PNO - Phần lớn, những nữ bệnh nhân ung thư đang lưu trú tại Mái ấm Thanh Liên (5/21 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) phải một mình đối diện với bệnh tật. Trong hoàn cảnh ấy, họ đã yêu thương nhau như người thân để động viên nhau vượt lên nghịch cảnh.
Lên đến bậc thang cuối cùng ở ngôi nhà chung của nhiều bệnh nhân ung thư, chị Trương Thị Thủy ngồi phịch xuống sàn nhà, ngay giữa lối đi, để thở. Tay chị lùng nhùng dây nhợ nối với một lọ thuốc bọc trong túi áo. “Má Phượng ơi, con về rồi” - chị gọi rồi thả mấy bịch ni-lông xuống sàn nhà. Cửa phòng chậm rãi mở ra. Người đàn bà gần 70 tuổi khắc khổ với những nếp nhăn chằng chịt trên mặt và làn da xám ngắt bước ra, ngồi rũ xuống kế bên chị Thủy.
Dù dặn nhau đừng khóc, nhưng nước mắt vẫn ướt đẫm trong câu chuyện của những nữ bệnh nhân ung thư một mình chống chọi với bệnh tật với nỗi lo tiền đâu để điều trị tiếp?
Bà là Nguyễn Thị Phượng, từ Đắk Lắk xuống Bệnh viện Ung Bướu TPHCM điều trị căn bệnh ung thư vòm hầu giai đoạn cuối hơn một năm nay. Năm 2020, cảm giác đau, ù tai xuất hiện và kéo dài khiến bà Phượng khó chịu. Đi khám ở quê bà được chuẩn đoán bị viêm tai giữa mãn tính, tắc vòi màng nhĩ. Hơn nửa năm sau, thấy tình hình không thuyên giảm, bà xuống TPHCM và được các bác sĩ ở Bệnh viện Tai - Mũi - Họng kết luận, bị ung thư vòm hầu.
Hoàn cảnh khó khăn, bà Phượng về bán đi sào rẫy - tài sản duy nhất bà có - để có tiền trị bệnh. Trị bệnh xong cũng là lúc bà Phượng trở thành người không nhà, phải sang ở nhờ nhà con gái. Tháng 4/2022, bà trở lại bệnh viện tái khám thì được biết tế bào ung thư đã di căn sang phổi. Đi lại tốn kém, khó khăn nên một mình bà ở lại bệnh viện để điều trị cho đến nay. Tiền bạc cạn kiệt, bà được giới thiệu về tá túc tại mái ấm dành cho bệnh nhân ung thư. “Con tui nghèo khổ với bốn đứa con nhỏ, giờ lại phải cưu mang thêm mẹ già bệnh tật. Cuộc sống nặng nề quá nên nhiều khi nó nói những câu khiến mình buồn lòng” - bà Phượng khóc, kể về những ngày bệnh tật hành hạ khiến mình trở thành gánh nặng cho con cái.
Thấy bà Phượng khóc, chị Thủy ngồi kế bên an ủi: “Đã nói là đừng khóc rồi mà cứ khóc hoài”. Nói xong, chị nhận ra nước mắt mình cũng lưng tròng. “Hình như từ ngày mắc bệnh, ai cũng mau nước mắt” - chị bào chữa khi đưa bàn tay lùng nhùng dây nhợ lên quẹt nước mắt.
Chị Thủy quê Bến Tre, đang “chiến đấu” với căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn IV. Năm 2020, chị được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng “bóp bong bóng”. Các bác sĩ cho biết bệnh của chị không còn phần trăm nào nữa, thế nhưng vì thương con, chị cố gắng vay mượn để điều trị. “Ở quê, nhờ có cái sạp ngoài chợ, tôi ráng còng lưng nuôi con học cao đẳng, rồi con xin học liên thông đại học để cơ hội việc làm dễ dàng hơn. Con chưa kịp ra trường thì phải gánh món nợ hơn 100 triệu đồng của mẹ vay mượn để chữa bệnh” - chị Thủy tâm sự.
Thương con, nhiều lúc chị Thủy đã muốn bỏ cuộc khi trong người không còn một đồng. Thương hoàn cảnh của chị, một người đã chỉ chị đến Mái ấm Thanh Liên - nơi đang cưu mang những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, và chị may mắn được nhận vào ở. Suốt hai năm qua chị chưa một lần về thăm nhà, phần vì sức khỏe quá yếu mà không có người dìu đỡ, phần vì những bất tiện khi phải mang hậu môn giả. Năm ngoái, khi nghe tin chị gái mất dưới quê, chị ngồi khóc một mình và hứa sẽ về thắp nhang trong ngày giỗ đầu. Nhưng rồi chị cũng không về được. “Tui ở đây riết rồi không nhớ mặt quê hương, bệnh có nặng nhẹ gì cũng tự mình đối mặt” - chị Thủy khóc.
Thương nhau như người nhà
Trong mấy bịch ni-lông chị Thủy mang về có một bông cải xanh, hai củ cà rốt, nắm đậu cô ve và mấy trái dưa chuột do một nhóm từ thiện phân phát. Chỉ có 250g xương heo là chị phải mua. Đó là “bữa tiệc” hiếm hoi mà họ có được trong những ngày dài sống nhờ cơm từ thiện.
