Giúp phụ nữ sống tốt hơn
Cô Trương Thị Hậu (Tư Hậu) - phường Phú Thạnh, quận Tân Phú - là 1 trong 6 cá nhân tiêu biểu nhận được bằng khen. Cô tươi cười nói: “Làm gì tôi cũng nghĩ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em trước”.
|
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng bằng khen, ghi nhận sự đóng góp của cô Trương Thị Hậu cho hoạt động tư vấn cộng đồng - ẢNH: DIỄM TRANG |
Về câu chuyện xảy ra hơn 3 năm trước, cô nhớ như in ngày mẹ chị L.K.M. tìm đến nhà nhờ cô khuyên con gái ly hôn anh chồng nghiện ngập, trong lúc M. đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô Tư Hậu hứa giúp nhưng vẫn phải để M. quyết định cuộc đời của mình. Nhiều lần tâm sự, biết M. còn thương chồng nên cô nói với M., bằng mọi cách phải khuyên chồng đi cai nghiện. Có người thấu hiểu và ủng hộ, chị M. phấn chấn và động viên được chồng tự nguyện đi cai.
Hơn 1 năm sau, anh chồng trở về, vợ chồng M. tái hợp nhưng cuộc sống vẫn còn bấp bênh khi cả hai còn quá trẻ, không có việc làm ổn định. Cô Tư Hậu lại mạnh dạn giới thiệu M. vay vốn để bán bún riêu. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải tìm cách giúp M. thoát khỏi vòng luẩn quẩn nên mạnh dạn giới thiệu, bảo lãnh cho cháu vay vốn, giúp vợ chồng M. có công việc để làm. Còn chuyện gì sau đó tính sau” - cô Tư Hậu nói.
Nhờ có sự đồng hành của cô Tư Hậu mà công việc buôn bán của vợ chồng chị M. ổn định được gần 1 năm, trước khi dịch bệnh đến. Sau dịch, đến lượt cha mẹ 2 bên phải ra tay giúp đỡ và đôi vợ chồng trẻ cũng nhanh chóng trở lại việc buôn bán. Đến nay, chị M. đã tái vay lần hai với mức vốn 80 triệu đồng. Ngoài quầy bún riêu, chị đầu tư bán thêm cà phê. Gặp lại M., thấy chị lúc nào cũng tươi tắn, cô Tư Hậu biết mình đã làm đúng cách.
Hoàn cảnh khác là vợ chồng chị H. - anh T. sống với nhau đã 15 năm, có 2 mặt con. Cuộc sống gia đình họ khá giả. Nhưng một ngày nọ, cô Tư Hậu nhìn thấy chị H. ăn mặc luộm thuộm, đi lượm ve chai. Rất khó cô mới tiếp cận được chị H. và hỏi chuyện. Nhưng chị H. thì lơ ngơ, nói chuyện không đầu, không cuối. Đến nhà, khi cánh cửa vừa mở thì mùi hôi đã xộc vào mũi. Anh T. kể, vì ghen tuông, chị H. đi lượm rác về chất đầy nhà. Chồng con nói sao cũng không chịu nghe.
Gặp lại chị H., cô Tư Hậu khuyên cỡ nào H. cũng không chịu cho dọn mớ rác hỗn độn trong nhà. Có lúc chị còn giận dỗi, cởi bỏ áo quần khiến ai cũng ngượng ngùng. Kiên trì khuyên bảo, cuối cùng chị H. đồng ý bán đống rác với giá 2 triệu đồng. Anh T. đưa tiền cho vợ rồi gọi xe thu gom rác đến.
Cùng với việc khuyên bảo chị H., cô Tư Hậu cũng động viên anh T. cố gắng nhẫn nhịn, chiều chuộng vợ để vợ nguôi ngoai và nhắc con gái quan tâm, trò chuyện với mẹ nhiều hơn. Ngày ngày, cô cũng tranh thủ ghé nhà trò chuyện. Vài tháng sau thì vợ chồng chị H. quyết định ly hôn, bán nhà và chuyển đi nơi khác.
Dù là câu chuyện buồn nhưng đến cuối cùng cô Tư Hậu cũng thấy phần nào an ủi vì đã giúp chị H. bình tâm. Cô nói: “Mình không giỏi, nhưng chắc nhờ đúc kết từ những va vấp và đổ vỡ trong chính cuộc hôn nhân của mình nên có được sự nhạy cảm, chịu khó lắng nghe, bắt được cảm xúc và đồng cảm với hoàn cảnh của nhiều chị em”.
4 đứa trẻ đều sẽ được đến trường
Hoàn thành xong hồ sơ nhập học cho 2 đứa trẻ vào năm học mới, chị Đặng Thị Kim Trang - thành viên Tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) phường Bình Thuận, quận 7 - thở phào nhẹ nhõm. Gần 4 năm qua, chị từng nghĩ 4 đứa trẻ không cha sẽ thất học, rơi vào vòng xoáy lỗi lầm khi sống trong môi trường đầy bức bách.
Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Bé M. đã là học sinh lớp Mười hai, bé A. đã lên lớp Ba và 2 em nhỏ chuẩn bị trở lại các lớp học tình thương để trước mắt phải biết đọc, biết viết.
|
Cô Trương Thị Hậu lắng nghe câu chuyện của 1 người phụ nữ ngay tại nhà mình - cũng là địa điểm đặt địa chỉ tin cậy cộng đồng - ẢNH: DIỄM TRANG |
Cuối năm 2019, khi chồng có bồ, chị N.T.K.V. dắt cả bốn đứa con, nhỏ nhất mới 3 tuổi, về tá túc nhà mẹ đẻ trên địa bàn phường Bình Thuận. Nhà chỉ là căn phòng ngột ngạt 10m2. Mẹ chị V. lại nằm một chỗ vì tai biến. Biết hoàn cảnh, chị Trang đã chủ động tới lui thăm hỏi, làm quen.
Một đêm đúng vào ngày đưa ông Táo, chị Trang nhận điện thoại của cảnh sát khu vực báo tin V. bị công an tạm giữ về hành vi mua bán dâm và đang được bàn giao về nơi cư trú để xử lý. “Nghe tin, tôi đã gọi cho V. để hỏi có thể giúp gì cho cô không. Gợi chuyện mẹ già và các con, đặc biệt là bé M. khi đó đang học lớp Chín, cái tuổi của nó đang rất nhạy cảm. Nhưng V. chỉ im lặng. Một lúc sau, V. bật khóc mà không nói được lời nào” - chị Trang nhớ.
Quá sốt ruột, 23 giờ, chị Trang chạy đến nhà V. Mấy đứa nhỏ chưa ngủ vì còn đợi mẹ, mẹ chị V. được thuê dọn kho chứa hàng bán tết vẫn chưa về. Chị Trang đành nói dối để trấn an mấy đứa trẻ rằng: “Điện thoại mẹ V. hết pin nên nhờ cô qua nói, các con ngủ sớm, đừng chờ mẹ”. Nói xong, chị Trang chạy đến công an phường bảo lãnh để V. được về nhà. Lúc đó đã gần 2 giờ sáng ngày 24 tết.
Chiều hôm đó, khi chị Trang quay lại thì V. mới bộc bạch rằng, vì quá túng thiếu nên cô làm liều. Chị đưa V. 3 triệu đồng để trang trải trong dịp tết, kết nối khu phố tặng thêm nhu yếu phẩm trước thềm năm mới.
Ra tết, chị Trang nêu trường hợp của V. và đề nghị địa phương giúp đỡ. V. được hỗ trợ 5 thẻ bảo hiểm y tế và là hộ khó khăn được hỗ trợ thường xuyên. Từ đó đến nay, V. lấy việc thu mua đồ cũ và nhặt ve chai để kiếm sống. Hội Phụ nữ phường cũng tặng V. xe bán bánh mì đặt trước nhà để chị bán thêm vào buổi sáng.
Sau những nỗ lực, kiên trì, năm học mới này, 4 đứa trẻ đều sẽ được đến trường.
Thiên Ân - Thu Lê
Hơn 1.000 nam giới là thành viên tổ tư vấn cộng đồng Toàn TPHCM hiện có 2.025 tổ TVCĐ với 9.136 thành viên, trong đó có hơn 1.000 nam giới, 8.000 phụ nữ. Họ là người có uy tín tại cộng đồng, cán bộ chi hội phụ nữ, thành viên tổ dư luận xã hội, tổ hòa giải cơ sở, công an, giáo viên, bác sĩ, luật sư, luật gia, cán bộ hưu trí… có trách nhiệm và tận tụy với cộng đồng. Tính từ tháng 6/2012 đến nay, các tổ TVCĐ đã tư vấn cho 148.192 trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Song An |
Mời gọi luật sư, luật gia tham gia tổ tư vấn cộng đồng Ngày 10/8, Hội LHPN TPHCM triển khai kế hoạch nâng chất hoạt động tổ TVCĐ, hướng đến sẽ có 100% thành viên tổ được tập huấn theo phương pháp mới “vãng gia - tư vấn - tham vấn - kết nối - vãng gia”; mỗi tổ sẽ có ít nhất 1 thành viên chính thức hoặc thành viên kết nối là cán bộ đang làm công tác tư vấn pháp luật, hoặc người có trình độ chuyên ngành luật, luật sư, luật gia. Theo bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - để làm được điều này, Hội Phụ nữ, tổ TVCĐ cần mời gọi luật sư, luật gia, hòa giải viên và tuyên truyền viên pháp luật cơ sở… tham gia. Khuyến khích các hoạt động mang tính xã hội hóa, chủ động vận động nhiều nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ cho hoạt động của tổ TVCĐ. Đó có thể là hoạt động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Hội Luật gia, Phòng Tư pháp tổ chức các sân chơi, hội thi giúp các thành viên học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn - vãng gia; vận động và phát huy vai trò của nữ thanh đặc biệt là các bạn đang học năm cuối đại học chuyên ngành luật, công tác xã hội. Ngoài ra, các tổ TVCĐ phải chọn được địa điểm, phương thức tư vấn phù hợp, linh hoạt, chú ý nơi có đông dân cư, người lao động nhập cư. Lồng ghép giới thiệu mô hình trong sinh hoạt định kỳ chi tổ hội, họp nhân dân, hội thi, sân khấu hóa cũng như đăng tải trên các trang Facebook của Hội LHPN phường, xã, thị trấn. Diễm Trang |