Một mình trong lũ dữ
Trời Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mấy hôm nay đã tạnh ráo, nhưng chị Trần Thị Bốn (52 tuổi) vẫn chưa dám trở về “trạng thái bình thường”. Trong ngôi nhà cấp bốn nằm lẻ loi giữa đồng, những đồ đạc được kê cao nhất cũng là tất cả tài sản của chị.
Một chiếc tủ đứng được ông bà chủ nơi chị làm việc bán rẻ lại cho. Một chiếc ti vi đời cũ và một bình ga. Tất cả được gác trên những chiếc ghế nhựa giữa nhà. Còn tấm đệm dày cộm xin được của một người bà con dù đã mốc đen mốc đỏ, chị vẫn tiếc giữ lại phòng khi hết lụt còn có cái mà nằm.
Ngôi nhà lạnh toát vì phải trầm trong đợt mưa khủng kéo dài mười ngày, bức tường còn nguyên lớp thấm dột càng khiến không khí trở nên âm u. Chị Bốn tổng kết: “Máy bơm bị vô nước, đường điện hư, chái bếp sập, một thân một mình không biết làm răng (sao) đây”.
Vốn là mẹ đơn thân, con gái đi học xa nên mấy năm nay chị Bốn phải ở một mình. Nhà nghèo, sức khỏe kém, việc rất nhỏ như bóng đèn hư cũng làm chị bối rối vì hễ kêu thợ thì phải… tốn tiền. Vậy mà, trưa 11/10, một trận lũ ống kinh hoàng quét qua địa bàn xã Duy Sơn. Đây lại là trận lũ đầu tiên trong lịch sử của Duy Sơn - một xã miền núi vốn nằm ngoài bản đồ bão lũ. Lũ đổ về khiến ai cũng ngơ ngác không kịp trở tay. Đến giờ, chị Bốn vẫn chưa hết bàng hoàng: “Từ 11g trưa, khi mưa như trút nước thì cũng là lúc bão kéo đến, gió giật từng cơn. Tôi nằm trong buồng nhắm mắt mà không ngủ được vì cứ lo bão kéo bay mái tôn. Nhưng sợ nhất là khi bão tạm ngưng thì nước ngoài suối lại lớn nhanh kinh khủng”.
Chỉ trong chớp mắt, nghe thấy tiếng la hét của hàng xóm, chị Bốn vội chạy ra thì nước lũ đã lên đến bậc thềm. Ngôi nhà của chị như lạc giữa màn mưa trắng xóa, nước vây tứ bề. Sinh ra và lớn lên ở miền núi, chị chưa bao giờ thấy nước lớn, chưa từng biết dọn lụt ra sao, càng không biết trận lụt này là vỡ đập thủy điện hay thế nào. Liệu chị nên cố thủ trong nhà hay bỏ của chạy lấy người? Mà biết chạy đi đâu khi dòng nước đục ngầu đang cuộn như thác? Hàng xóm của chị cũng đang rơi vào tình trạng khẩn cấp vì lũ bất ngờ.
|
Chị Trần Thị Bốn vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ ống kinh hoàng |
Bất lực, chị dùng hết sức để che chắn đồ đạc. Nước lên nhanh không thể tả. Bầy heo ngoài chuồng hét vang inh ỏi. Mấy con gà níu cành chanh kêu quang quác. “Nhắc lại mà tôi còn muốn đứng tim. Một mình giữa cơn lũ dữ, tôi bèn liều mình băng nước ra sau vườn quăng mấy tấm ván cho đàn heo níu lên tạm. Nói dại, nước chỉ cần nhích lên vài phân nữa thôi là tôi mất trắng đàn heo này” - chị nhớ lại.
Một tiếng 30 phút quần thảo, sức nước chảy yếu hơn cũng là lúc chị Bốn nhận ra… mình còn sống. Hàng xóm bắt đầu ngó sang nhà nhau để xem ai còn gì, mất gì. Ai cũng ngạc nhiên kinh hoàng về trận lũ ống vừa quét qua.
“Sao anh lại ra đi cùng lũ?”
Chị Hoàng Thị Hạnh Phúc, vợ thượng tá Trần Minh Hải - Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, dõi ánh mắt thẫn thờ trong đám tang của chồng. Người phụ nữ ấy chỉ vừa 38 tuổi. Suốt mười mấy năm làm vợ một người lính, chị luôn trông ngóng chồng bởi anh đi suốt. Với chị, niềm tin duy nhất dìu chị vượt qua những ngày tháng dằng dặc ấy, là những dự định của hai vợ chồng, là niềm vui sum vầy giữa những đợt nghỉ phép. Nhưng giờ đây, lời hứa về một ngôi nhà khang trang, những chuyến đi chơi cả gia đình… chỉ còn trong dĩ vãng.
Chị Phúc nhớ lại ngày 12/10, khi lũ đã vượt mức báo động 3 ở Huế, chị nhận được điện thoại chồng báo có sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3. Vốn đã quen với những chuyến đi cứu hộ của anh, chị không mảy may nghĩ đó là cuộc nói chuyện lần cuối giữa họ.
Suốt buổi chiều hôm ấy, lũ lớn dần, chị tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Gần 2g sáng 13/10, chị Phúc nhận được thông tin chồng và đồng đội gặp nạn khi đang trên đường đi cứu hộ. Chị như chết lặng. Trong màn đêm đen đặc, giữa cơn mưa xối xả, chị không biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Thế nhưng phép mầu đã không xảy ra.
