PNO - Bao năm, những người phụ nữ bên phá Tam Giang vẫn “lặn lội thân cò” theo mùa nước nổi. Việc đong cái ăn, cái mặc khiến họ không còn tâm trí để nghĩ xa hơn, nói gì tới khái niệm trừu tượng như “biến đổi khí hậu”. Rồi một ngày, những cây bần chua xuất hiện trong đời họ…
Trồng rừng có giúp no hơn không?
Hơn 10 năm trước, chị Phạm Thị Diệu My cùng anh em trong Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã bắt đầu các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH), trong bối cảnh sự nhìn nhận của cộng đồng về BĐKH ở Việt Nam còn hạn chế. Thậm chí, ngày gặp chị, những người phụ nữ bên phá Tam Giang còn hỏi BĐKH nghĩa là gì…
Đánh cá cả ngày trên phá, có khi đến chiều tối mới về, lo chuyện áo cơm, nuôi con đã tối mắt, họ còn khoảng không nào để nghĩ đến những điều vượt khỏi mâm cơm, làm sao biết đến thuật ngữ BĐKH hay “sinh kế bền vững” xa xôi.
Chị Phạm Thị Diệu My - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) - Ảnh: Thuận Hóa |
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều phụ nữ nghèo sống nhờ vào con nước, ruộng đồng. Đó là cộng đồng ngày càng dễ bị tổn thương trước BĐKH và các tác động tiêu cực ngày càng trầm trọng. “Làm gì để giúp họ?” là câu hỏi chị Diệu My tự hỏi mỗi ngày, để rồi từ đó dự án trồng rừng ngập mặn khu vực phá Tam Giang, do CSRD kết hợp với Đại học Potsdam (Đức) ra đời.
Đây cũng là dự án vượt qua 47 đề tài nổi tiếng khác trên toàn thế giới, đoạt giải cao nhất tại Risk Awards 2021.
Để dân nghèo hiểu được tầm quan trọng của việc gầy rừng ngập mặn là điều vô cùng khó, bởi nó… chẳng mang lại miếng cơm nào. Ngay cả những người được dự án chọn cho công tác tuyên truyền cũng hỏi chị Diệu My: “Nếu chúng tôi truyền thông tốt cho bà con, giúp thay đổi nhận thức về BĐKH thông qua mô hình trồng rừng ngập mặn, bà con được hưởng quyền lợi gì?”.
Câu trả lời: “Sau 10 năm hoặc 20 năm, chị em sẽ thấy một vùng quê rộng lớn trên phá Tam Giang được phủ màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng ngập mặn. Nó sẽ bảo vệ bà con mình, chắn gió, chắn sóng, giảm nhẹ thiệt hại mỗi mùa mưa bão về…”, ở thời điểm đó dường như cũng trừu tượng như chính khái niệm về BĐKH đối với họ.
Không nản lòng, chị Diệu My cùng các thành viên của dự án tìm kiếm cách tiếp cận gần gũi, phù hợp hơn. Một trong đó là tổ chức những vở kịch cộng đồng để chị em cùng tham gia. Cụ thể, những kiến thức liên quan đến BĐKH và thời tiết cực đoan, kết hợp với các tình tiết, câu chuyện mà người dân địa phương đã trải qua trong thực tế, được dùng để thiết kế thành nội dung vở kịch. Hóa thân vào các nhân vật, câu chuyện trong vở kịch ấy không ai khác chính là những phụ nữ ngày ngày cúi mặt cho nước, giơ lưng cho trời.
Những cánh rừng ngập mặn đang dần phủ kín mặt nước phá Tam Giang - Ảnh: Thuận Hóa |
Trải qua biết bao trận bão lũ, người dân thôn Vĩnh Trị, làng Thái Dương Hạ, xã Hải Dương (TP. Huế) đã quá thấm thía với nỗi tang thương do thiên tai. Nhất là trận lụt xảy ra vào tháng 11/1999, còn được gọi là “đại hồng thủy 1999”, gây ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung ngày nào. Ngày đó, rất nhiều người của làng đã ra đi mãi mãi. Đất bị xé rách, kéo thẳng xuống biển, kéo theo những nhà, những người… chỉ trong chớp mắt. Có người, trong một đêm mất cả 12 người thân: cha, mẹ, anh, chị, vợ, con…
Có lẽ đó là lý do lớn nhất để chị Diệu My nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của dân làng, để rồi tại chính nơi mà hơn 20 năm trước những con nước từng xé đất tạo ra một cửa biển mới, màu xanh của 3,2ha cây bần chua xuất hiện như tấm khiên, nhắc nhở những mất mát đã từng và ngăn tang thương ấy không lặp lại. Sau những nghi ngại và thờ ơ, giờ người dân nơi đây không chỉ hiểu mà còn ngập niềm vui, khi được tự tay tạo nên màu xanh cho vùng quê vốn chịu nhiều khắc nghiệt thời tiết này, hy vọng nỗi đau cũ đừng lặp lại với ai.
