Ngành y tế TPHCM đang gấp rút triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Sau thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức, tuyến y tế “gác cửa sức khỏe” cho người dân được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả theo đúng chức năng được giao phó. |
Bám trụ bởi đã “trót” gần dân
Cuối tháng 8/2021, y sĩ Trương Thị Ánh Mai - Trưởng trạm Y tế thị trấn Hóc Môn, H.Hóc Môn - nghĩ đến việc rời bỏ trạm. Hôm đó, khoảng 23g, từ điểm lấy mẫu, chị đội mưa về trạm. Cả ngày chưa có bữa cơm lót dạ nhưng núi công việc vẫn đang chờ xử lý khiến chị tủi thân. Chị nhớ đến các con, trước đó khoe rằng đã ăn cái trứng vịt thứ 105 trong những ngày mẹ miệt mài chống dịch. “Lúc đó, tôi chỉ thèm được ôm con, nấu cho con một bữa cơm ngon” - chị Ánh Mai nhớ lại.
|
Y sĩ Trương Thị Ánh Mai đang trồng thêm một số loài cây thuốc nam trong khuôn viên trạm y tế |
May thay, khi về đến trạm, nhìn những đồng nghiệp cũng mệt nhoài như mình, chị tự nhủ: “Hơn lúc nào hết, bây giờ, mình phải vững vàng. Sao có thể bỏ đi trong lúc bao người đang cần mình”.
Lúc cao điểm dịch bệnh, thị trấn Hóc Môn là một trong hai địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất của huyện. Trạm y tế thị trấn chỉ có sáu thành viên, nhưng hai người nghỉ thai sản. Những người còn lại đều có con nhỏ từ sáu tháng đến năm tuổi. Họ gửi con lại cho gia đình, đi chống dịch từ đầu tháng Sáu đến khi thành phố trở lại “bình thường mới”. Dù được tăng cường hai bác sĩ (BS) tuyến trên, nhưng công việc ở trạm vẫn luôn quá tải: lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp phong tỏa, cách ly, tiêm vắc xin, phát thuốc và chăm sóc người mắc COVID-19 (F0), làm báo cáo…
Thời điểm đó, hai cán bộ ở trạm đã viết đơn xin nghỉ việc. Chị Ánh Mai cho hay: “Thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng, công việc quá vất vả, lại không về nhà nhiều tháng liền khiến người thân, gia đình các em bức xúc, yêu cầu nghỉ”. Chị ra sức động viên, an ủi mọi người, đồng thời bản thân phải cố gắng gánh vác nhiều hơn để mọi người bớt việc.
Công tác ở Trạm y tế thị trấn Hóc Môn từ năm 2008, chị Ánh Mai thu xếp học thêm lớp cử nhân điều dưỡng. Nhận được nhiều lời mời về làm việc ở các bệnh viện lớn với mức lương cao hơn, đỡ áp lực hơn nhưng càng suy nghĩ, chị càng không muốn rời xa nơi này. Gần 15 năm gắn bó, vừa làm công tác chuyên môn, vừa bảo vệ tài sản ở trạm, chị cảm thấy rất yêu công việc và muốn gắn bó với người dân địa phương.
Chị tâm sự: “Khi thực hiện các chương trình của Bộ Y tế, chúng tôi thường xuyên đến tận nhà thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người già, người khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, trẻ em, bà bầu… Trong quá trình này, chúng tôi có nhiều cuộc trò chuyện thân tình với người dân. Điều này khó có được nếu làm việc ở tuyến trên”.
“Tôi là người giàu có”
BS Phạm Văn Nghĩa - Trưởng trạm Y tế xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn - cũng có chung nhận định: “Làm ở trạm y tế giúp nhân viên không chỉ hiểu người dân cần gì để khỏe mạnh mà còn nắm rõ tiền sử sức khỏe từng gia đình, hoàn cảnh của họ. Đó là điểm mạnh giúp nhân viên y tế chăm sóc tốt hơn sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngược lại, người dân cũng cởi mở “khai báo” vì yêu quý cán bộ”.
|
BS Phạm Văn Nghĩa (giữa) đang tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên y tế tham gia chống dịch |
Do mối quan hệ gần gũi đó mà năm 2019, khi đang làm Trưởng trạm Y tế xã Nhị Bình, được điều về xã Đông Thạnh, BS Nghĩa đã có chút trăn trở. Ông chia sẻ: “Lúc đó, tôi không muốn rời xa nơi mình có hơn 30 năm công tác. Chỉ còn mấy năm nữa là về hưu nên tôi muốn ở lại Nhị Bình cho trọn tình với một vùng đất, trọn nghĩa với tấm lòng của người dân ở đó”.
Năm 1984, cầm tấm bằng trung học y đa khoa cùng với quyết định công tác tại Trạm y tế xã Nhị Bình, người thanh niên đầy nhiệt huyết Phạm Văn Nghĩa chỉ biết xã này là vùng sốt rét đứng đầu TPHCM. Trong khó khăn chung của đất nước, Nhị Bình còn khó khăn hơn. Vùng đất này như một bán đảo biệt lập, đường đất nhỏ hẹp, ngập lụt liên miên, điện chưa có. Trạm y tế là một trường học cũ, cơ sở vật chất sơ sài.
BS Nghĩa nhớ lại: “Khi đó, muốn thanh trùng thiết bị, phải dùng dầu hôi hoặc lá dừa đốt. Hễ đến nhà dân thăm khám thì khi về, phải “mở đường mới” do sình lầy. Tôi cũng rất nản chí”. Trạm có sáu thành viên, được quy định chăm sóc sức khỏe người dân với khoảng mười chứng bệnh thường gặp, nhưng trạm lại trở thành chỗ trông cậy duy nhất của người dân trong mọi diễn biến sức khỏe, nhiều nhất là các bệnh phụ nữ bởi xã chằng chịt kênh rạch, chưa có nước máy, còn đàn ông thì bị rắn cắn, ong chích rất nhiều.
Có lần, một sản phụ đến ngày sinh, người trong xóm làm chiếc võng khiêng chị đến trạm. Mới khiêng được vài chục phút, chị chuyển dạ. Trời tối om, mưa tầm tã, một thanh niên khỏe nhất nhận nhiệm vụ đến trạm chở cán bộ y tế. Y sĩ Nghĩa tức tốc chạy đến đỡ đẻ cho sản phụ này. Người dân đứng thành vòng tròn che chắn để nước mưa và gió mạnh không làm tắt đèn dầu. “Sinh xong, cả đám lại khiêng hai mẹ con về nhà vì đường đến trạm còn rất xa. Tôi cũng đi theo để xử lý các công việc còn lại. Sau đó, mỗi ngày, tôi phải đạp xe 90 phút vào chăm sóc cho hai mẹ con” - BS Nghĩa kể.
Những năm đó, số vụ chết đuối ở xã Nhị Bình rất nhiều. BS Nghĩa đã thành lập đội cấp cứu đường sông gồm 14 thanh niên khỏe mạnh, bơi giỏi, năm nào cũng cứu sống vài người gặp nạn. Quý các cán bộ ở trạm y tế, người dân thường xuyên đến chơi, thấy góc bếp thiếu cái nồi là lập tức đi mua, mùa nóng bức thì góp tiền mua tặng cho trạm một chiếc quạt, nhà nào có đám giỗ đều mời các nhân viên y tế dự. “Nhìn lại quãng đời đó, tôi hạnh phúc và tự thấy mình rất giàu có” - BS Nghĩa nói. Ông không muốn nhắc đến thu nhập, bởi không điều gì so sánh được với tình cảm gắn bó của ông với người dân Nhị Bình.
