Mở trường, xây cầu cho vùng xa
Những ngày cuối tháng 1, sau khi kết thúc chương trình tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ ở tỉnh Quảng Nam, ông Steve Bùi - Giám đốc, người sáng lập quỹ Next-G Foundation - vội vã lên chuyến bay vào TPHCM để chuẩn bị tham dự chương trình “Xuân quê hương” do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức.
|
Điểm trường tiểu học Họa Mi (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) được xây dựng từ quỹ từ thiện Next-G Foundation đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2023 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong tháng 1/2024, ông và các cộng sự dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Ngày 20/1, vừa khánh thành 2 chiếc cầu dân sinh ở xã Lượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang thì ngày 23/1, đại diện của quỹ từ thiện Next-G Foundation đã có mặt ở Bệnh viện Nhi Trung ương (TP Hà Nội) để tặng 200 suất quà tết cho bệnh nhi. Ngày 26/1, họ lại có mặt ở Trường tiểu học Chu Văn An (TP Hà Nội) để tổ chức chương trình “Xuân gắn kết - Tết yêu thương” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản nhưng ông Steve Bùi vẫn gắn kết chặt chẽ với đất nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư. Từ chỗ gắn bó, ông hiểu rõ những khó khăn của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Điều đó đã thúc đẩy ông thành lập quỹ từ thiện Steve Bùi và những người bạn. Càng làm, càng thấy cần thêm nguồn lực nên ngày 10/10/2020, ông và các cộng sự quyết định đổi tên quỹ Steve Bùi và những người bạn thành quỹ từ thiện Next-G Foundation với mong muốn có sự chung tay của cộng đồng.
Kể từ ngày thành lập đến nay, quỹ Next-G Foundation đã xây 14 cây cầu dân sinh, 5 đường nông thôn, 1 trường mầm non và thực hiện các dự án thắp sáng ở các khu vực khó khăn của vùng Tây Bắc với tổng kinh phí trên 25 tỉ đồng. Ông Steve Bùi cho biết, sau khi xây tặng trường, ở mỗi điểm trường, quỹ còn hỗ trợ thiết bị giảng dạy, quần áo, bữa ăn cho học sinh và theo dõi hành trình phát triển của các em trong 3 năm, 5 năm hoặc dài hơn để đánh giá sự thay đổi môi trường, xã hội nơi đó.
“Mấy năm qua, hoạt động chúng tôi gắn với miền Bắc nhiều hơn, hướng đến việc tạo ra ở mỗi cột mốc biên giới 1 mái trường để những đứa trẻ vùng xa có học thức, từ đó phát triển cuộc sống của mình. Tài sản quốc gia không chỉ là rừng vàng biển bạc mà còn là tri thức” - ông Steve Bùi nói. Quỹ từ thiện Next-G Foundation đã nhận được sự đồng hành của nhiều kiều bào ở Nhật Bản, các tập đoàn, công ty ở Nhật Bản cũng như bạn bè của ông ở khắp nơi.
Đưa thương hiệu Việt ra thế giới
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Ngọc Luận - kiều bào ở Úc, chủ thương hiệu cà phê nông sản Meet More, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - không ngừng trăn trở, tìm cách đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.
|
Ông Nguyễn Ngọc Luận và sản phẩm cà phê nông sản hiện có mặt ở các cửa hàng, siêu thị của nhiều nước - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ông cho biết, dịch COVID-19 chính là nguyên nhân khiến ông gắn kết sâu sắc hơn với quê hương. Ông kể: “Gia đình mình định cư ở Úc, còn mình thỉnh thoảng về Việt Nam điều hành công ty. Khi dịch COVID-19 bùng phát, mình đã đặt vé bay về Úc. Trong mấy ngày còn lại ở TPHCM, mình tranh thủ mang cà phê, trái cây do công ty chế biến sẵn đi phục vụ y, bác sĩ ở các khu cách ly. Càng đi, mình càng thấy Sài Gòn bị ốm nặng, thế là quyết định hủy vé về Úc vì không thể bỏ thành phố đi trong lúc này”. Cùng với quyết định ở lại, với nguồn lực sẵn có, ông Nguyễn Ngọc Luận kêu gọi bạn bè từ nước ngoài đóng góp thuốc men, thực phẩm để hỗ trợ các khu cách ly.
Sau đợt dịch năm 2021, ông lo phục hồi công ty. Những chuyến đến vùng xa để thu mua nông sản đã giúp ông thấy rõ hơn những khó khăn của nông dân: giá nông sản bán ra quá thấp, lại phụ thuộc vào một vài thị trường nhỏ lẻ. Khao khát nâng tầm giá trị nông sản Việt thôi thúc ông nghĩ đến việc chế biến sâu. Ông đã nghiên cứu và cho ra đời dòng cà phê nông sản xuất khẩu, nay đã có mặt ở 10 nước.
“Nếu xuất thô cà phê, giá rất thấp. Trái cây của mình cũng khó xuất tươi sang châu Âu. Do đó, công ty đã chế biến ra sản phẩm kết hợp giữa cà phê và 3-4 loại nông sản làm thức uống hằng ngày, tạo được giá trị mới. Mình vui vì sản phẩm do mình làm ra được người tiêu dùng trên thế giới đón nhận, giúp thế giới biết đến sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn. Cũng nhờ đó, mình có thể giúp nhiều nông dân các tỉnh yên tâm trồng trọt, sản xuất, tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động ở TPHCM” - ông nói.