Ống quần không còn xoắn lò xo…
Ngày đầu, chồng chị Lê Thị Hoa (thôn Vĩnh Trị) cứ thấy vợ đi trồng cây là… ngứa mắt. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, từ chỗ càm ràm vợ “bao đồng” khi việc nhà lo chưa xong, anh chuyển sang nài nỉ vợ xin thêm vài vạn cây về trồng. “Giờ hả, ổng tự nguyện cùng mấy ông chồng khác trong chi hội phụ nữ thôn lập ra đội tự quản bảo vệ cánh rừng ngập mặn. Ngày nào không đi ra kiểm tra rừng là ổng chịu không nổi” - chị Hoa cười, che miệng kể.
Thật ra, với chị Diệu My, thành quả lớn nhất mà chị và cộng sự nhận được từ dự án, không phải là bao nhiêu vạn cây xanh đã được trồng xuống vùng đất khắc nghiệt này, hay bao nhiêu người đã được hỗ trợ sinh kế. Cái ngày chị đặt nét phác thảo cho dự án, cụm từ “trao quyền cho phụ nữ” là những chữ đầu tiên chị viết.
Phụ nữ thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, TP. Huế chăm chút từng mầm xanh, gầy dựng rừng ngập mặn trên phá Tam Giang - Ảnh: Thuận Hóa |
Ở dải đất miền Trung này, những người mẹ, người vợ vẫn còn chịu nhiều định kiến bị đóng khung trong hai chữ “gia đình”. Thay đổi điều đó là thay đổi nhận thức không chỉ của cá nhân, mà của cả xã hội, và nhận thức cũng đi cùng kiến thức. Từ một, hai người đầu tiên, thảm xanh nơi đây giờ là sự dốc sức của hơn 400 phụ nữ, đi cùng với sự phát triển của thảm xanh ấy là sự tự tin hơn trong giao tiếp, trong các hoạt động cộng đồng; là kiến thức không còn mơ hồ về những điều đã và sẽ xảy ra bởi thiên tai.
Nói một cách nào đó, điều mà những người phụ nữ nơi đây nhận được là nhận thức về quyền của chính mình. Từ đó, họ, những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị thiệt thòi, dễ chịu tác động bởi BĐKH và những điều khác, trở thành người được trao quyền quản lý rủi ro thiên tai. Như cách họ hài hước nói về mình, là với những gấu quần luôn được xắn lên cao nên thả ra thì cuốn như chiếc lò xo, giờ đã được vuốt thẳng thớm!
Cánh rừng ngập mặn hình thành và rộng thêm mỗi ngày bằng yếu tố khác biệt lẫn quyết liệt: “Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường”. “Chính yếu tố này đã giúp dự án chiến thắng tại giải thưởng Risk Awards 2021, nhận được phần thưởng trị giá hơn 118.000 USD. Cây đứng vững nhờ gốc, còn trong sự vững bền của xã hội không thể thiếu vai trò của người phụ nữ”, chị Diệu My lý giải.
Riêng bà Mami Mizutori - đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai - thì không tiếc lời: “Dự án trao quyền cho những phụ nữ đang ở tuyến đầu của việc chống BĐKH, điều này chứng minh rằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng”.
Thuận Hóa
Chia sẻ bài viết: |
3 giám đốc trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng bị HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt cải tạo không giam giữ.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Ngày 21/11, UBND TPHCM đã có quyết định ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị số 1...
Chiếc xe gom rác chạy trên cầu treo Bình Thành (Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì bất ngờ lao xuống sông Hương khiến 2 người trên xe mất tích.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các địa phương có dự án cao tốc đi qua tại khu vực ĐBSCL để gỡ những khó khăn đang vướng phải.
Ngoài trụ sở UBND quận 1, trụ sở Cục Hải quan, đền thờ Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ kiểm duyệt ty... cũng được xếp hạng di tích đợt này.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện đã có dự án đường sắt riêng để kết nối Hà Nội - Lạng Sơn và TPHCM - Cần Thơ.
Việc triển khai các biện pháp xử lý bao gồm cả dự án, công trình dừng thi công, chậm tiến độ, trụ sở, công sở không hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
TAND tỉnh Long An vừa tuyên tử hình đối với bị cáo Mển về hành vi vận chuyển 25kg ma túy qua biên giới.
Ngày 20/11, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.
ĐBQH Dương Khắc Mai khẳng định, nguồn lực trong dân còn rất lớn, nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn, người dân sẵn sàng mua.
Sau tiếng động mạnh, nam công nhân được nhiều người khác ôm ra khỏi công trình, đưa lên xe đi cấp cứu.
Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã bàn giao 100% mặt bằng, chỉ còn khoảng 200m tuyến nối nằm trên địa bàn TP Cần Thơ vướng bãi rác.
Hơn 6.000 thầy cô và sinh viên, học sinh ở TPHCM tham gia, loại bỏ gần 21.500 sản phẩm quảng cáo tín dụng đen, quảng cáo sai quy định.
Hơn 700 người đã tham gia chạy việt dã trên đường gốm và hoa dài nhất Việt Nam tại Vĩnh Long.
Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 12 bị can bị truy tố trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại VNCERT.