“Gác cửa bệnh viện” quyết tâm không để COVID-19 tấn công
Thời điểm dịch bệnh dần tăng cao, nếu như các đồng nghiệp được điều động ra tuyến đầu, thì sứ mệnh của bác sĩ CK2 Lâm Quốc Trung - Phụ trách Khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là cùng đội ngũ y bác sĩ hậu phương “gác cửa bệnh viện” quyết tâm không để COVID-19 tấn công vào bên trong. Bệnh nhân nội trú của bệnh viện hầu hết mắc bệnh nặng, phẫu thuật… chỉ cần lơ là, sự trả giá còn nặng nề hơn nơi tiền tuyến. Đặc biệt là những bệnh nhân ung thư.
Khó khăn nhất là giai đoạn TPHCM siết chặt giãn cách xã hội, có nghĩa bệnh nhân ung thư ở các tỉnh sẽ khó tiếp cận điều trị. Bác sĩ Trung cùng các đồng nghiệp lập tức tập hợp thông tin bệnh nhân, chia nhau gọi điện thoại cho từng người, hướng dẫn kỹ việc sử dụng thuốc, phòng dịch và cách liên hệ với bệnh viện khi cần thiết.
|
Mặc dù phòng dịch nghiêm ngặt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từng có thời gian ngắn ngưng tiếp nhận bệnh để phòng dịch |
COVID-19 cũng không ít lần “hù dọa” bác sĩ Trung. Có lần anh được thông báo mẫu gộp RT-PCR với 5 bệnh nhân ung thư đã “dương”. Lòng như lửa đốt, 5 bệnh nhân đều mắc ung thư nặng buộc phải quay trở lại bệnh viện thăm khám và làm các phẫu thuật, trị liệu chuyên sâu.
2 giờ sáng, phòng làm việc của bác sĩ Trung vẫn sáng đèn, anh hồi hộp không thể chợp mắt, cho đến khi nhận được cuộc gọi báo tin mẫu gộp “dương tính giả”, cả 5 bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ Trung đã nhảy lên vui sướng, vậy là bệnh nhân của anh có thêm hy vọng.
|
Không chỉ giai đoạn dịch, khi TPHCM bắt đầu mở cửa, bác sĩ Trung luôn nhắn tin nhắc bệnh nhân quay trở lại điều trị. Sẵn sàng gọi, tiếp nhận điện thoại để tư vấn cho người bệnh |
Quyết tâm không gián đoạn điều trị bệnh nhân, ngoài tư vấn, giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân yên tâm, bác sĩ Trung và đồng nghiệp còn liên hệ với các bệnh viện ở tỉnh để gửi hồ sơ bệnh án, hội chẩn trực tuyến,… bất kể ngày đêm. Bên cạnh đó, cứ mỗi bệnh nhân “vượt chốt” thành công, sau thăm khám, bác sĩ Trung sẽ hỏi thăm cặn kẽ hình thức, thủ tục mà ở các trạm chốt cần để hướng dẫn cho các bệnh nhân khác.
Bác sĩ Trung nhớ nhất về cuộc gọi của bệnh nhân nam (ở quận 4) đang phải dùng thuốc điều trị ung thư phổi di căn não, anh bị nhiễm COVID-19, thông báo rồi nhưng y tế quá tải chưa kịp hỗ trợ, đến giờ uống thuốc điều trị ung thư rồi, có nên uống thuốc không, phải làm sao?
Do đây là thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư, dịch bệnh quá mới, bác sĩ Trung phải ngồi suốt nhiều giờ vào máy tính tìm đọc các hướng dẫn y khoa của các tổ chức trên thế giới mới yên tâm để người bệnh uống kèm theo các tư vấn về tập thể dục, giải tỏa tâm lý, nâng đỡ bệnh nhân. Anh còn điện thoại cho đồng nghiệp đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19 để tham khảo hỗ trợ thêm…
|
Bác sĩ Trung cố gắng làm tốt việc phòng chống dịch tại bệnh viện để các đồng nghiệp tuyến đầu yên tâm chiến đấu với COVID-19 |
Một tháng sau, bệnh nhân hết bệnh, quay lại khoa tái khám ung thư, tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn trước bởi “COVID-19 anh còn đánh bại, huống chi ung thư”.