Trăn trở với sự phát triển của quê hương
Bà Trần Tuệ Tri - kiều bào Singapore, thành viên ban điều hành Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Cố vấn cao cấp của Tổ chức Tư vấn chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Brand Purpose) - luôn tin tưởng vào vai trò tiên phong, đột phá của TPHCM. Theo bà, năm 2023, nền kinh tế thế giới biến động theo hướng đi xuống nhưng TPHCM vẫn có mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 5,8%. Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội sẽ là cơ sở để TPHCM phát huy hết tiềm năng của mình, tạo nên những đột phá mới.
|
Bà Trần Tuệ Tri phát biểu trong chương trình “Thương hiệu vàng TPHCM” năm 2023 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngoài công việc kinh doanh, bà Trần Tuệ Tri tích cực tham gia một số hỗ trợ chính quyền, như tham gia xây dựng thương hiệu cho TPHCM, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đưa ra những khuyến nghị nhằm định vị thương hiệu cho TPHCM. Điều bà mong ước là TPHCM quay lại tốc độ tăng trưởng 2 chữ số như trước. Muốn vậy, theo bà, chính quyền thành phố cần nắm bắt cơ hội từ Nghị quyết 98: “Chúng ta cần mọi thứ phải nhanh hơn, gọn gàng và quyết đoán hơn. Ví dụ, với công trình metro, chúng ta mất hơn 10 năm để xây 20km, từ đây đến năm 2035, muốn xây 220km, cần phải có sự đột phá”.
Cũng theo bà, cải thiện chất lượng cuộc sống là yêu cầu cấp thiết để TPHCM thu hút đầu tư. Chất lượng ở đây là không kẹt xe, không ngập lụt, mảng xanh tăng lên. TPHCM có sông Sài Gòn nhưng trên bờ chỉ có duy nhất 1 công viên (Bến Bạch Đằng, quận 1). Bà hy vọng TP Thủ Đức sẽ nhanh chóng có những công viên dọc bờ sông để người dân đạp xe, đi bộ. Những công viên dọc bờ sông không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bà Trần Tuệ Tri nhận định, năm 2023, Việt Nam có sự đột phá về quan hệ ngoại giao nên cần tận dụng cơ hội này để kêu gọi đầu tư, phát triển những ngành mũi nhọn như công nghệ, chip bán dẫn, nông sản. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư để tạo “sức mạnh mềm” từ giáo dục, y tế, giải trí, ẩm thực. Bà khẳng định: “Việt Nam có địa thế, địa hình thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi. Nếu có thêm “sức mạnh mềm” từ văn hóa, lịch sử cộng với việc nâng tầm quản trị và con người thì sẽ tạo nên những giá trị tốt hơn. Tôi tin đây là thời cơ mà TPHCM nên tận dụng để cất cánh”.
Cũng đặt niềm tin vào Nghị quyết 98, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng đây là điểm nhấn, giúp TPHCM phát triển mạnh hơn và các doanh nghiệp, kiều bào có thể yên tâm đầu tư. Ông mong lãnh đạo thành phố mạnh mẽ, quyết đoán để tận dụng thời cơ, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống: “TPHCM có khoảng nửa năm chờ Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 để sắp xếp, chạy đà. Tôi mong 2024 là năm tăng tốc của TPHCM”.
Tăng trưởng ổn định để thu hút sự đầu tư lâu dài Đi về thường xuyên, tôi nhận thấy đất nước đang có sức bật lớn, có sự chuyển mình so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang tăng trưởng nóng. Tôi mong rằng, Việt Nam tăng trưởng ổn định hơn để trở thành điểm đến an toàn và lâu dài của các nhà đầu tư chứ không chỉ là điểm đến trong thời gian ngắn nhằm lợi dụng các chính sách về thuế, giá cả. TPHCM là một trong những địa phương có những chính sách rất tốt dành cho kiều bào và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với trải nghiệm của riêng tôi, điểm tắc nghẽn của TPHCM chính là sân bay. Quá trình xuất nhập cảnh quá mất thời gian. Cửa ngõ là một trong những dấu ấn khi người ta đặt chân đến thành phố, do đó, cần tạo sự thuận tiện hơn. Ông Steve Bùi - Giám đốc quỹ từ thiện Next-G Foundation |
Nhiều hoạt động thu hút, vận động nguồn lực kiều bào Thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chính quyền TPHCM đã và đang tập trung thu hút, vận động nguồn lực này - đặc biệt là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân. TPHCM luôn dẫn đầu cả nước trong công tác thu hút nguồn lực kiều bào, với khoảng hơn 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với thành phố. TPHCM cũng có lượng kiều hối hằng năm chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Kiều hối chuyển về TPHCM thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế cả năm 2023 dự kiến đạt khoảng 8,92 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2022. Thời gian qua, nhất là trong năm 2023, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tham mưu, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, phối hợp triển khai có hiệu quả nhiều nội dung quan trọng, tiêu biểu như tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về các giải pháp thu hút, phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ thông qua các chương trình học bổng du học và cơ hội thực tập, làm việc trong các công ty, tập đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài của du học sinh Việt Nam, hội thảo “Nghị quyết 98/2023/QH15 với cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài”… Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM |
Thu Lê