edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày mưa bão, chị Quế, chị Phi, chị Hòa và chị Loan vẫn ra biển tìm rau
“NGHIỆP” VÀ “NGHỀ”
Từ tháng 11 đến tháng Sáu Âm lịch, người dân Ninh Hải gọi là mùa cạy rau (một loại rong biển mọc ở độ sâu từ 2 - 12m dưới lòng biển). Bà Phạm Thị Hồng, 58 tuổi, ở thôn Mỹ Tường, xã Thanh Hải, là một trong những người đàn bà đầu tiên của xứ này làm nghề lặn biển kể: “Thời tôi còn bé, sương sa tự trôi dạt vào bờ, chỉ vớt bán kiếm tiền. Khoảng năm tôi 13, 14 tuổi, mấy chị em rủ nhau lặn xuống biển để hái được nhiều sương sa hơn. Ban đầu chỉ có tôi và hai người em chú bác ruột, dần có nhiều người làm theo, lên đến cả chục chị. 45 năm rồi, đến đời con tôi vẫn đi lặn”.
Theo bà Phạm Thị Sinh - Trưởng ban Dân vận, Huyện ủy huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, tính từ thời bà Hồng đến thời của những người thuộc hàng con cháu của bà, xã Thanh Hải đã có hàng trăm phụ nữ làm nghề này. Tuy nhiên, do vất vả, giờ ở xã chỉ còn hơn 10 nữ thợ lặn là các chị: Lê Thị Hoa, Lê Thị Sen, Lê Thị Nở, Lê Thị Loan, Lê Thị Phụng, Lê Thị Lân, Phạm Thị Hòa, Trần Thị Phi, Nguyễn Thị Chương, Nguyễn Thị Quế, Lê Thị Dậu. Phần lớn các chị nối nghiệp mẹ, dì. Khoảng 10 năm nay, nghề cạy rau được thay thế cho nghề lặn vớt sương sa.
Chị Lê Thị Dậu cho biết: “Nghề lặn biển vất vả và nguy hiểm nhưng sống được. Ngoài rau, có khi còn vớ được cả ổ ốc nhảy, cá bống mú, tôm hùm… bán cả trăm ngàn đồng”. Chị Trần Thị Phi, 52 tuổi, ở thôn Mỹ Phong khẳng định: “Làm còn vì vui nữa! Những tháng biển động, phải đi hái ớt, bón phân cho mấy đám rẫy thì… thèm biển lắm!”. Các chị cùng theo nghề năm 13, 14 tuổi cho đến ngày có chồng, có con. Chị Phi kể, lúc nhỏ chị lén mẹ mua gương (kính bảo vệ mắt), sắm dao đi lặn. Mẹ chị phát giác, la mắng, đánh đòn con gái, rồi quăng mớ đồ nghề ra giữa sân, nói: “Nếu con làm thì phải sống chết luôn với nghề và cấm không than khóc gì với mẹ!”. 38 năm qua, chị đã sống cùng nghề. Các chị đều nói: “Cái nguy hiểm dưới nước không bằng cái thiếu ăn, đói mặc ở trên bờ”. Động lực đưa các chị ra biển chính là bữa cơm có thịt cá cho chồng con, là quyển sách, cái cặp, cái áo để con được đến trường.
Ngày mưa bão, họ vẫn ra biển tìm rau
NGUY HIỂM CHỰC CHỜ
Do không có ống khí thở và dụng cụ bảo vệ tai, nên cách lặn duy nhất của chị em ở Ninh Hải là … nín thở! Vì vậy, 100% phụ nữ lặn biển đều bị viêm tai, có người do không chữa trị còn bị điếc như bà Hồng, chị Phi, chị Dậu… Xã Thanh Hải từng có người bỏ mạng vì vọp bẻ, bị nước xoáy cuốn. Công cụ lặn của các chị rất thô sơ, chỉ một cái gương lặn, một con dao và một cái phao tự chế. Chị Phi nói: “Bộ trang phục lặn biển như mấy ông thợ trên ti vi hơn ba triệu đồng, còn cái gương lặn tôi mang chỉ 25.000đ, con dao 30.000đ. Bộ phao thì đi lượm xốp cột lại, là xong”.
Nhắc tới dụng cụ đi biển, bà Hồng kể: “Xưa chúng tôi lặn mình không, cứ nín thở, mở mắt rồi trồng chuối, nhìn xuống đáy biển để nhổ sương sa. Buổi lặn cao nhất là hai tiếng đồng hồ, lúc lên bờ mắt mũi cay xè. Khoảng vài tháng sau, một chị lấy dây nhựa viền vỏ xe ô tô, cắt, gọt, rồi ráp nó với một cái gương trong suốt, lấy keo dán, làm dây chụp vào. Nhìn thấy ngon lành, tới chừng đeo vô, xuống biển bị sóng dập một cái, thì… chỉ còn sợi dây lòng thòng trên cổ! Sau, tụi tôi phát hiện loại keo con chó để dán giày, cả nhóm cùng sử dụng làm ra gương mới. Làm phao thì chế bằng cách vá lại từng khúc ruột xe, bơm hơi đeo. Khi lặn, phải thủ con dao, đề phòng phao bị vướng lưới, vướng dây”.
Theo chân các chị ra mũi Đá Ken sau những ngày mưa bão, mới thấy hết nỗi khổ cực. Trời lất phất mưa, tôi hỏi: “Liệu có thể lặn và tìm được rau không?”. Mấy chị đoan chắc: “Làm sao mà không có! Biển không động là lặn được”.
