Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than

07/06/2024 - 06:18

PNO - Trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra. Nếu chồng có gặp thất bại, chị tin mình sẽ làm được một "người phụ nữ thực sự"!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có đôi vợ chồng nọ phải sống xa nhau do anh chồng đang là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở nước ngoài.

Người vợ nhắn cho chồng: "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng một người phụ nữ". Ý chị nói anh có ngày hôm nay là do vợ. Chị có đôi chút kể công và nhắc khéo chồng rằng, gái có công chồng không được phụ.

Chần chừ một hồi, anh chồng nhắn lại: "Đằng sau một người đàn ông thất bại là một phụ nữ thực sự!".

Tin nhắn của chồng khiến người vợ ngồi lặng đi hồi lâu. Chị bắt đầu suy nghĩ, thế nào là một "người phụ nữ thực sự"?

Dòng thời gian quay ngược, hình ảnh người bà của chị ngày xưa qua lời mẹ chị kể là: Bụng bầu vượt mặt mà phải đội cả thúng gạo trên đầu, tay xách cái giỏ nặng trịch từ chợ về nhà. Chưa kịp đặt thúng gạo xuống thì những đứa con bu lại. Đứa 2 tuổi níu áo mẹ đòi bú, đứa 3-4 tuổi lẩn quẩn bên chân xem mẹ có mua gì ăn không. Đứa 5 tuổi trao được thằng em cho mẹ lật đật biến nhanh ra ngõ…

Người chồng đang bàn luận thơ văn với mấy ông bạn nhà trên ngó xuống, hàm ý "mẹ mày về rồi thì pha thêm ấm trà mới"… Ngoài vườn heo gà eng éc, quang quác, chạy tứ tung…

Hình ảnh người bà nhạt nhoà dần thì hiện rõ bóng người mẹ. Ngày xưa cha làm ăn khá giả, mẹ ở nhà nội trợ lo toan trong ngoài. Hết pha cho ông nội ấm trà lại sắc cho bà chén thuốc. Bầy con 5 đứa tươm tất thơm tho, đầy đủ. Thế cuộc thăng trầm, cha làm ăn thất bại vướng vòng lao lý. Chị không nhớ rõ lắm cảnh cơ hàn ngày ấy, nhưng hiện lên trong chị hình ảnh người mẹ chỉ biết từ nhà ra chợ, chọn cá tươi, rau ngon cho những bữa cơm tươm tất với bầy con tuổi đang lớn.

Ông chồng thích ăn ngon, cha mẹ chồng lại khó tính ăn uống, sáng sớm chị phải đạp xe đi cả chục cây số lấy hàng về bán. Lo toan trong ngoài, thuốc thang cho ông bà một tay người mẹ tảo tần.

Anh Hai học ở xa thấy mẹ cực khổ quá đòi bỏ học về nhà, mẹ cương quyết không cho: “Bằng mọi giá con phải học cho xong mấy năm đại học”. Chị Ba nản lòng không muốn thi đại học, mẹ khăng khăng bắt chị phải thi: “Cực khổ cách mấy mẹ cũng chịu được, miễn là các con không bỏ sách vở”…

Buôn bán chắt chiu, cuối tuần mẹ gom góp dắt các con đi thăm ba. Làm sao chị quên được những buổi tối náo nức chờ trời sáng theo mẹ lên chiếc xe đò, vượt qua biết bao nhiêu con đường bụi bay mù mịt, lóc xóc ổ gà, ổ trâu… Làm sao chị quên hình ảnh mẹ ngồi chăm chút cho ba từng miếng cơm chấm với ruốc, cắt từng miếng thanh long… Cuối cùng là cảnh họ bịn rịn chia tay.

Hết 2 năm lao lý, cha về nhà khi anh Hai vừa tốt nghiệp và chị Ba vào được đại học. Từ một người quen chỉ huy và ra mệnh lệnh, cha chị chỉ biết ngồi trông quán cho mẹ và đuổi mấy con gà. Bàn tay mẹ mỗi ngày một chai sần, héo úa, lần hồi cũng dắt được hết bầy con vào đại học, ra trường kiếm được việc làm.

Hình ảnh mẹ vừa mờ nhạt thì đến hình ảnh chị Ba với một đời chịu thương chịu khó và cả chịu đựng sự bôn ba, trắc trở của chồng. Đúng là mỗi người mỗi phần số. Chị Ba xinh đẹp, dịu dàng, học hành giỏi giang, nhưng dường như số phận luôn trêu ngươi chị với người chồng luôn sa cơ lỡ vận, đụng đâu thua đó.

Một tay chị Ba vun vén chắt chiu, cũng nhà cửa tuy không bề thế như người ta nhưng không đến nỗi, con cái chị Ba được học hành đàng hoàng. Chưa một ai nghe chị Ba thở vắn than dài, trách cứ ông chồng hay số phận…

3 người phụ nữ 3 thế hệ trong gia đình chị nói lên được ý nghĩa dòng tin nhắn của anh. Họ là những "người phụ nữ thực sự", luôn nhẫn nại đứng sau nâng đỡ người đàn ông thất bại.

Nhớ xưa rồi lại nghĩ nay, chị nghĩ, không ai muốn con gái mình phải khổ như bà, hay mẹ, hay chị Ba. Chị muốn con gái có người chồng biết lo toan, mang lại hạnh phúc cho vợ con. Chị không đi ngoài quy luật ước mơ của các bà mẹ.

Chị may mắn có được người chồng biết lo cho gia đình không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Chị biết, bất kỳ người phụ nữ nào cũng chỉ có một giai đoạn tuổi xuân. Bà chị, mẹ chị… không hạnh phúc như chị bây giờ vì những thất bại của những người đàn ông của họ và một đời họ cam chịu.

Thế nhưng vì sao, chưa bao giờ họ bật lên tiếng thở than? Chị lại lẩn thẩn suy nghĩ, không biết khi đội thúng gạo trên đầu bà chị đã nghĩ gì? Hay, khi ngồi suốt đêm làm những món ăn thật ngon để sáng mai đi thăm chồng, mẹ chị đã nghĩ gì?

Chị biết, xã hội ngày càng phát triển, sự đắn đo, toan tính hơn thiệt trong mỗi con người ngày càng lộ liễu. Chị khó có thể nói lên lời khuyên bảo con gái mình rằng phải chịu đựng như mẹ chị hay bà chị khuyên con gái, mỗi người phải vác thánh giá của riêng mình. Thế hệ con gái chị sẽ khác, văn minh, tân tiến hơn, cũng đồng nghĩa với việc làm một người phụ nữ thật sự sẽ rất khó.

Chị không muốn con gái chị cam chịu như đời bà, đời mẹ (ảnh minh họa)
Chị không muốn con gái chị cam chịu như đời bà, đời mẹ (ảnh minh họa)

Chị biết, ít ai có thể nở được nụ cười trong khổ ải. Và chị bỗng muốn cám ơn chồng về dòng tin nhắn. Trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra. Nếu chồng có gặp thất bại, chị tin mình sẽ làm được một người phụ nữ thực sự!

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI