Tuy nhiên, đâu đó ở TP.HCM vẫn còn những người gắn bó cả đời mình với nghề chế tác đồ chơi Trung thu truyền thống...
|
Tìm lại những ký ức đẹp tuổi thơ qua món đồ chơi dân gian - ảnh: Phùng Huy. |
Sống chết giữ nghề
Lồng đèn thắp nến và đầu lân vốn là hai món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em trong ngày tết Trung thu, nhưng theo thời gian, những món đồ chơi điện tử kiểu dáng đẹp mắt, giá rẻ, đã thu hút cả phụ huynh lẫn trẻ em, đẩy dần đồ chơi dân gian vào cảnh hẩm hiu.
Đã cận kề Trung thu nhưng ngay tại làng lồng đèn Phú Bình (P.5, Q.11 và P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM) - nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ” của lồng đèn với trên 200 hộ làm nghề, giờ chỉ còn thưa thớt vài người bám nghề.
Chị Lê Thị Thắm (17D Lạc Long Quân, P.5, Q.11) có ba đời gắn bó với lồng đèn bóng kiếng, trải lòng: “Chục năm trước, tới mùa Trung thu là xóm này tràn ngập lồng đèn đủ màu sắc rực rỡ. Nhà nào cũng treo lớp trên lớp dưới, không đủ chỗ thì treo tràn ra ngoài sân. Già trẻ, lớn bé làm việc thâu đêm, mệt quá thì lăn ra ngủ tại chỗ. Thương lái đến tận nhà, chầu chực đêm hôm để gom lồng đèn. Vậy mà nay đã cuối mùa đèn vẫn chưa bán hết dù làm rất ít. Trung thu qua rồi chỉ có nước… vứt sọt rác”.
Dù khẳng định đã “bỏ nghề lâu rồi” nhưng anh Nguyễn Văn Sĩ (khu giáo xứ Phú Bình) vẫn mơ màng khi nhắc lại thời “hoàng kim” của nghề làm lồng đèn truyền thống: “Hồi đó đến mùa là nhà nào cũng làm cả chục ngàn chiếc lồng đèn mà không đủ bán. Chỉ mới tháng Hai âm lịch là mọi người đã lo mua tre nứa, bẻ khung, tạo mẫu, buộc kẽm… Không chỉ những nhà làm lồng đèn truyền thống tất bật mà những hộ lân cận cũng sống được nhờ dán lồng đèn thuê. 10 anh chị em nhà tôi được cha mẹ nuôi ăn học đàng hoàng cũng nhờ nghề này”.
Nhưng, tất cả chỉ còn trong ký ức. Những chiếc lồng đèn chạy pin có đèn có nhạc đã “đánh bạt” lồng đèn giấy thắp nến, “đánh bạt” luôn cả người làm nghề, buộc họ phải tìm kế khác mưu sinh.
Anh Sĩ kể chuyện mà hai bàn tay vô thức cử động như đang tạo hình lồng đèn. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh bẽn lẽn cười, gãi đầu: “Nghề ăn vào máu rồi, khó bỏ lắm. Năm nay anh em tôi quyết định quay lại nghề, làm đủ loại lồng đèn nhưng không phải để bán mà dành làm từ thiện. Chúng tôi còn đến các trung tâm, trại trẻ mồ côi hướng dẫn các em làm lồng đèn Trung thu, nhận truyền nghề miễn phí cho tất cả những ai muốn học. Tôi nghĩ, dù không sống bằng nghề nhưng vẫn phải giữ cho nghề không bị mai một”.
Tương tự số phận những người làm lồng đèn truyền thống, nhiều nghệ nhân làm đầu lân ở Q.5 vẫn đang cố gắng từng ngày để giữ nghề.
Ông Lâm Văn Ky (67 tuổi), chủ cơ sở trống lân Thuận Lợi (128 Lương Nhữ Học, P.11, Q.5) - một trong những người có thâm niên làm nghề lâu nhất của phố đầu lân Lương Nhữ Học, vẫn chất đầy nhà đủ loại đầu lân lớn bé lấp lánh kim sa. Căn hộ vừa là nơi cư ngụ của gia đình, vừa là nơi làm hàng và mua bán đầu lân.
Ông bùi ngùi tâm sự: “Đây là nghề cha ông truyền lại. Ngày trước cả con phố này nhà nào cũng làm lân, bán lân. Thanh niên lớn lên là nối nghề, cuộc sống gắn với đầu lân - sư. Dân tứ xứ đến đặt hàng làm không kịp bán. Còn có cả tục người lớn tặng đầu lân cho trẻ con để mong chúng khỏe mạnh, thông minh… Giờ hàng làm ra bán rất chậm, thu nhập bấp bênh, số người còn giữ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng, những người đã quyết giữ nghề thì đeo bám đến cùng. Với họ, đây không chỉ là chuyện kiếm sống mà còn là niềm đam mê, là đem lại niềm vui cho trẻ em…”.