Giữa nỗi đau mất chồng, những cơn mưa vẫn trắng trời như nhắc chị Phúc những phần việc chị phải gồng gánh khi không còn chồng nữa. Sự quan tâm của đồng đội, quyết định truy tặng danh hiệu liệt sĩ của Nhà nước cũng chỉ vơi bớt phần nào gánh nặng của chị lúc này. Còn tương lai, chị không cho phép nỗi đau quật ngã mình, bởi sau lưng chị còn hai đứa con thơ dại. Miền Trung lại sắp đón đợt mưa lớn, chị vừa bị đánh ngã một đòn chí mạng đã phải tự mình đứng lên.
|
Nỗi đau xé lòng của người vợ trẻ trong đám tang thượng tá Trần Minh Hải |
Con trông mẹ, chồng nương vợ
Ở tuổi 70, khi phần lớn phụ nữ đã lên chức bà, được nghỉ ngơi sau những năm tháng chăm lo gia đình, bà Võ Thị Lập (đường Tăng Bạt Hổ, TP.Huế) vẫn xoay như chong chóng. Nhà có ba người đàn ông, nhưng chồng bà đã 80 tuổi, sức khỏe rất yếu, còn hai đứa con trai lại bị thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, hơn một tuần Huế ngập trong lũ, cả nhà chỉ có thể trông đợi vào bà. Bất đắc dĩ, người phụ nữ đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ấy lại trở thành người “khỏe” nhất nhà, là trụ cột gia đình trong những giờ khắc nguy nan nhất.
Ở trung tâm TP.Huế, nhưng căn nhà xiêu vẹo của bà Lập, được chắp vá từ những tấm ván gỗ sắp mục, những mảnh ni-lông đã rách được dùng để che tạm mưa dột, càng khiến khung cảnh thêm thê lương. Trên nóc nhà, đếm không hết những lỗ hổng chi chít trên tấm tôn cũ. Nước từ những lỗ hổng chảy xuống nơi bốn con người đang co cụm. Những ngày nước lũ bao vây tứ bề, dù đôi chân đau nhức vì căn bệnh khớp, bà Lập vẫn phải “tả xung hữu đột” với biết bao phần việc không tên. Còn ba người đàn ông cũng chỉ biết ngồi một chỗ chờ đợi sự sắp xếp của mẹ, của vợ.
Lọ mọ nhóm bếp dầu được kê trên một cái bàn gỗ cũ kỹ, bà Lập nấu vội đồ ăn, rồi hai vợ chồng mỗi người một bát tranh thủ đút cho hai đứa con trai. Bà Lập kể cảnh nhà khổ nhất vào những ngày mưa lũ, căn gác ọp ẹp không đủ sức tải bốn người lớn, nên gia đình bà Lập chấp nhận sống cùng nước bạc. Chỗ khô ráo nhất nhà lúc này cũng chỉ là những chiếc ghế nhựa.
|
Không đủ sức để tìm một chỗ nương náu, gia đình bà Lập đành chấp nhận sống chung với nước bạc |
Từ ngày 10/10, nhà bà Lập lúc nào cũng trong tình trạng ngập úng. Do nhà thấp nên lượng nước mưa không có chỗ thoát, bà Lập lại quá yếu để có thể tát hết nước ra ngoài. Bất lực, bà đành chấp nhận tới đâu hay tới đó. “Từ năm 1999 đến giờ, tôi mới lại thấy nước lớn thế này. Trước lũ, nhà không còn tiền nên tôi cũng chẳng chuẩn bị gì được. Ngày thứ ba lũ lên, cũng là lúc nhà không còn gạo ăn. May sao có đoàn từ thiện hỗ trợ được một số mì tôm, thực phẩm. Bây giờ, tôi chỉ lo nhất là trận bão mới, ngôi nhà này không đủ sức chịu được gió lớn nữa” - bà Lập cho biết.
Nhưng khổ nhất đối với bà Lập lúc này không chỉ là cái ăn cái mặc, mà chính là tâm trí bất ổn của hai đứa con bà. “Từ cái ăn, cái mặc, một tay tôi phải lo hết. Chúng nó như con nít, có khi vừa thay quần áo đã ướt hết cả. Ban đêm thì phải để ý dữ lắm, vì sợ lúc lên cơn nó chạy ra đường. Có khi thằng nhỏ lên cơn động kinh, còn tự vùi đầu vào nước. Trước tôi còn khỏe, đi lại còn nhanh nhẹn, còn lùng sục tìm về. Chứ giờ tôi yếu rồi làm sao đi tìm được mãi. Mưa gió thì cứ không ngừng. Thế nên, hằng ngày tôi phải vừa làm việc vừa trông chừng cả hai đứa nó” - bà Lập kể.
Mấy năm nay do tuổi cao sức yếu, bà Lập cùng chồng chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp ít ỏi của Nhà nước để dè sẻn chi tiêu mà vẫn bữa đói, bữa no. Trên mái tôn mưa vẫn rơi lộp độp. Trong nhà, tiếng ú ớ của hai người con xen lẫn tiếng thở dài của người phụ nữ đã xế bóng.
Ba người phụ nữ, ba hoàn cảnh, ba số phận khác nhau, nhưng giờ đây họ đều có điểm chung là đơn thương độc mã trong bão lụt, trong định mệnh của dải đất này, mà cũng là định mệnh của cuộc đời họ. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài kích hoạt sự mạnh mẽ trong mình, như thân cò dẫu có nắng mưa thế nào vẫn phải lặn lội bờ sông, ngụp lặn giữa bao biến động của cuộc đời.
Hà Dung