PNO - Vì “tình yêu thương” mà rất nhiều phụ nữ đã và đang lặng lẽ hành động theo cách riêng với mong muốn góp phần “sưởi ấm” đồng bào mình giữa muôn trùng khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Sáng 2/11, sư cô Thích nữ Huệ Đạo (tên khai sinh Vũ Thị Thương) - trụ trì Ni viện Phước Long, Q.9, TP.HCM - cùng các nhà hảo tâm đã lên đường ra hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để sẻ chia khó khăn với bà con đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. Hành trang của đoàn là 10 tấn gạo, 1.000 thùng mì, quần áo, mền, bánh, sữa, dầu gội, đèn pin… Bão số 10 vẫn còn lơ lửng, không biết đổ bộ vào lúc nào, nhưng sư cô vẫn quyết tâm đi khi nhìn thấy bà con miền Trung đang “màn trời chiếu đất”.
“Tôi biết, chuyến đi này nguy hiểm hơn những gì tôi từng trải qua, nhưng tôi muốn đến tận nơi để lắng nghe và chia sẻ với bà con. Nhà cửa của bà con bị cuốn trôi, hư hại hết rồi. Cây cối bật gốc nằm la liệt chưa dọn hết. Ra tới nơi, thấy bà con vật lộn để đứng dậy sau bão mới hiểu hành trình mình vừa trải qua chẳng đáng kể. Phải làm và làm nhiều hơn nữa để chia sẻ với bà con. Trong tháng 11 này, tôi sẽ lại ra Quảng Nam, Quảng Trị” - sư cô Thích nữ Huệ Đạo bộc bạch.
0220 là một năm bận rộn với rất nhiều trăn trở của sư cô Huệ Đạo. Khi dịch COVID-19 bùng phát, sư cô chạy đôn chạy đáo lo gạo, nhu yếu phẩm, khẩu trang tặng người khó khăn và anh chị em công nhân thuê trọ trên địa bàn. Là người có uy tín, sư cô đã vận động 20 nữ phật tử trở thành cộng tác viên, tuyên truyền viên kêu gọi chị em tích cực tham gia các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ địa phương. Bằng sự cảm thông, tinh tế trong ứng xử, sư cô chủ động đề xuất Chi hội Phụ nữ ni viện lồng ghép giữa sinh hoạt Hội với hoạt động xã hội từ thiện để khuyến khích chị em tham gia.
Sư cô Thích nữ Huệ Đạo trao quà cho người dân miền Trung đang gánh chịu hậu quả của bão lũ
Nhiều năm qua, từ kinh phí vận động được của các nhà hảo tâm, vào các ngày mồng Một và 15 âm lịch hằng tháng, sư cô lại cùng các nữ tu nấu cơm phục vụ người nghèo, chị em thu mua ve chai, bán vé số, người bị bệnh nan y. Sư cô cũng mời bác sĩ từ các bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch, Q.2, Q.Thủ Đức đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo vào mỗi tháng.
Năm 2007, ngày hội “Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện” được Hội LHPN TP.HCM triển khai lần đầu tiên và duy trì hai năm một lần, sư cô là một trong những gương mặt bền bỉ đồng hành cho đến nay và còn vận động, thu hút nhiều nữ phật tử nhiệt tình tham gia. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một phật tử ở Q.Phú Nhuận bộc bạch: “Sư cô nói sao thì làm đúng như vậy, tôi rất quý. Lúc đầu, tôi chỉ góp chút vật chất ủng hộ chương trình, về sau dù bận cỡ nào cũng cố gắng đi cùng sư cô đến tận nơi. Việc tiếp xúc với những cảnh đời không may qua mỗi chuyến đi khiến tôi yêu quý và trân trọng hơn những gì mình đang có”.
Sư cô Huệ Đạo sinh ra tại Hưng Yên. Năm 1990, vừa tròn 18 tuổi, bà vào TP.HCM tu học tại Ni viện Phước Long. Bà hoàn thành chương trình cao đẳng Phật học và cử nhân sư phạm mầm non. Đây cũng là duyên cớ khiến bà gắn bó sâu sắc với những trẻ em bất hạnh. Nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng ni viện, bà ôm vào chăm sóc, nuôi nấng lớn khôn. Rồi trong quá trình dạy “những đứa con đặc biệt” của mình học chữ, bà nhận ra, ngoài kia vẫn còn nhiều trẻ bán vé số, bán báo, đánh giày không biết đọc, biết viết. Vậy là, lớp học tình thương của ni viện ra đời.
