edf40wrjww2tblPage:Content
So với lần phóng tác trước cách đây hơn 10 năm trên SK 5B, Đêm thiên nga lần này được Hoàng Thái Thanh chỉnh sửa nhằm làm đậm hơn ý muốn tôn vinh những người đóng góp thầm lặng cho SK, phía sau màn nhung. Đó là Boris, dẫu vì “chân ngắn, có giọng nói của một ả đàn bà” không đạt chuẩn làm diễn viên như mơ ước, vẫn cần mẫn làm người nhắc tuồng hằng đêm để những nghệ sĩ như Pierre tỏa sáng.
Vở kịch chỉ có hai nhân vật, Boris và Pierre. Họ là hai con người già nua còn sót lại của nhà hát một thời rực rỡ giờ đã trở nên hoang phế. Pierre từng bất tử trong các vai diễn nay là một lão già lụ khụ, sống cô đơn, lấy việc kết bạn với lũ chuột làm vui. Boris cũng bần cùng không kém, luôn đứng trước nguy cơ bị chủ nhà đuổi ra đường, nhưng vẫn không quên thỉnh thoảng đến lục đống phục trang cũ ra ủi, xếp. Đêm thiên nga là đêm đánh dấu Pierre đúng 45 năm bước lên sàn diễn, là đêm những ký ức huy hoàng hiện về với sự bất tử của Romeo, vua Lia…, là đêm những vinh quang ngọt ngào xưa cũ trở thành mũi kiếm ngoáy sâu tận cùng niềm đau đớn hôm nay.
Khó có thể dùng từ gì để nói lên sự hóa thân tuyệt vời của hai nghệ sĩ Ái Như (Boris) và Thành Hội (Pierre). Mặc cho trời mưa to gió lớn ở bên ngoài, khán phòng buổi ra mắt vẫn đầy ắp khán giả, chốc chốc rộ lên tiếng cười hưởng ứng, tiếng vỗ tay ngợi khen mà trong lòng ai nấy nghe như có chút gì đó xa xót, rưng rưng. Dường như đây không phải là một cuộc hóa thân bình thường vào vai diễn, mà là một dự báo, một sự bày tỏ nỗi niềm của chính thân phận mình.
Đêm thiên nga như là cột mốc để nghệ sĩ Thành Hội neo vào đó 30 năm có mặt trên sàn diễn (không kể bốn năm sau khi tốt nghiệp về đoàn Cửu Long Giang chỉ được phân công làm hậu đài); để nghệ sĩ Ái Như khiêm tốn mắc lên 25 năm làm nghề kể từ khi “liên danh” Hoàng Thái Thanh ra đời với vở kịch đầu tay “3 trong 1” vừa viết, vừa dựng, vừa diễn Khúc nhạc lòng của vị mục sư (cũng không tính những năm toàn được giao vai “bé gái” ở SK CLB thể nghiệm 5B).
Đêm thiên nga với họ hơn 20 năm trước chính là đêm “cắt máu ăn thề” cùng nhau theo đuổi dòng kịch tâm lý, không phải để mua vui cho thiên hạ mà để người làm nghệ thuật chuyển tải những khát vọng của mình đến với công chúng; để biến SK thành thánh đường. Và họ đã đi cùng nhau ngần ấy năm trong muôn vàn nhọc nhằn, đã bất chấp và thách thức tất cả để được yêu nghệ thuật như những kẻ “điên rồ”.
Đêm thiên nga trên sân khấu Hoàng Thái Thanh sau hơn 10 năm là một dự báo,
bày tỏ nỗi niềm của thân phận người nghệ sĩ - Ảnh: T.V.
Để được sống với tình yêu SK, Ái Như thời con gái đã tìm hết cách để không phải theo gia đình định cư ở nước ngoài. Khi gầy dựng SK Hoàng Thái Thanh, chị luôn ray rứt vì đã “làm khổ” cả nhà khi trưng dụng cả vật chất lẫn tinh thần của họ. Bao nhiêu tiền dành dụm chị đổ cả vào để đầu tư cơ sở mà cho đến bây giờ sau 5 năm, chỉ có hao hụt, thỉnh thoảng phải đắp thêm chứ chưa thấy đồng lời.