Chị Nở vừa nheo mắt cười, vừa quấn cái khăn rằn cũ xì trùm lên đầu, đeo gương, buộc phao lên người, cầm dao giơ cao: “Phải như vầy mới xuống biển được”. Mấy chị cùng cười: “Bộ đồ tiện lợi lắm, lặn xuống, không bị cá mao cắn, không bị nhum đâm, có bị sóng dập té vô hang cá rô cũng không bị nó cạp vào mông. Chừng lên bờ, có thể để nguyên, chở rau, cá, tôm đi bán…”.
6g sáng, chúng tôi đứng trên bờ lạnh run, nhưng các chị vẫn lội ào ra biển. Mưa nặng hạt, họ cứ trồi lên, hụp xuống. Gần 10g, tất cả mới lên bờ, môi tím tái, nhưng ai cũng tươi: “Chừng này rau được khoảng 50.000đ”.
Hôm sau, đúng hẹn, 6g tôi có mặt ở bến Rọc Sâu, xã Thanh Hải. Hôm nay chỉ có hai chị em Sen, Nở. Sen cho tôi ngồi thuyền thúng, đẩy ra giữa biển rồi cột thuyền vào cái giàn treo trữ cá tôm của ngư dân gần đó để xem các chị lặn. Lặn một lúc, Nở trồi lên, tay giơ con ốc nhảy bé xíu: “Bắt được nó nè”. Tay kia chị bụm thêm một bụm rau. Ốc nhảy mùa này con lớn bán tại gốc giá đã 80.000đ/ký. Gặp những con ốc tai tượng to là coi như thu hoạch món hời. Nhưng chỉ hơn một tiếng sau, hai chị em cùng trồi lên, mặt mày xanh xám. Sen níu thúng, thở dốc rồi cố đẩy thúng vào bờ. Ngồi nghỉ một lúc, chị mới giải thích: “Chúng tôi bị sóng ngầm quật!”. Hóa ra mặt biển yên lành, nhưng lòng biển đang cuộn sóng.
Chị Nở vui mừng vì mò được con ốc nhảy
XÂY ĐẮP GIA ĐÌNH
Các chị kể, xưa chồng chị Phi theo ghe đi biển nhưng bạn nhậu của anh nhiều hơn bạn làm. 14 năm trước anh chết sau một trận nhậu vì ngộ độc rượu, bỏ lại cho chị năm đứa con nheo nhóc. Chị Phi cấm con làm nghề lặn biển. Chị nói: “Cả đời mình cơ cực rồi. Cách đây 10 năm, có hai cô bé ở Mỹ Tân, 13, 14 tuổi rủ nhau theo đội lặn cùng chết đuối. Từ đó đến giờ không ai ở xã này cho con theo nghề lặn biển”.
Căn nhà chị Sen cất năm 2012 hơn 500 triệu đồng. Chị Hòa, chị Nở, chị Loan, chị Dậu, chị Chương cũng đã xây được nhà tường khang trang. Chị Hòa dẫn tôi thăm nhà giữa cánh đồng hành. Trong nhà, hai con chị học bài ê a. Chị tự hào: “Tôi lấy chồng về đất rẫy, nhưng từ đầu đã thỏa thuận với anh ấy để tôi đi biển. Nhờ vậy mới cất nổi nhà, cho ba đứa nhỏ ăn học. Đứa lớn lên lớp 7, đứa nhỏ lớp 5, út lớp 2 rồi”. Người cơ cực như chị Phi thì cũng không để con phải đói bữa nào.
Người lặn giỏi nhất, cũng là người trẻ nhất nhóm là Sen. Sen sinh năm 1979, con gái thứ tư của bà Hồng. Chị kể: “Ngày trúng, có thể được 200.000-300.000đ, ngày thường cũng hơn 150.000đ. Gấp đôi, gấp ba công lao động trên đồng, nên phải chịu khó làm”. Sen có thể ra đến vùng nước sâu 8-10m. Ba lần sinh con, lần đầu Sen vác bụng bầu đi biển cho đến trước lúc sinh chỉ một ngày. Con chưa đầy tháng, mẹ đã ra lặn biển. Đứa thứ hai, Sen nghỉ bảy ngày do chưa tới con nước. Duy chỉ cậu út, sinh trong tháng Tám, lỡ mùa rau nên được mẹ Sen chăm đến hơn hai tháng. Sen nói: “Trời mưa, càng gió lạnh bao nhiêu thì biển càng trong và ấm áp bấy nhiêu. Ngay lúc đàn ông không ai dám ra khơi thì cứ vài ngày chị em chúng tôi lại rủ nhau đi lặn”.
Chồng Sen, anh Đỗ Chót làm nghề đi cộ hàng (chở nông sản từ rẫy giao cho các chợ đầu mối). Anh lo luôn phần cả chợ búa, cơm nước hàng ngày. Trong khi tất cả chị em vớt rau lên đều bán tươi thì Sen lại mang rau về cho chồng phơi. Hôm sau, rau khô, tối vợ chồng con cái cùng cắt gốc, bán được giá cao hơn.
Con gái lớn của Sen nay học lớp 8. Hai cậu con trai học lớp 5 và lớp 2. Năm 2012, Sen cất được căn nhà khang trang ở thôn Mỹ Tường, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Anh Đỗ Chót nói: “Vợ siêng năng quá, tôi phải theo thôi”.
NGHI ANH