Về sau, số lượng trẻ theo học quá đông, bà giao lớp lại cho chính quyền địa phương để chuyên tâm chăm sóc các bé ở lứa tuổi mầm non. 30 năm ở ni viện, gieo mầm thiện là nguyện ước của bà. Bà chăm những đứa trẻ mồ côi để rồi khi lớn lên các em đều được học hành tới nơi tới chốn. Yêu trẻ và tâm huyết với sự học, ngoài các lớp học tình thương, nhiều năm liền bà còn chuẩn bị học bổng, tổ chức vui tết Trung thu, tết Thiếu nhi 1/6 cho các em nhỏ, triển khai chương trình nghĩa tình mùa thi nhằm hỗ trợ nơi ăn ở cho các sĩ tử.
“Bà con đang màn trời, chiếu đất, thương quá con ơi!”
Chúng tôi đến thăm dì Phan Thị Ngọc (thường gọi dì Tư Ngọc) vào sáng đầu tháng 11. Trong tiết trời se lạnh bởi cơn mưa đầu ngày, bên bàn máy may, bà lão tuổi 80 bận áo cộc tay đang đạp máy hối hả. Dì bảo chúng tôi ngồi chờ dì may nốt mấy đường chỉ cuối cho xong chiếc mền để kịp gửi ra miền Trung. “Mình ở đây nhà yên, cửa ấm… Còn ngoài kia chị em, con cháu đang màn trời, chiếu đất. Thương quá con ơi!” - dì Tư Ngọc nói.
Cũng vì “thương quá” mà hơn mười năm qua, hằng ngày dì vẫn miệt mài bên chiếc máy may cũ kỹ. Người dân trong hẻm 192 Phan Văn Hân, đã quá quen với tiếng máy may lạch xạch phát ra từ căn nhà nhỏ của dì. Nghe tiếng lạch xạch, mọi người biết dì đang may mền hoặc may áo quần đi tặng. Vắng tiếng máy chạy, mọi người biết dì phải vào bệnh viện.
Hơn mười năm trước, thấy các con dì quyên góp đồ đạc đem cho người nghèo, trong mớ đồ cũ ấy có những khúc vải còn mới, dì Tư Ngọc nảy ra ý tưởng biến chúng thành quần áo trẻ con. Thế là dì lôi chiếc máy may cũ nơi góc nhà ra để thực hiện ý tưởng. Vải hoa, dì may áo cho bé gái, có viền ren, cổ lá sen, tay phồng… Với con trai, dì may những chiếc quần thun, áo cộc tay. Những khúc vải trắng, dì ráp thành áo sơ mi học trò. Đầu thừa đuôi thẹo, dì kết thành những chiếc mền ấm áp…
Hằng ngày dì Tư Ngọc vẫn miệt mài ráp vải vụn thành những chiếc mền cho người dân miền Trung - Ảnh: Mai Tuấn
Trong mười năm dì Tư Ngọc đã may gần 7.000 chiếc mền và hàng ngàn bộ quần áo để gửi cho người nghèo. Đều đặn hằng tháng, dì lại dành dụm tiền lương hưu để giúp những đứa trẻ bệnh tật hoặc những gia đình hoạn nạn. Nghe người thân quen sắp đi thiện nguyện, dì Tư lại hăm hở gửi chục bộ đồ con nít, ít cái mền…
Bên chiếc máy may, bà cụ 80 tuổi không cần đeo kính nhưng vẫn đạp máy đều đều… Dì Tư Ngọc bảo, đạp máy không khó nhưng phải chuyên tâm, phải làm bằng tấm lòng, phải dằn cho thật chắc từng đường kim mũi chỉ chứ không thể cẩu thả. Quả thật, qua bàn tay của dì Tư, những mảnh vải vụn tưởng chẳng có ích đã được kết nối yêu thương theo hình lập phương thành những chiếc mền hai lớp rất đẹp với nhiều sắc màu và những đường may tinh tế.
Rồi dì Tư chỉ chúng tôi xem đống vải vụn đủ kích cỡ được phân ra theo màu sắc ở một góc nhà và khoe rằng “ngày càng có nhiều người trong xóm đem sang cho”. Nhìn những đống vải vụn và nghĩ đến việc phải ngồi kết nối từng mảnh thành những tấm chăn hai lớp, tôi không khỏi lo âu cho sức già của dì. Dì Tư nói: “Ngồi nhiều, lưng cũng đau, nhưng cứ nghĩ nhiều người không có áo quần lành lặn, không có tấm chăn đắp, dì lại quên hết mỏi mệt”. Chỉ trong đợt bão lũ tháng Mười vừa qua, số mền dì Tư may ráp đã hơn 100 chiếc. Từng chiếc mền sau khi may xong được xếp cẩn thận vào bao ni-lông. May đủ 10 hoặc 20 cái dì mang ra góp cho các đoàn cứu trợ.
“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Câu nói của bà cụ tuổi 80 chia sẻ khiến cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.