Đến nay, có chị đã xa chồng xa con 25 ngày. Nếu có ghé về nhà để dưỡng sức vài hôm thì những dòng tin nhắn “bà con đang lạnh lắm chị ơi”, những tấm hình kèm theo chú thích “gia đình này đã bị lũ cuốn trôi hết cả rồi chị ạ”, khiến họ ngủ không yên, lại gói ghém hành trang và huy động nguồn lực để lên đường.
Tôi gọi để hẹn gặp chị Mậu Thị Thu Sương (tên thường gọi là Tuyết Nhuận) ở Đà Nẵng, nhưng quá khó. Lúc thấy chị ở Huế, ngày sau chị đã ở Quảng Bình, Quảng Trị, thoắt cái đã ở Quảng Nam đi mua tôn và thép về lợp nhà cho bà con bị ảnh hưởng từ bão và sạt lở.
Tính đến hôm nay, chị Nhuận và chồng đã xa nhà 23 ngày. Ở đâu có người cầu cứu, chị lại đứng ngồi không yên.
|
Khi bà con cần giúp đỡ, chị Tuyết Nhuận không thể ngồi yên (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Làm kinh doanh, nhưng gặp dịch COVID -19, công việc của chị Tuyết Nhuận giậm chân tại chỗ. Không có nguồn thu để trả tiền cho nhân viên, chị chuyển sang trồng rau quả sạch. Mọi người nghĩ chị chuyển hướng sinh lời khác trên 2,5 hecta cây trái ấy, ai ngờ chị bán thì ít mà cho và đổi thì nhiều. “1 kí ổi đổi 2 kí gạo”, số gạo thu được để giúp sinh viên và bà con nghèo.
Nhiều người bảo chị “dở hơi” khi bỏ công bỏ của để vun từng gốc cây, chuốt từng búp măng, tay chân nhiều khi tứa máu chỉ để làm việc “bao đồng”. Chị chỉ cười: “Cũng có lời chút chút, lời là thấy được nhiều nụ cười trong khốn khó”.
COVID-19 tạm lắng thì mưa bão lại ập về. Thấy bà con vùng lũ ngồi trên nóc nhà cầu cứu, người phụ nữ gốc Quảng Nam quay sang hỏi chồng: “Mai em đi Huế, anh có đi cùng không?”.
|
Tấm hình hiếm hoi của vợ chồng chị Tuyết Nhuận trong chuyến đi cứu trợ, vì họ chẳng còn thời gian cho những giây phút riêng tư (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Gần 30 năm sống bên nhau, anh Thiều Đình Cúc không lạ cái tính “đã nói là làm” của vợ. Dẫu có chút lo lắng vì tuổi tác 2 vợ chồng đã xấp xỉ lục tuần, nhưng để vợ xông pha giữa mưa gió, anh không đành.
Khởi hành, anh chị dự trù tặng 500 suất quà cho bà con vùng lũ, bao gồm gạo, đèn pin, áo phao và một số nhu yếu phẩm khác. Chị Tuyết Nhuận âm thầm tìm hiểu giá của từng sản phẩm để có thể mua hàng được tận gốc với hy vọng “mỗi thứ rẻ được chút để có thêm phần cho nhiều người cần giúp đỡ”.
|
Những người bạn đồng hành, chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết cùng chị Nhuận lên đường (Ảnh nhân vật cung cấp) |
|
|
Dù không lên tiếng kêu gọi, nhưng bạn bè và một số hộ kinh doanh thấy việc làm ý nghĩa của chị nên đã nhiệt tình đồng hành. Điều đặc biệt, đa phần trong số họ là nữ.
Khi được hỏi về mình, chị Nhuận rất kiệm lời nhưng hào hứng kể về những người bạn. Liên An là cái tên được chị nhắc đến khá nhiều. Đó là một phụ nữ đang eo hẹp về kinh tế nhưng dư giả sự tận tâm.
Gia đình khó khăn, thuở nhỏ chị Liên An không có cơ hội được học hành trọn vẹn. Chồng làm công nhân, cũng đang thất nghiệp vì COVID-19, con trai học cấp II, ba con người chật vật trong căn phòng trọ 6 mét vuông ở Bình Dương. Xoay xở đủ nghề nhưng gia đình chị không thoát cảnh thiếu trước hụt sau.
Được sự giúp đỡ của bạn bè, chị Liên An mở cửa hàng bán sỉ quần áo cho những người đi chùa. Tính xởi lởi xốc vác của chị được nhiều người thương nên buôn bán khá thuận lợi.
|
Lăn xả với bà con miền Trung 1 tháng tròn, sụt hơn 4 kí, nhưng chị Liên An vẫn đầy nhiệt huyết (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cũng như chị Nhuận, chị Liên An xem tivi, thấy bà con miền Trung mà cầm lòng không đặng. Chẳng hẹn mà hai chị em gặp nhau ở những vùng trũng nước ở Quảng Bình, Quảng Trị. Cùng với đó, chị Diệu Phúc, chị Nguyên Hằng… cũng gác lại chuyện gia đình, sắp xếp việc cá nhân để xung kích đến những vùng còn nhão nhoẹt bùn đất cứu trợ cho bà con.
|
Các chị quên đi mệt nhọc khi gặp được những người cần cứu trợ (Ảnh nhân vật cung cấp) |
May mắn của các chị là con cái đã lớn, có thể tự lập lúc mẹ vắng nhà. Ngoại trừ chị Phúc và chị Tuyết Nhuận có chồng đi cùng, các chị khác chồng không đi được nhưng nhiệt tình ủng hộ việc vợ làm.