Ông Ky đã gắn bó với nghề hơn 50 năm, bao thăng trầm với con lân ông đều nếm trải nhưng chưa bao giờ mất lòng tin vào nghề. Theo ông, nghề này khó nhất là công đoạn làm sườn và dán giấy. Làm khung sườn đầu lân phải chuẩn xác từng chi tiết sản phẩm mới đẹp.
Một chi tiết quan trọng của đầu lân là điểm nhãn - trang trí mắt lân. Đây là linh hồn của mỗi chiếc đầu lân, làm nên sự khác biệt để không con nào giống con nào. Lân “chuyên nghiệp” phải toát lên được thần thái oai vệ dũng mãnh, còn lân cho trẻ em thì từ màu sắc và mắt lân phải vui tươi, hồn nhiên.
Chị Trần Thị Ngọc Ánh (Lò Gốm, Q.6) cũng đã có hơn 30 năm ăn ngủ cùng lân. Chị được cha truyền nghề từ năm 16 tuổi với lời dặn: “Ráng giữ nghề nghen con”.
Mỗi lần nhìn trẻ em trong xóm reo vui khi được tặng một chiếc đầu lân là chị thấy nghề của mình vẫn còn ý nghĩa. Do vậy, dù công việc xuống dốc chị vẫn không nản lòng. Để sản phẩm thu hút người mua, chị luôn tìm tòi, học hỏi và lắng nghe những góp ý từ khách hàng để từng bước cải tiến mẫu mã, kiểu dáng cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Hiện các mặt hàng đầu lân không chỉ phân phối tại các cửa hàng trong khu vực mà còn rất được ưa chuộng tại các tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp… Đầu lân trẻ em cũng có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng/cái, tùy loại.
|
Thế hệ trẻ vẫn tiếp nối nghề gia truyền. Em Nguyễn Hữu Phúc, 18 tuổi, đã có gần chục năm vẽ màu lồng đèn. |
Tìm hướng đi riêng
Với các “nghệ nhân” làm nghề truyền thống này, mỗi sản phẩm không đơn giản chỉ là hàng hóa, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng, muốn giữ nghề, thì phải sống được bằng nghề, phải chinh phục được thị trường.
Chị Thắm (Q.11) đã tìm được cách cải tiến để chiếc lồng đèn giấy kiếng bớt cồng kềnh khi vận chuyển bằng việc tạo nếp gấp cho khung đèn, để đèn thành phẩm có thể xếp sát vào nhau, vừa gọn gàng vừa đỡ hư hỏng.
“Nghề truyền thống dễ dàng bị “khai tử” là do không có điểm nhấn, là cái gì mình có hàng ngoại cũng có” - suy nghĩ đó đã thúc đẩy ông Đặng Uyển (Trịnh Đình Trọng, Q.Tân Phú) chuyển sang làm lồng đèn cỡ lớn dùng trưng bày ở những cửa hàng, khách sạn… Mỗi chiếc lồng đèn như ngôi sao, con voi, cá, thuyền, rồng, thiên nga có giá đến cả triệu đồng. “Tôi không làm lồng đèn cỡ nhỏ như các hộ khác vì thị trường đã quá hẹp. Phải tìm hướng đi khác sản phẩm mới phong phú và thu hút được nhiều khách hàng hơn” - ông Uyển nói.
Nghệ nhân Lâm Văn Ky thì làm cho chiếc đầu lân nhẹ hơn, đẹp hơn và bền hơn. Những chiếc đầu nặng 8-9kg một thời giờ chỉ còn 1-5kg. Bí quyết nằm ở chỗ biết tìm tòi thay đổi chất liệu.
Cụ thể là ông đã thay giấy bồi bằng vải lót. Một đầu lân được lót ba lớp vải khác nhau, trong cùng là vải lanh thô, bên ngoài là vải xa tanh bóng. Bộ khung của đầu lân được làm bằng song kết hợp với tre, vừa bền vừa nhẹ, người múa lân đỡ bị mỏi…
|
Nghệ nhân Lâm Văn Ky với hơn 50 năm gắn với nghề làm đầu lân. |
Chị Ngọc Ánh càng năng động hơn, lập cả trang web và bán hàng online trên facebook, zalo; giới thiệu tường tận từng công đoạn làm ra sản phẩm để khách hàng hiểu thêm. “Hội nhập rồi, hàng của mình dù tốt, đẹp đến mấy mà không quảng bá, giới thiệu thì được mấy người biết. Sắp tới tôi còn định tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để du khách biết thêm về trò chơi dân gian này của người Việt”.
Dạo qua những con phố bày bán hàng Trung thu rực rỡ sắc màu, bên tai chúng tôi như còn văng vẳng lời khẳng định của một nghệ nhân: “Hễ còn người chơi đầu lân, thích lồng đèn truyền thống là chúng tôi còn làm nghề”.
Chỉ mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ cho nghề truyền thống này kết nối được với các kênh tiêu thụ sản phẩm để người thợ có thể yên tâm giữ nghề. Mơ một ngày được trở lại tết Trung thu xưa với những đứa trẻ rước đèn giấy bập bùng ánh nến, cùng múa lân, phá cỗ, hát vang “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…”.
Phúc Hưng