Những người già viết chuyện sử

11/09/2024 - 08:25

PNO - Truyện dài kỳ của những cây bút gạo cội cho bạn đọc một sự tiếp nhận mới về sử, đồng thời còn là sự đóng góp giá trị cho văn đàn.

Bản hùng ca đất phương Nam

Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện (gồm 3 tập) của nhà văn Trần Bảo Định. Bộ sách dày gần ngàn trang, kể mạch chuyện xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử - từ giai đoạn các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho đến đầu thế kỷ XX. Những nhân vật xuất hiện trong sách đại diện cho ý chí và khí phách của người phương Nam. Thời mở cõi có Đỗ Thanh Nhơn, Lê Xuân Giác, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa…; khi thực dân Pháp xâm lược là Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân…

Những bộ truyện dài kỳ dành cho bạn đọc yêu thích  văn học sử - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM
Những bộ truyện dài kỳ dành cho bạn đọc yêu thích văn học sử - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM

Vai trò của phụ nữ cũng được đặc biệt tôn vinh. Họ có mặt trong từng giai đoạn, biến động của thời cuộc: công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa, thân mẫu của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, phu nhân của đại thần Phan Thanh Giản… Đất Việt trời Nam liệt truyện cho thấy cả một tiến trình lịch sử hơn 300 năm của vùng đất phương Nam. Xuyên suốt tác phẩm là tinh thần, khí phách của nhân dân Nam Bộ, của tầng lớp bình dân yêu nước; cùng những phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, nhận thức, tư tưởng… qua mỗi thời kỳ.

Nhà văn Trần Bảo Định đã viết nhiều tác phẩm: Chim phương Nam, Bóng chiều quê, Đất phương Nam ngày cũ, Mưa bình nguyên, Kiếp ba khía, Phận lìm kìm… Nhiều câu chuyện về các danh tướng/anh hùng lịch sử ở Nam Bộ đã được ông kể rải rác trong các tựa sách xuất bản trước đó. Nay, Đất Việt trời Nam liệt truyện ôm chứa một câu chuyện dài, ghi dấu những giá trị về đất và người phương Nam. Đây cũng là tâm nguyện của cây bút gạo cội được mệnh danh là “ông già Nam Bộ nhiều chuyện”. Nhà văn có cách kể giản dị nhưng hấp dẫn, bởi những câu chuyện của ông luôn chứa đựng nhiều chi tiết đắt, chuyển tải những giá trị văn hóa đặc sắc của từng vùng đất.

Tác phẩm ghi dấu triều đại

Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước được thể hiện trong những tác phẩm giá trị trên văn đàn: Thần thuyết người Chim (Văn Lê, viết về thời Văn Lang - Âu Lạc), Đinh Tiên Hoàng (Vũ Xuân Tửu), Tám vua triều Lý, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác, viết về anh em nhà Tây Sơn), Từ Dụ thái hậu (Trần Thùy Mai)… Mới đây, bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (2 tập, viết về triều Nguyễn) của nhà văn Trần Thùy Mai vừa được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ bảy.

Đặc biệt nhất là Trần Bảo Định luôn khai thác được nhiều khía cạnh chưa ai viết về các nhân vật, những di chỉ văn hóa, lịch sử có thể đã bị lãng quên.

Trăm năm ở lại trong trang sách

Ở tuổi 104, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chuẩn bị cho ra mắt bộ 3 tập sách: Nguyễn Xí; Nguồn sống Dì ghẻ, con chồng. Đây là những truyện dài dành cho thiếu nhi, từng được đăng trên Báo Truyền Bá từ hơn 80 năm trước. Nguyễn Xí (nhân vật thời Hậu Lê) là tác phẩm được sáng tác khi tác giả mới 23 tuổi, từng đăng báo từ năm 1943. Các truyện ông viết và đăng báo thời điểm ấy, nay xuất hiện trước bạn đọc trong diện mạo mới và cũng cho thấy một giai đoạn “khởi nghiệp văn chương” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Riêng bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân (6 tập) được ông hoàn thành ở tuổi 60. Bộ sách (in lần đầu vào năm 1990) đã được tái bản, hiệu đính và chỉnh sửa hoàn thiện để đến với bạn đọc thế hệ hôm nay.

Loạn 12 sứ quân với các tựa: Mộng bá tranh hùng, Vọng nguyệt đài, Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa, Khói lửa kinh kỳ, Mưu chước thiền sư Vạn Thắng Vương. Nếu Đất Việt trời Nam liệt truyện là những câu chuyện về lịch sử cận đại ở đất phương Nam, thì Loạn 12 sứ quân ngược dòng thời gian về thế kỷ X. Câu chuyện diễn ra trong hơn 20 năm biến loạn (944-968), từ thời nhà Ngô đến nhà Đinh. Chính sử ghi nhận những sự kiện, nhà văn đi tìm trong khuyết sử những câu chuyện, những kiến giải cũng như tái dựng bối cảnh, vận dụng ngôn ngữ phù hợp thời đại.

“Chính sử chỉ ghi lại tên của 12 sứ quân với 12 địa điểm cát cứ nằm rải rác 2 bên bờ sông Hồng, mỗi địa điểm là một huyện ngày nay. Giữa các huyện này còn có nhiều huyện khác nằm xen kẽ và rất nhiều huyện vây quanh. Vậy, thời 12 sứ quân, vai trò chính trị của các huyện này như thế nào và uy quyền của triều đình Cổ Loa đối với các sứ quân ra sao?” - đó là những câu hỏi mà tác giả đặt ra và đi tìm câu trả lời bằng tác phẩm. Trong Loạn 12 sứ quân, bên cạnh những câu chuyện kể với ngôn ngữ mộc mạc, tác giả có cách nhìn nhận, lý giải rất sắc sảo về vai trò của thiền sư Ngô Chân Lưu (quốc sư Khuông Việt) và chiến lược quân sự của Đinh Bộ Lĩnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bày tỏ, ông viết bộ tiểu thuyết này với mong muốn “góp một viên gạch vào tòa nhà văn hóa dân tộc”. Đó cũng là bộ sách ấp ủ cả đời ông.

Những người già kể chuyện sử góp phần làm đầy thêm những gam màu trên bức tranh văn học sử Việt Nam. Các tác phẩm đều mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin, kiến thức rộng mở và được tiếp nhận những giá trị văn hóa có chiều sâu. Nhà văn Trần Bảo Định từng tâm tình, ông chỉ mong thế hệ trẻ sẽ còn biết, còn nhớ về những giá trị để lại của cha ông ta. Những trang viết như trao gửi đến thế hệ sau sự quan tâm và niềm hy vọng.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI