Bà tổ trưởng lăn lộn tìm trùm ma túy
Trước hiên nhà, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Tổ trưởng tổ dân phố 14, phường 8, quận 4 - và bạn Nguyễn Thị Cẩm Quyên đang chú tâm vào một quyển sổ. Cả hai đang cùng nhau xây dựng một thời gian biểu hợp lý để Quyên cân bằng giữa việc học tập và phụ giúp gia đình.
Quyên mồ côi mẹ từ năm 2 tuổi, hiện đang học lớp Mười hai tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4. Đó là kết quả sau rất nhiều nỗ lực của bà tổ trưởng tổ dân phố và gia đình. Trong khi ba Quyên vừa bán gạo lẻ, vừa chạy xe ôm để lo cho 2 đứa con thì bà Hạnh đã tìm cách giới thiệu Quyên đến với Chương trình vùng quận 4 (chương trình kỹ thuật góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện an sinh bền vững cho trẻ em do tổ chức Tầm nhìn Thế giới thực hiện).
|
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (bìa phải) trao đổi giúp em Nguyễn Thị Cẩm Quyên cân bằng việc học và việc phụ giúp gia đình |
Để sự hỗ trợ mang lại những đổi thay tích cực, bà Hạnh nhận đồng hành cùng chương trình như người đỡ đầu của Quyên. Theo quy định, mỗi tháng, người đỡ đầu sẽ ghé thăm Quyên 1 lần với những mục đích cụ thể. Tuy nhiên, mỗi ngày đi ngang, bà tiện thì vô thăm, trò chuyện với Quyên, hỏi thăm ba Quyên để nắm bắt những vấn đề phát sinh, kịp thời hỗ trợ. Đã được “về hưu” từ đầu tháng Tư này, nhưng bà Hạnh vẫn tiếp tục nhiều công việc còn dang dở cho đến khi hoàn thành.
Bà Hạnh làm Tổ trưởng tổ 14 từ năm 1987, đến nay đã 37 năm. Trước đó, bà có nhiều năm làm Tổ phó, rồi Tổ trưởng tổ 21. Thời điểm đó, bà làm Trưởng phòng Ngân quỹ của Ngân hàng Công thương, nên gần như mọi hoạt động với dân đều làm vào buổi tối. Bà kể: “Lúc tôi mới tham gia tổ dân phố, đất nước giải phóng chưa được bao lâu, người dân còn lạ lẫm với chính quyền mới nhưng đều một lòng muốn xây dựng cuộc sống mới. Trời mưa tầm tã, dân cũng đội áo mưa đến họp. Không có hội trường nên phải họp ở những khoảng sân trống, vậy mà dân đến rất đông”.
Sau giải phóng, quận 4 nổi tiếng là địa bàn của giang hồ và tệ nạn ma túy. Năm 1990, ngồi đợi người quen ở khu Tôn Đản, bà tình cờ thấy một thanh niên cũng đang ngồi đợi ai đó. Rồi một người đàn ông vẻ bặm trợn đến, họ trao đổi với nhau và thanh niên đưa tiền. Người đàn ông hất mặt về phía cửa sổ 1 ngôi nhà. Thanh niên bước đến, kín đáo lấy 1 tép màu trắng rồi rời đi. Bà chợt hiểu, người ta đâu để ma túy trong người mà nhét dưới cục gạch, trong kẹt cửa…
“Lặng lẽ đeo bám một thời gian, tôi khẳng định được ai là “đầu sỏ” trong đường dây phạm tội. Trong cuộc thanh tra nhân dân ngay sau đó, tôi “uốn lưỡi 7 lần” và quyết định chỉ điểm tội phạm. Làm điều đó nghĩa là tôi đang tự rước lấy nguy hiểm về mình” - bà kể lại.
Như bà tổ trưởng dự đoán, sau đó, những người đàn ông bặm trợn đã đến nhà bà hăm dọa. Bà cũng từng giận chính quyền đã không có động thái rõ ràng. Mãi đến ngày công an triệt phá đường dây buôn bán ma túy, bà mới biết, chính quyền, công an đã âm thầm thâm nhập vào bên trong. Cũng từ đây bà mới biết, những ngày bà đi làm luôn có 1 cảnh sát giả dạng thường dân theo phía sau bảo vệ mà bà cứ tưởng kẻ xấu đang theo dõi mình.
“Khi đó tôi hiểu rằng, bên cạnh mình luôn có chính quyền, có công an và cả nhân dân quan tâm, che chở. Đó cũng là niềm an ủi để tôi tiếp tục gắn bó với công việc có phần cực nhọc suốt mấy mươi năm” - bà Hạnh bộc bạch.
Sau sự kiện nói trên, trật tự an ninh trên địa bàn phường có nhiều chuyển biến. Địa phương tin tưởng, giao cho bà thêm nhiều nhiệm vụ như cộng tác viên dân số, cộng tác viên Chương trình vùng để chăm lo, bảo trợ cho nhóm trẻ yếu thế, rồi tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo bền vững…
Dù việc nhiều, nhưng bà nghĩ đơn giản, ở tuổi 75 như bà, còn sức để cống hiến là điều may mắn và đây cũng là cách bà trả ơn thành phố đã cho bà sống một cuộc đời bình yên.
Hạnh phúc nhất là không bị dân phàn nàn
“Khu phố hiện nay vẫn còn 9 hộ nghèo cần được quan tâm” - bà Nguyễn Bé Chi - Trưởng ban Điều hành khu phố 5, phường 4, quận 8 - thông tin và kể rành mạch về từng hoàn cảnh. Có được sự sát sao đó là bởi bà đã có gần 50 năm gắn bó với phong trào khu phố khi tham gia mô hình tự quản của cộng đồng dân cư từ năm 1976 và trải qua 4-5 lần tách nhập địa bàn hành chính. Từ năm 2017, bà là thành viên Ban Điều hành khu phố 5.
Nghe tin bà Chi không còn làm khu phố nữa, 1 người phụ nữ gốc Khơ Me giãy nảy lên đòi bà ở lại. Bà Chi cười hồn hậu, tình thương mến của lối xóm giữ chân bà bao năm qua dù công việc rất cực. 18 tuổi, bà đã làm việc cho 1 ngân hàng tư nhân. Công việc bắt đầu từ 9g đến 21g, nhưng địa phương cần người, nhiều lần xuống thuyết phục, nên bà nhận lời tham gia, làm việc vào buổi tối và cuối tuần.
Dẫn tôi ra trước nhà và chỉ về phía những dãy nhà tiền chế nằm kề nhau cách đó không xa, bà Chi kể: “Trong 2 năm 1975 và 1976, hàng ngàn người Campuchia ở biên giới Tây Nam chạy sang Việt Nam để tránh nạn diệt chủng. Họ về tập trung ở khu phố 5 và chiếm khoảng 90% số hộ trong tổ. Hồi đó, 1 tổ rất đông, đến 4 dãy nhà chứ không phải 2 dãy như bây giờ. Họ không nói được nhưng nghe được tiếng Việt, trong khi tôi không nghe được tiếng của họ. Vậy mà nhiệm vụ của tôi trong những buổi sinh hoạt tổ là tuyên truyền những chủ trương của Nhà nước và vận động người dân đi kinh tế mới. Nói như vậy để biết đó là nhiệm vụ khó khăn”.
|
Bà Nguyễn Bé Chi (đứng, bên trái) vận động nuôi heo đất gây quỹ khuyến học cho khu phố |
Năm đó, bà Chi 28 tuổi, đã có chồng con. Vậy mà bà vẫn cố gắng thu xếp để có thời gian qua lại với dân, hiểu tiếng của họ để có gì cần thì phổ biến, giúp đỡ. Bà Nguyễn Đoàn Phi Phương - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 8, nguyên Chủ tịch UBND phường 4, quận 8 - cho biết: “Cô Chi là cán bộ nắm chắc địa bàn, sâu sát từng hộ dân ở khu phố, nhất là các hoàn cảnh khó khăn. Có việc cần liên hệ, chỉ cần đọc địa chỉ là cô có thể thông tin ngay hoàn cảnh gia đình. Dù lớn tuổi nhưng trong thời điểm dịch COVID-19, bất cứ công việc gì cũng được cô triển khai kịp thời đến người dân”.
Đầu tháng Tư này, nhiều khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên. Bước qua tuổi 75, sức khỏe có phần hạn chế nên bà Chi không còn tham gia công việc của khu phố. Chia sẻ cảm nhận của mình khi được nghỉ ngơi, bà nói sự thay đổi là cần thiết bởi đó là cơ hội để những người trẻ hơn, nhanh nhạy hơn cùng nhau gánh vác công việc.
“Gần 50 năm qua, điều tôi hạnh phúc nhất là chưa nghe dân phàn nàn gì về mình. Làm ở khu phố rồi kiêm cả công tác khuyến học, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận… nên có ngày tôi đi họp mấy hiệp, có tuần không có ngày nào ở không, đến mức mấy anh trên phường cứ thấy tôi là nói “tối ngày thấy cô đi họp”. Đợt này được nghỉ rồi, tôi sẽ đi thăm chỗ này chỗ kia, nhưng bất cứ khi nào chính quyền, người dân cần, tôi cũng sẵn sàng” - bà Chi trải lòng.
Tặng quà tri ân 64.309 cá nhân tham gia hoạt động cơ sở Từ ngày 1/4, nhiều khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM đã công bố Nghị quyết 11 của HĐND về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp. Dịp này, UBND phường, xã, thị trấn đã khen thưởng các cá nhân có thời gian tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân dưới 10 năm; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khen thưởng người tham gia từ 10-30 năm, còn UBND thành phố khen thưởng người hoạt động từ 30 năm trở lên. Thành phố sẽ tặng quà tri ân kèm thư tri ân của chủ tịch UBND thành phố đến 64.309 cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. |
Nguyệt Minh