Chồng chị Đào Thị Hồng Yến (ở Sài Gòn) dù bị tai biến nằm một chỗ nhưng vẫn vui vẻ để vợ ra miền Trung cứu trợ. Cứ 3, 4 ngày một lần, chị Yến lại bay về để đi chợ, chế biến sẵn thức ăn cho chồng và căn dặn các con thay mẹ chăm sóc cha.
|
Có những người phụ nữ chẳng ngại khó khăn để mang đến sự ấm áp với bà con miền lũ lụt (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Họ đi suốt các tỉnh thành miền Trung, từ Hà Tĩnh vào Bình Định, người đi ít nhất cũng đã nửa tháng. Ngày lội nước lội bùn, đêm về các chị ngủ tạm trên xe ô tô hay thuê nhà nghỉ ngủ tạm.
Bánh mì có khi khô khốc vì để lâu 4 ngày các chị vẫn ăn ngon lành, vì lương khô, xúc xích, bánh… cất giành phần bà con. Chứng kiến những cụ già chân lở loét, tay run bần bật mếu máo kể chuyện ăn mì tôm sống, các chị thêm quyết tâm đến với bà con.
Hôm bão số 7 ở Thừa Thiên Huế, đoàn của chị Tuyết Nhuận đang ở Phong Bình, Phong Điền. Nhìn cả làng bị cô lập bởi nước trắng xóa, gió rít từng hồi buốt óc, mọi người không ai dám ngồi trên thuyền đi ra.
Nghĩ đến cảnh bà con đói khát, đang thèm miếng cơm nguội cầm hơi, chị Tuyết Nhuận bước lên xuồng. Chồng chị thấy vậy cũng chạy theo để: “Nếu bả có rớt xuống thì vớt, chứ bả không biết bơi”. Những chiếc bánh ú, bánh chưng, bánh mỳ gói… cùng người chòng chành giữa biển nước.
|
Trao chút ấm cho trẻ em, mua tôn lợp lại nhà cho bà con bị tốc mái, họ cảm thấy bước chân mình nhẹ nhõm phần nào (Ảnh nhân vật cung cấp) |
|
|
Ra đến giữa dòng, chiếc ghe bị mắc lưới và gió tạt quá mạnh khiến cả người lẫn hàng suýt bị lật. May mắn có thuyền cứu hộ kịp thời, di chuyển đến 4, 5 vòng mới đến được với người dân. Ai nấy đều ướt sũng và lạnh, nhưng khi biết địa phương đợi đã lâu, họ quên mất mình vừa trải qua chuyến đi sinh tử.
|
Lội bùn, đi ghe, những người phụ nữ có tuổi ấy đã không còn biết mệt (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đến Trà Leng (Trà My, Quảng Nam) và các bệnh viện thăm người bị thương từ sạt lở núi, ánh mắt vô hồn cùng gương mặt thất thần của những con người vừa mất hết người thân, nhà cửa khiến chị Tuyết Nhuận và cả đoàn không kìm được nước mắt. Mọi người nhận ra “vật chất lúc này dường như không mấy giá trị, bởi bà con ở đây đã trải qua những giây phút khủng hoảng tâm lý nặng nề”.
|
Đến thăm và động viên những nạn nhân ở vụ sạt lở Trà Leng , Quảng Nam (Ảnh nhân vật cung cấp) |
|
|
Đi để chia sẻ, đến để cảm thông và xoa dịu phần nào đau thương mất mát với bà con trong nguy khốn. Kết thúc một hành trình, 2.000 tin nhắn trong điện thoại vừa cảm ơn, vừa cầu cứu lại khiến họ khó ngủ 1 giấc thật sâu.
Tầm tã 1 tháng trời sát cánh với bà con, người thân gặp lại các chị cũng không nhận ra vì ai nấy đều sút kí, gầy rộc. Chị Liên An cười tươi: “Mình xuống 4 ký, khỏi mất công giảm mỡ bụng”. Chị Diệu Phúc thì “khuôn mặt bầu bĩnh hôm nào giờ chỉ còn... chút xíu”...
“Còn lời hẹn với bà con ngoài Huế, Phú Yên, Bình Định… ”, nghĩ vậy chị Nhuận lại điện thoại cho chị Liên An, chị Hằng…và hỏi chị Yến có đi được nữa không. Họ dặn nhau ngâm nước gừng cho chân đỡ mỏi để bão tan lại cùng nhau đi tiếp.
Lâm Hoàng