Năm 1999, khi theo học và tốt nghiệp BS đa khoa, BS Nghĩa nằm trong tốp năm người giỏi nhất trong hơn 100 BS cùng khóa. Như phần lớn nhân viên của các trạm y tế, việc nâng cao chuyên môn, tay nghề giúp họ có rất nhiều cơ hội, lời mời đổi thay môi trường làm việc và BS Nghĩa cũng không ngoại lệ. Ông tâm sự: “Trước những hứa hẹn đãi ngộ của họ, tôi đưa ra quyết định ngay, đó là phải đem những gì được đào tạo về giúp đỡ, cứu chữa cho bà con Nhị Bình. Nếu coi tiền bạc là lẽ sống thì tôi đã bỏ đi ngay trong những năm đầu về trạm rồi”.
Trạm vẫn còn thiếu nhiều thứ
Theo BS Nghĩa, càng về sau, xã Nhị Bình càng đón thêm nhiều cư dân nơi khác đến sinh sống. Họ không mặn mà với y tế cơ sở. Người dân bản địa cũng dần khấm khá hơn, tìm đến các bệnh viện có thương hiệu và dịch vụ nhiều hơn. Do đó, trạm y tế dần bị dạt xa chức năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
|
Các y, bác sĩ ở Trạm Y tế P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM đến tận nhà những người cao tuổi để tiêm vắc xin trong dịch COVID-19 |
Trong những năm qua, ngành y tế đã có sự đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn hóa bằng cấp, tập huấn, đào tạo cho nhân viên tuyến y tế cơ sở nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, môi trường làm việc áp lực, nhiều thủ tục nhiêu khê, chế độ đãi ngộ thấp, cơ hội trải nghiệm ít, khó thăng tiến... khiến ít người chịu về trạm. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua một lần nữa cho thấy rõ những bất cập và tầm quan trọng của y tế cơ sở.
Y sĩ Trương Thị Ánh Mai chia sẻ, sau đợt cao điểm dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân đến trạm khám nhưng chị đề nghị họ lên tuyến trên để được kiểm tra kỹ càng: “Cơ sở không có máy chụp phổi, cũng không có BS chuyên môn nên chúng tôi không thể giúp đỡ bệnh nhân. Nếu khám ra bệnh, chúng tôi cũng không có thuốc để cung cấp cho bệnh nhân do danh mục thuốc mà Bộ Y tế cho phép trạm cung cấp quá hạn chế”.
Theo các y, BS công tác ở các trạm y tế, dịch bệnh ít nhiều mở ra cơ hội để người dân và y tế cơ sở gần nhau hơn. Nếu trước đây, người dân không mặn mà, thậm chí không biết trạm y tế ở đâu thì bây giờ, họ lưu số điện thoại của trạm, sức khỏe có vấn đề là nghĩ ngay đến trạm. “Ở góc độ nào đó, đây là thời cơ để hệ thống y tế cơ sở làm đúng chức năng là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân” - BS Phạm Văn Nghĩa khẳng định.
“Có người hỏi tôi: “Ông có lời khuyên nào cho lớp trẻ sau này?”. Tôi đã xin phép không trả lời. Xưa kia, chúng tôi học đến đâu đều được lo đến đó, thậm chí Nhà nước còn cho gạo, tiền để chúng tôi chỉ việc yên tâm học tập, tốt nghiệp về phụng sự cho dân. Bây giờ, chuyện học hành, nâng cao trình độ đều do các em tự chi trả. Họ cần thu nhập để tái tạo sức lao động, phát triển bản thân và điều đó cũng không nằm ngoài mục đích có lợi cho dân, cho xã hội. Thế nên, việc ai đó chọn rời bỏ y tế cơ sở là đáng tiếc nhưng cũng dễ cảm thông, thấu hiểu”. Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa - Trưởng trạm Y tế xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn |
Tuyết Dân
* Kỳ tới: Cần chính sách tốt để hút người giỏi về trạm y tế