1. Người dân trong làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), luôn ghi nhớ những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian về bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen - thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng với đôi bàn tay khéo léo và yêu thích may mặc đã học được nghề may trong cung vua. Bà truyền nghề cho dân làng để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống. Câu chuyện về nghệ nhân Tạ Văn Khuất vinh dự được may áo cho Nam Phương hoàng hậu cũng trở thành một hồi ức đẹp của người dân Trạch Xá.
|
|
Những bàn tay tài hoa khắp kinh thành xưa đều xuất phát từ đây. Đặc biệt, đa số những người thợ may giỏi đều là nam giới. Tại làng Trạch Xá, một quy tắc bất di bất dịch, đó là chỉ truyền nghề cho con trai. Lý giải về điều này, các bậc cao niên trong làng cho biết, ngày trước dân làng phải mang tay nghề đi khắp nơi để tìm việc bởi nếu chỉ quanh quẩn trong làng thì không biết may áo cho ai, đường xa, đi lại vất vả, con gái không theo được nên chỉ có đàn ông lặn lội kiếm sống. Họ không những khéo tay mà còn có rất nhiều ý tưởng cho chiếc áo dài. Từ xưa đã thế. Nay vẫn vậy.
Không ít những cậu bé đã được truyền nghề từ khi mới 6-7 tuổi, lớn lên cùng đường kim mũi chỉ. Mười tuổi mà đã biết khâu những đường dọc viền áo còn khéo hơn cả mẹ. Thế làng mới có câu: “Đàn ông Trạch Xá khéo may. Tay đo, tay thước suốt ngày chỉ kim”.
Gặp những người già trong làng như cụ Nhiên (84 tuổi) hay nghệ nhân Đạt, tay thợ tài hoa Đỗ Văn Thường mới thấu hiểu, đó đâu đơn giản là câu chuyện miếng cơm manh áo, để bảo tồn và phát huy làng nghề thật quá nhiều cam go. Khởi đầu những người thợ trong làng đã phải lang thang khắp nơi hành nghề. Những người đàn ông khéo tay trong làng cùng con cháu đi dựng nghiệp ở các thành phố.
Chốn đô thành Hà Nội xưa lập phố là người Trạch Xá đã có mặt. Chỗ nào có hàng vải vóc, tơ lụa là có người Trạch Xá làm ăn. Chỉ cần có trong tay cái thước, cái kéo, cái vạch cùng cây kim, sợi chỉ là họ có thể làm nghề. Họ chính là những thợ may đầu tiên của Thăng Long xưa, ở những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Vải…
Những chiếc áo dài Trạch Xá được may bằng tay, tỉ mẩn như làm cho người thân yêu của mình. Từ tà áo đến vai áo và từng chi tiết đều nuột nà, liền lạc bởi những đường kim mũi chỉ đều tăm tắp với nghệ thuật khâu tay dọc. Kỹ thuật khâu này giúp sóng vải không có tì vết khô cứng. Tà áo dịu dàng thanh thoát hơn. Đó cũng là một trong những “bí ẩn” của nghề may áo dài Trạch Xá.
|
Trạch Xá có lẽ là làng may áo dài độc đáo vào bậc nhất, bởi hầu hết thợ may nơi này là đàn ông |
Một thời gian dài nhiều khó khăn về kinh tế khiến chiếc áo dài phần nào bị lãng quên. Công việc làm ăn trong làng giảm sút, nhiều người thợ bị dao động vì thu nhập bấp bênh. Nhưng sau cùng, họ vẫn quyết bám trụ bằng mọi giá, họ làm nông, làm nghề tay trái để giữ nghề tay phải với niềm tin: cái nghề bao đời nay của làng quê này sẽ không bao giờ bị mất. Thợ may áo dài của làng đi khắp nơi làm ăn và đào tạo thợ trẻ. Không ít người đã đi nước ngoài lập nghiệp và thành danh ở xứ người.