Hay khi hết ca trực, bác sĩ Trung đang nhận cơm thì thấy nam bệnh nhân ngồi co ro đói bụng. “Ở thời điểm đó, cả căn tin của bệnh viện cũng đóng cửa, hàng quán nghỉ hết, có tiền nhưng không phải ai cũng mua được đồ ăn, thức uống. Tôi đưa phần phở của mình cho người bệnh. Nhiều người bệnh khác cũng chạy đến, hỏi sao họ không có.
Tôi vào lấy giấy đi đường, chạy xe tìm nơi bán, may quá mua được vài ổ bánh mì đem vào bệnh viện. Ai cũng khen đó là bữa ăn tuyệt vời, mặc dù chỉ có bánh mì không và chà bông”, bác sĩ Trung xúc động.
Người hùng của tôi là vợ
Lệnh điều động phát đi vào thời khắc bất ngờ, khi bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP Thủ Đức được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc Trung tâm cách ly tập trung F0 Ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với quy mô 1.500 giường bệnh trong buổi sáng. Anh chỉ kịp gọi điện thoại về nhà, nhờ vợ xếp vài bộ đồ để ra tuyến đầu với câu trao đổi ngắn ngủi “Bao giờ anh đi?”, “Ngay bây giờ”, “Anh đi bao lâu?”, “Anh chưa biết”.
|
Đến bây giờ, rất nhiều chuyến xe đưa bác sĩ Hùng đi tiêm vắc xin cho người dân, nhưng chuyến xe mà vợ cầm lái, đưa anh vào khu cách ly là chuyến xe anh nhớ và biết ơn nhất |
Chiếc xe đợi anh ngoài cổng nhà, vợ ngồi yên lặng ở vị trí tài xế, chị sẽ đưa chồng vào khu cách ly. Không dám nhìn vào ánh mắt vợ, bác sĩ Hùng mở cửa sau xe. Suốt đường đi, tâm trạng anh ngổn ngang, chưa hình dung được mình sẽ làm những công việc gì.
Bước xuống xe, bác sĩ Hùng đi thẳng vào trong, cũng không nhớ quay sang động viên vợ. Chiều hôm ấy, lần lượt các chuyến xe đưa F0 đến, bác sĩ Hùng quay cuồng tiếp nhận người bệnh nhanh chóng, cố hết sức hạn chế tử vong, vừa đảm bảo an toàn cho cả đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế lẫn các tình nguyện viên.
Cho đến một ngày, khi tất cả các hoạt động dần vào “guồng”, có chút thời gian rảnh, anh giật mình đã hơn 4 tháng anh chưa gọi về nhà. Bất ngờ hơn, vừa thấy hình ảnh bác sĩ Hùng trên điện thoại, vợ anh bật khóc nói sao chỉ vài tháng mà trông anh... tàn quá.
“Tôi bối rối lắm, bởi vợ tôi trước giờ mạnh mẽ, chưa khóc bao giờ. Tôi nói em yên tâm, anh và nhân viên y tế ở đây dù khó khăn nhưng đến hiện tại vẫn khỏe mạnh, không ai bị lây bệnh cả”, bác sĩ Hùng nói.
|
Dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, ngoài thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ Hùng và đồng nghiệp cũng chia ê-kíp đến tận nhà khám cho bệnh nhân thuộc đối tượng nguy cơ |
Nghe giọng anh run run nghẹn ngào, vợ anh không trách chồng, bởi từ khi quen nhau, chị đã cảm nhận rõ rệt anh yêu ngành y đến dường nào. Chị nói hai con và cha mẹ vẫn ổn, chị thu xếp vừa qua ở với ông bà, vừa chạy về trông chừng nhà, tưới những hàng hoa mà anh yêu thích.
Phạm An