Theo số liệu mà ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cung cấp cho báo chí, năm 2019 có 37.000 tựa sách với 441 triệu bản in. Với 59 nhà xuất bản (NXB) cùng hơn 100 đơn vị xuất bản tư nhân đang hoạt động như hiện nay, thì đây là số lượng đáng mừng, có chiều hướng tăng so với các năm trước.
Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại lâu nay: khi nói về thành tích của ngành xuất bản, chúng ta luôn chỉ biết đến tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản, mà đang “ngó lơ” biên tập viên (BTV) - những người đang được ví von là “gác cổng” ngôn ngữ.
Bằng chứng là giải Sách hay do Viện Giáo dục IRED, dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức đã bước sang năm thứ 10, cũng chỉ vinh danh bảy hạng mục, gồm: Nghiên cứu, Kinh tế, Văn học, Thiếu nhi, Quản trị và sách Phát hiện mới.
Còn giải Sách quốc gia cũng tương tự. Năm 2018, giải trao cho 35 tác phẩm gồm 22 giải Sách hay và 13 giải Sách đẹp; năm 2019 trao cho 27 tác phẩm, công trình ở năm mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi. Đến năm 2020, giải cũng trao cho 27 cuốn sách, bộ sách.
Ngoài hai giải thưởng trên, giải thưởng thường niên của các hội văn học nghệ thuật - từ trung ương cho đến địa phương, cũng chưa bao giờ xướng tên một BTV nào.
|
Giải Sách quốc gia cũng chưa bao giờ xướng tên một biên tập viên nào |
Trong cuốn sách Thế giới của sáng tạo, nhà văn Uông Triều đã hé lộ về công việc của BTV: “Làm nghề biên tập, chúng tôi thường nói đùa rằng, chúng tôi là những “bác sĩ”, chuyên chữa trị, “khâu vá” cho những tác phẩm chưa thật hoàn hảo để nó có một hình hài chấp nhận được hoặc đạt được những tiêu chí thẩm mỹ nhất định”.
Thực tế, đây chỉ là một phần việc của BTV. Không chỉ làm việc với bản thảo, với tác giả, dịch giả mà còn phải làm việc với họa sĩ thiết kế để có những bìa sách bắt mắt; phải làm việc với bộ phận truyền thông/kinh doanh để có những ý tưởng quảng bá sáng tạo, hấp dẫn. Và đôi khi, họ cũng có thể phải “cãi nhau” với sếp để bảo vệ bản thảo. Với những đóng góp như vậy nhưng lại không được ghi nhận, âu cũng là một thiệt thòi cho các BTV.
Làng văn thế giới vẫn nhắc về trường hợp của nhà văn Raymond Carver (1938-1988), một trong những cây bút truyện ngắn thuộc hàng xuất sắc của thời đại. Có điều, gần đây, người ta đã phát hiện ra nhiều truyện ngắn của Carver đã được Gordon Lish - BTV của ông, “gia công” lại một cách đáng kể. Cá biệt có tập truyện ngắn Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, nghe đâu được Gordon Lish viết lại phần kết của 10 (trên tổng số 13) truyện ngắn.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mối quan hệ giữa Raymond Carver và BTV Gordon Lish; tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, nếu không có sự “nhúng tay” của Gordon Lish, liệu độc giả có được đọc những tập truyện ngắn thú vị và độc đáo hay không? Và nếu không nhờ Gordon Lish, liệu Raymond Carver có được thành công rực rỡ đến vậy?
Cũng trong cuốn sách nêu trên, nhà văn Uông Triều đặt ra vấn đề: “Về mặt cơ bản, người biên tập ít nhất phải có tầm ngang với tác giả, hoặc vượt trên càng tốt. Tầm ở đây là sự nhận thức văn bản và các vấn đề liên quan, vì chỉ như thế, anh ta mới có thể hiểu, cảm nhận được cái hay cái đẹp hoặc khiếm khuyết của bản thảo. Nếu biên tập viên quá “non” so với tác phẩm, anh ta sẽ bị ngợp và khó chạm”. Đây là đòi hỏi chính đáng của những người làm biên tập, nếu muốn có một nền xuất bản lớn mạnh, có những tác giả như Raymond Carver.
Trên thực tế, thời gian qua, có nhiều xuất bản phẩm đã bộc lộ những sai sót từ cơ bản đến nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đề cập đến trong bài viết Nhiều sai sót trong cuốn sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử, ra ngày 9/12. Vậy nên, trong lúc chờ đến ngày được vinh danh, thì bản thân các BTV cũng cần có ý thức trau dồi, nâng cao nghiệp vụ để tránh những sai sót mà báo chí đã chỉ ra trong thời gian qua.
Liên quan đến chất lượng BTV hiện nay, giám tuyển nghệ thuật kiêm dịch giả Nguyễn Như Huy cho rằng, hệ thống biên tập của các NXB hiện nay đang có vấn đề về biên tập sách chuyên môn. Từ đó, anh đề nghị tất cả NXB phải có một người biên tập về chuyên môn.
“Tuy nhiên, có một điểm bất cập ở đây là thù lao hiệu đính bao giờ cũng thấp hơn dịch. Trong khi đó, BTV được xem như người cuối cùng canh giữ cổng ngôn ngữ. Người dịch giỏi đến mấy cũng không thể kiểm soát hết được vấn đề này. Vậy nên, theo tôi các đơn vị xuất bản phải trả thù lao hiệu đính cao lên hoặc ít nhất bằng thù lao dịch. Như vậy chúng ta mới có những cuốn sách tốt được”- anh nói.
An Sơn