúc ấy còn ngăn không cho Anderson mở cửa thoát hiểm vì cho rằng, nhóm khủng bố đang dùng bom nhử mọi người ở bên trong thoát ra ngoài để sau đó sẽ bị “hốt trọn cả ổ” bởi các tay súng đang chờ sẵn.
Chần chừ một lúc nhưng không nghe thấy tiếng súng nào ở bên ngoài, Anderson quyết định mở các cửa thoát hiểm và hối thúc mọi người thoát nhanh ra phía bên ngoài, còn anh thì hộ tống 1 nữ nhân viên đang mang thai nhằm đảm bảo an toàn cho cô ấy. Ngay sau đó, ông cùng trung sĩ Christopher Braman lao ngay về hướng chiếc máy bay đâm vào tòa nhà.
“Chris và tôi nhìn thấy ngay lúc ấy có 2 người phụ nữ đang nằm sóng soài trên mặt đất”, Anderson kể. “Một người bị đa chấn thương và tôi nhìn thấy rõ xương sườn bị gãy. Cô ấy đang trong trạng thái hoảng loạn”.
Anderson bế người phụ nữ bị thương nặng chạy ra xa khỏi tòa nhà. Sau đó, ông và Braman cùng quay trở lại sục sạo bên trong các tòa nhà của Lầu Năm Góc để tìm kiếm những nạn nhân khác đang mắc kẹt ở bên trong. Họ tìm thấy 1 phụ nữ đang bị đè bởi chiếc kệ gỗ nặng dùng để chứa tài liệu, tìm cách kéo cô ấy và đưa ra bên ngoài. Họ cũng nhanh chóng dùng bình chữa cháy để giúp 1 người đàn ông đang bị lửa trùm kín người, và khiêng anh ấy ra trong tình trạng bị bỏng nặng.
|
Nhân viên cứu hỏa là một trong những lực lượng đầu tiên tiếp cận hiện trường ở Lầu Năm Góc - Ảnh: FBI/Getty Images |
Người đàn ông suýt bị thiêu cháy ấy nói với họ rằng, vẫn còn nhiều người ở bên trong. Không chút chần chừ, Anderson và Braman thêm 1 lần nữa quay ngược lại phía tòa nhà. Và không chỉ mỗi họ, những người làm việc tại Lầu Năm Góc cũng đang cố gắng tìm cách tiếp cận khu nhà khổng lồ đang trong tình trạng hỗn loạn để cứu các đồng nghiệp của mình.
“Và đây cũng là lúc mà chúng tôi chạm trán với sự phản ứng của lực lượng cứu hỏa”, Anderson kể.
Nhân viên cứu hỏa là những con người chuyên nghiệp không chỉ trong chữa cháy, mà còn cả với việc ngăn cản những người khác vừa mới thoát được ra ngoài nhưng lại đang tìm cách đột nhập tòa nhà trở lại, kể cả đó là sĩ quan quân sự. Căng thẳng giữa các nhóm nhân viên công lực có dấu hiệu leo thang đến nỗi một vài sĩ quan cao cấp ở đó đã phải đứng ra để tìm cách hạ nhiệt những cái đầu nóng đang sẵn sàng “bốc hỏa”.
“Chúng tôi vẫn còn những sĩ quan và quân nhân đồng nghiệp đang mắc kẹt bên trong tòa nhà. Và trách nhiệm của quân nhân không cho phép chúng tôi để đồng đội lại phía sau khi biết họ đang gặp nguy hiểm”, Anderson giải thích, nhưng cũng nói thêm rằng, anh hoàn toàn thấu hiểu vai trò và yêu cầu của những người lính chữa cháy này.
Không lâu sau đó, hầu như toàn bộ các tòa nhà thuộc Lầu Năm Góc đã đổ sụp xuống, và nếu như bọn họ cùng lính cứu hỏa không tiếp cận vào bên trong kịp thời thì tất cả những người còn mắc kẹt có lẽ đã bị chôn vùi trong những đống đổ nát.
Những anh hùng thầm lặng
|
Nữ nhân viên Marcy Borders tham gia cứu hộ những người bị mắc kẹt bên trong các đống đổ nát. Toàn bộ cơ thể cô bị bụi cát bao trùm. Cô mất ngày 24/8/2015 với căn bệnh ung thư dạ dày, được cho là di chứng từ các chất độc mà cô hít phải trong sự kiện 11/9/2001 - Ảnh: Stan Honda/AFP/Getty Images |
Cô bé Hanna Born 3 tuổi cùng người bảo mẫu Heather đang tập làm đồ thủ công tại Nhà trẻ bên trong Lầu Năm Góc vào cái ngày định mệnh 11/9 ấy trong khi bố và mẹ cô bé, đều là sĩ quan công tác trong Lầu Năm Góc, đang đi tuần tra dọc con sông Potomac nơi có căn cứ Không quân Bolling. Họ không thể quay trở lại khu nhà trẻ để cứu con gái mình và đành phó mặc mọi chuyện cho sự may rủi. Cô bé Hanna cùng các em bé khác đã được sơ tán kịp thời ra bên ngoài an toàn nhờ những quân nhân đang làm việc ở quanh đó.
“Tôi thật sự cảm động khi biết rằng, ngay trong thời khắc hỗn loạn đó mà họ vẫn chấp nhận với nguy hiểm để quay trở vào cứu chúng tôi”, cô bé Hanna 3 tuổi ngày nào giờ đây đang là một sinh viên Học viện Không lực Hoa Kỳ đã phát biểu như vậy trong buổi lễ kỷ niệm sự kiện 11/9 diễn ra năm 2019. “Sự dũng cảm, tính chuyên nghiệp, và tinh thần dấn thân của họ đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ chúng tôi ngày nay”.
Một “người hùng thầm lặng” khác chính là trung sĩ Patricia Horoho, 1 nữ y tá quân đội. Trong tay lúc ấy không có gì hơn ngoài chiếc túi cứu thương đơn giản, cô đã tự thiết lập một khu vực an toàn bên ngoài khoảnh sân ngay trước tòa nhà đang bốc cháy ngùn ngụt để chăm sóc và sơ cứu cho hàng chục người bị thương lúc đó.
|
Đại tá Không quân Paul “Ted” Anderson đang đứng bên ngoài khu văn phòng làm việc ở Lầu Năm Góc nhìn những chiếc máy bay đang cất cánh vào tháng 8/2002, sau vụ khủng bố 11/9 một năm - Ảnh: The Washington Post/Getty Images |
Mặc dù khoảng 22.000 người đã được cứu sống khỏi các tòa nhà thuộc Lầu Năm Góc trong cuộc tấn công ngày 11/9 ấy, đến nay vẫn còn nhiều người đang là nạn nhân của những vấn đề liên quan đến thần kinh và các bệnh lý khác. Bản thân Braman đang phải chịu đựng những cơn hen suyễn do hít quá nhiều khói bụi, chất amiăng, và các chất độc từ nhiên liệu máy bay khi đang giải cứu những người khác, và tình hình sức khỏe của ông hiện nay rất kém do mới trải qua một đợt phẫu thuật.
Trung tá Marilyn Wills cũng đang mang trên mình nhiều vết sẹo và những vết thương ở bên trong cơ thể, hậu quả của việc cô đã bò trườn qua các khối bê tông đổ nát để tìm và cứu người. Cô đã cứu được nhiều nạn nhân cho đến khi kiệt sức ngất đi, và sau đó được đồng đội mang ra bên ngoài để chuyển ngay đến bệnh viện chữa trị những vết bỏng trong tình trạng đang nghẹt thở vì hít phải quá nhiều khói bụi.
Giờ đây, sau gần 20 năm bị tấn công vào cái ngày 11/9 đầy kinh hoàng ấy, Lầu Năm Góc đã được xây dựng lại để tiếp tục là Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Một khu vực Đài tưởng niệm được thiết lập ngay bên ngoài tòa nhà để tưởng nhớ các nạn nhân đã thiệt mạng ngay bên trong Lầu Năm Góc ngày nào.
|
Khuôn viên Đài tưởng niệm bên trong Lầu Năm Góc nơi tưởng nhớ những nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 - Ảnh: Patrick Kelley/Defense.gov |
Nguyễn Thuận