Cô con gái lớn là thạc sĩ tâm lý, giảng viên trường Đại học Y Dược, ngoài giờ đi dạy, phải phụ mẹ lo ngoại vụ cho SK. Cậu con trai út năm nay học lớp 12, suốt bao năm cứ vở diễn thiếu vai trẻ con là mẹ đẩy cậu vào. Còn chồng chị, giảng viên Đại học Bách khoa, phụ chụp ảnh, tối tối làm xe ôm đưa đón vợ. Kể cả người anh trai của chị về nước làm ăn, vì thương em gái vất vả, buổi diễn nào cũng túc trực để khi có sự cố gì về kỹ thuật là ra tay.
Nhưng “phiền” nhất là khi đạo diễn vợ biến phòng khách nhà mình thành sàn tập, cả nhà không ai nghỉ ngơi gì được, còn phải chứng kiến cảnh chị gào nói suốt ngày mệt quá, buông việc là nằm thở bỏ cả ăn uống.
Nghệ sĩ Thành Hội tuy ra vẻ thảnh thơi hơn nhờ có vợ giỏi giang lo toan và cô con gái duy nhất đã lớn, sẵn sàng ủng hộ anh hết lòng, song anh cũng chẳng giúp gì được nhiều cho gia đình vì hồn xác từ lâu đã gửi cả vào SK. Cả hai nghệ sĩ nòng cốt của Hoàng Thái Thanh đều từ chối hết những lời mời tham gia các hoạt động khác để chuyên tâm cho thánh đường nghệ thuật.
Có lẽ sự tận tụy này sau nhiều năm đã trở thành đường ống dẫn chất “nghiện” nghề của thầy cô thấm sang các học trò. Bám SK ngày đêm, không nề hà tự tay khuân vác, dọn dẹp chỗ diễn mới, miệt mài quên ăn quên ngủ suốt cả tháng, các diễn viên trẻ như Hoàng Vân Anh, Lương Duyên, Thế Hải, Nguyễn Long… cũng đang “cháy” hết mình theo các sư phụ.
Ở SK Hoàng Thái Thanh, không chỉ có người làm nghề mới “điên”, mà khán giả cũng có những người “điên” theo một cách kỳ lạ. Ngoài những sinh viên thường xuyên lên facebook cuasang.com bình luận sôi nổi mỗi khi Hoàng Thái Thanh có vở mới, còn có những người “ghiền” như anh chàng Thượng Công Đức không vở nào xem dưới 10 lần, thậm chí đến 18 lần với vở Nửa đời ngơ ngác.
Nhưng đạt đến sự “mê muội” đỉnh cao là khán giả Bích Thọ. Thuở còn dạy học mấy chục năm trước, chị đã mê Hoàng Thái Thanh và xem không sót vở nào. Từ khi biết SK này khó khăn, chị mua “sỉ” hẳn một ghế thường trực, cứ Hoàng Thái Thanh sáng đèn là đảm bảo có một khán giả là chị. Số lần mỗi vở chị xem phải tính hàng mấy chục và lần nào cũng cười, cũng khóc như xem lần đầu.
Biểu tượng con chuồn chuồn bay với đôi cánh mỏng mong manh cần được nâng niu, gượng nhẹ chính là tâm sự mà Hoàng Thái Thanh ngay từ đầu đã gửi gắm, vẫn không khỏi khiến những người yêu thương họ nơm nớp mỗi khi màn mở. Liệu những người “tử tế” này trụ được bao lâu? Dù vậy, dẫu cho giông gió ngoài kia có lúc đánh sập cả những tấm pano mới dựng, bên trong khán phòng, những “người điên” vẫn cảm thấy ấm áp vì tất cả đều cùng một lòng “để đôi giày bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật”.
Cát Vũ