Áo dài Trạch Xá nổi tiếng khắp thiên hạ.
2. Ở làng Trạch Xá ai cũng quý mến người thợ tài hoa Nguyễn Văn Đạt, nhiều người xem ông là linh hồn của làng nghề. Từ khi còn là một cậu bé ham chơi, ông đã được bố mẹ đào tạo thành thục tay nghề. Lớn lên ông xung phong vào quân ngũ. Thời kỳ những năm giữa thập niên 80, quê hương nghèo khó, nghề của làng gặp trắc trở. Trai làng như ông đều khoác ba-lô lên đường làm nghĩa vụ với đất nước. Không ít gia đình đã phải đóng máy khâu vì không có người làm.
Hơn nữa, vải vóc để may áo dài đều hiếm hoi. Hàng tơ lụa trở nên xa xỉ. Đời sống bao cấp đầy gian truân. Mỗi người tiêu chuẩn chỉ được vài mét vải mỗi năm chứ ai còn mơ tưởng tới “The La - Lụa Vạn”. Năm 1986, nghệ nhân Nguyễn Văn Đạt xuất ngũ trở về làng, “phải khôi phục lại cái nghề ngàn năm của ông cha”, với ông, lúc đó như một mệnh lệnh. Ông bắt tay vào công việc với kim chỉ và lập nên một xưởng may nhỏ giữa quê hương với cánh đồng dâu tơ tằm bát ngát.
|
Cụ Nhiên 84 tuổi (bên phải) là thợ may lão làng |
Thời kỳ những năm kinh tế xóa bỏ bao cấp, vào đầu thập niên 90, mô hình sản xuất đầu tiên của nghệ nhân Nguyễn Văn Đạt đã có những sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường. Những chiếc áo dài truyền thống của Trạch Xá lại được khách hàng đón nhận. Tư duy mới đã hình thành bên cạnh những đường kim mũi chỉ truyền thống. Đường nét hiện đại. Hoa văn mới.
Từng đường thêu màu sắc đã làm nên tà áo dài Trạch Xá có nét kiều diễm riêng. Tiếng thơm vang xa. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đạt mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất lớn với những tổ chức về máy móc và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào các khâu thiết kế, mẫu mã để thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng. Hợp tác xã của làng ra đời từ đó.
|
Ông Đạt đang từng bước hướng dẫn những đứa con của mình nối tiếp nghề truyền thống |
Ông Đạt nhớ lại. Đầu tiên chỉ có mươi người thợ giỏi trong làng tham gia. Dần dần công việc phát đạt. Hàng bán khắp nơi. Áo dài của Trạch Xá được bày tại nhiều cửa hàng trên các phố lớn ở Hà Nội và các thành phố lân cận. Hợp tác xã ngày càng phát triển, nhiều hộ nghề còn xây dựng những tổ hợp gia đình, trang bị máy móc hiện đại, có bộ phận thiết kế, trang trí mỹ thuật tạo nên những mẫu áo dài độc đáo, theo sở thích của từng khách hàng, đem lại công ăn việc làm cho nhiều lao động. Nhiều thợ may đi làm nơi khác cũng đã trở về quê, trở về với nghề may áo dài.
|
Tre già, măng mọc, lớp lớp kế cận nghề may áo dài của làng |
Làng may áo dài truyền thống Trạch Xá giờ tấp nập khách hàng. Suốt dọc đường làng luôn vang lên tiếng máy dồn dập. Người dân Trạch Xá không phải tha phương kiếm việc. Nhiều đơn đặt hàng từ mọi nơi đã đổ về làng. Mỗi chiếc áo dài người may nhận được 150.000-200.000 đồng tùy loại. Một thợ cứng có thể may 4-5 chiếc áo dài một ngày. Mùa cưới, mùa lễ hội, thợ làm xuyên đêm, không kịp tay.
Niềm vui của những người thợ như được nhân lên gấp bội.
Ngọc Minh Tâm