“Lâu lâu, sợ thiếu máu, không vô thuốc được, họ phải mua ít xương về nấu canh rau củ cho dễ húp. Mấy bữa thấy má Phượng đi xin cơm về mà nuốt không được, tôi kêu chịu khó mua ít gạo, xin rau củ từ thiện về nấu cơm mấy cô cháu ăn chung” - chị Nguyễn Thị Lan, người tài trợ 30.000 đồng cho bữa ăn lên tiếng.
Trong những người ở cùng tầng trên cùng của Mái ấm Thanh Liên, chị Lan là người “còn có vài đồng” nhờ thỉnh thoảng được anh chị gửi lên cho. Thế là, cứ mươi bữa, nửa tháng, chị lại đưa chị Thủy vài chục ngàn đi mua thịt, mua xương về nấu cho cả tầng cùng ăn.
Chị Lan là phụ nữ đơn thân, làm công nhân cho một công ty giày ở Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Từ khi có lệnh giãn cách vì dịch, chị thất nghiệp, cũng là lúc nhận thấy sức khỏe yếu dần. Đầu năm 2022, đi khám, chị phát hiện bị ung thư cổ tử cung. 100 triệu đồng dành dụm bao nhiêu năm làm lụng nhanh chóng ra đi. Không tiền bạc, không người thân bên cạnh, chị Lan suy sụp. “Hơn hai tháng nay, nó nằm miết trong phòng không dậy nổi. Ba ngày trước tui thấy đầu nó bẩn, nên đỡ nó xuống dưới cho người ta gội dùm. Nay nó đã tỉnh táo phần nào, có thể đi lại trong nhà. Hôm nào mấy cô cháu có sức khỏe để ngồi được với nhau là mừng” - bà Phượng nhìn chị Lan với ánh mắt lo lắng.
“Má Phượng chuẩn bị đi với con, tới giờ rồi” - chị Lan nhắc. Đó là giờ bà Phượng dìu chị qua bệnh viện để kiểm tra, chuẩn bị cho đợt xạ trị mới, bởi chị gần như không thể tự đi được. Tác dụng phụ của hóa chất khiến chị không chịu được ánh sáng. Mỗi lần bước ra khỏi nhà, hoặc bật đèn trong phòng, trống ngực chị đánh dồn dập và có cảm giác gai người như bị kim châm. Biết vậy, nên đêm về, những người ở cùng tầng không bật điện mà chỉ dò dẫm trong bóng tối. Điều đó khiến chị biết ơn và cảm giác như đang được chở che. “Tụi em ai cũng khổ, ai cũng cô độc, nên tự nhiên thương yêu đùm bọc nhau” - chị Lan nói khi bám chặt lấy cánh tay gầy guộc, nhăn nheo của bà Phượng, bước từng bước thận trọng xuống cầu thang.
Cùng tầng ba còn có bà Nguyễn Thị Hoa, quê Bình Định, bị ung thư tuyến giáp di căn. Khổ cho bà, vào Sài Gòn chữa bệnh mà lòng chẳng yên khi người chồng 90 tuổi ở quê cũng đang bệnh tật nhưng không người chăm sóc. Mấy hôm trước, tiền bạc, thuốc men cạn kiệt, bà liều bắt xe về quê để vừa chăm sóc chồng, vừa kiếm nơi vay mượn để trở vô điều trị tiếp.
Mọi đóng góp của bạn đọc hảo tâm giúp bà Nguyễn Thị Phượng, chị Trương Thị Thủy, chị Nguyễn Thị Lan và bà Nguyễn Thị Hoa trị bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ Nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TPHCM, số 007.100.1049165, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TPHCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay người bệnh. Xin trân trọng cảm ơn.
Nhờ tấm lòng của bạn đọc Báo Phụ Nữ TPHCM, tôi tiếp tục chiến đấu
Khi biết đứa con trai nhỏ bị u não ác tính, tôi đã quyết định buông tay, chấm dứt hành trình sáu năm đằng đẵng chống chọi với căn bệnh ung thư đại tràng của mình để dành những gì còn lại cho sự sống của con. Sau đợt xạ trị đầu tiên cho con, tôi đã nghĩ đến việc sẽ về quê dùng khoảng thời gian còn lại đi làm thuê, làm mướn, gom góp tiền để lo cho đợt điều trị tiếp theo của con.
Mẹ con chị Lý trong những ngày chống chọi bệnh tật
May mắn là, trong những ngày bế tắc ấy, tôi nhận được gần 30 triệu đồng tiền hỗ trợ từ bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM. Cầm số tiền trên tay, tôi mừng rơi nước mắt, bởi đó là số tiền lớn tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới trong hoàn cảnh của mình.
Tôi chi 18 triệu đồng để thanh toán cho những lần xạ trị của con. Phần còn lại đã tiếp thêm sức mạnh để tôi trở lại bệnh viện điều trị tiếp sau một kỳ bỏ thuốc. Hiện tại, những ngày không vô thuốc, tôi vẫn cố gắng ra chợ làm việc để kiếm thêm tiền lo cho mình và con. Cảm ơn Báo Phụ Nữ TPHCM đã kết nối và cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã hướng đến gia đình tôi trong nghịch cảnh. Số tiền không chỉ giúp chúng tôi trang trải viện phí, mà còn là sự động viên rất lớn để tôi quyết tâm tiếp tục chiến đấu vì sự sống của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định địa phương sẽ ưu tiên đầu tư nước sạch, giai đoạn 2026-2030 dành hơn 1.116 tỉ đồng đầu tư nước sạch nông thôn.