Những "người chạy lại" ở Sài Gòn

24/06/2024 - 06:12

PNO - Trời gầm gừ, vài hạt gõ lộp độp trên mái tôn - nhạc hiệu của trận mưa sắp ào qua. Chị vội lấy tấm ni lông trùm tủ kiếng với những rau, những bún, những cuốn chả giò. Anh nhanh như chớp bưng dời bếp gas mini, quay tấm bạt ra cho phủ rộng, kéo bàn ghế vào trong để khách khỏi bị ướt.

Tạm xa Sài Gòn học chữ “thiện lương”

Sài Gòn như cô nàng đỏng đảnh với sáng nắng chiều mưa hay đùng cái tráo đổi quy luật, vợ chồng anh Hà Trạm Tài - chị Nguyễn Thị Xuân Hương vẫn tươi vui, hăng hái dọn ra dẹp vào. Anh chị đon đả chào tôi và câu chuyện của 7 năm trước ùa về với những tiếc nuối, ân hận, về những lỗi lầm mà có lẽ đó là “vết sẹo” đi suốt cuộc đời của gia đình anh chị.

Được trở lại Sài Gòn, được hòa mình trong dòng người đông đúc, ồn ã, được gặp lại muôn mặt thân thương là hạnh phúc lớn lao của anh Tài, chị Hương sau gần 5 năm cùng thụ án với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” tại trại giam Hàm Tân - Thủ Đức (Bình Thuận). 5 năm ly cách để gột rửa lỗi lầm, anh chị vẫn mang theo Sài Gòn trong tâm trạng ngổn ngang xen lẫn nhớ, buồn, đau và ray rứt.

Gia đình anh chị Hà Trạm Tài - Nguyễn Thị Xuân Hương và con trai (cả gia đình đứng bìa phải ảnh) tươi cười phục vụ “khách ruột”
Gia đình anh chị Hà Trạm Tài - Nguyễn Thị Xuân Hương và con trai (cả gia đình đứng bìa phải ảnh) tươi cười phục vụ “khách ruột”

Đó là tiếng cậu con trai giữa khóc thét: “Các chú ơi đừng bắt ba mẹ con, thả ba mẹ con ra!” trong buổi trưa tháng 3/2018, khi cảnh sát ập vào nhà trọ ở phường 5, quận 8, TPHCM vây bắt cặp vợ chồng.

Đó cậu bé út ngây thơ chưa đầy 3 tuổi phải rứt lìa khỏi vòng tay ba mẹ, và sau đó dì dượng đã đưa về cưu mang. Đó là dáng khệ nệ của mẹ bắt mấy chuyến xe từ TPHCM ra Bình Thuận thăm nuôi chị Hương với giỏ đầy trái cây nào táo, lê, xoài, sầu riêng, nào thịt kho, chà bông… Mẹ đem theo cả hành phi, đậu phộng rang để chị ăn mì bỏ vào cho đỡ ngán.

Tiễn mẹ ra cổng trại, chị Xuân Hương thầm nhủ: “Biết chừng nào mình được về, làm có tiền nuôi con và trả ơn cho ba mẹ già?”. Chị quay về sụt sùi trong đêm trắng giữa 4 bức tường phòng giam và trong trang thư gửi cho chồng (giam ở khu khác).

Rồi một ngày, anh chị đọc lại thật chậm những trang thư ấy và xé bỏ đi, thầm mong quãng đời tăm tối mãi lùi về dĩ vãng. Cải tạo tốt, được trả về trước hạn vào cuối năm 2022 (với anh) - đầu năm 2023 (với chị), xé bỏ trang thư cũng là lúc đôi vợ chồng quyết tâm lật sang trang đời khác.

Cuộc đời không dễ bỏ qua cho con người “có quá khứ” nên anh chị chới với, hụt chân trên bước đường mưu sinh ngày tái hòa nhập cộng đồng. Xin việc ở đâu, anh cũng không qua được “vòng gửi xe” bởi vướng khâu lý lịch tư pháp. Đăng ký chạy xe ôm công nghệ không được, xin giao hàng, làm công nhân hay bảo vệ cũng chỉ nhận lại cái lắc đầu.

Biết tắc cửa “làm công”, anh chị bàn bạc nhau bày ra “làm chủ”. Số vốn của người thân cho mượn sớm hao hụt do anh chị bán cà phê mỗi ngày chỉ được vài ly, bán phá lấu, cháo huyết thì có ngày ế phân nửa. Chị Xuân Hương đỏ hoe mắt kể: “Tội nghiệp 3 đứa con, cho gì ăn nấy, ăn mì gói, cơm chan nước tương cũng được mà ăn cháo ế trừ cơm cũng xong.

Tụi nó không hề đòi hỏi, miễn có ba có mẹ bên cạnh là vui”. Chị vừa dứt lời, 2 cậu con trai từ đâu chạy đến đeo sát mẹ, ôm ấp như minh họa cho niềm vui từ đây có mẹ có ba.

Chị Đỗ Kim Hằng (ngồi giữa) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 8 - cùng các cán bộ ở chi hội khu phố thăm hỏi, động viên anh chị Hà Trạm Tài - Nguyễn Thị Xuân Hương (bìa phải) ở hàng bún thịt nướng
Chị Đỗ Kim Hằng (ngồi giữa) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 8 - cùng các cán bộ ở chi hội khu phố thăm hỏi, động viên anh chị Hà Trạm Tài - Nguyễn Thị Xuân Hương (bìa phải) ở hàng bún thịt nướng

“Người chạy lại” và ước mong được thành phố ôm vào lòng lần nữa

Danh sách ngành nghề của anh chị ngày càng dầy thêm với mặt hàng cá hấp, trứng gà vịt… Ế hàng, chuyên chở bị bầm dập, hư hỏng, thuê mặt bằng giá cao, vốn liếng thâm hụt, anh chị vẫn không nản lòng, “thua keo này, bày keo khác”. Khi được hỏi “cuộc sống đầy thử thách như thế, có dễ khiến anh chị ngã lòng?”, vẫn thoăn thoắt soạn hộp bún bán cho khách, anh Trạm Tài tươi cười, trả lời: “Khó khăn thì vợ chồng động viên nhau cùng vượt qua”.

Anh chân thành kể, nhiều người hay tin anh chị mới về, đã đến thăm, dúi vào tay vài trăm ngàn đồng, thấy bán gì cũng mua ủng hộ. Và từ biệt, dứt lời bao giờ cũng là cái vỗ vai cùng câu động viên “vợ chồng ráng lên nhen!”.

Giọng anh Trạm Tài nghèn nghẹn khi nhắc đến người má nuôi đã “trở về cát bụi” trong mùa COVID-19 vào năm 2021. Anh nghe người thân thuật lại lời má: “Tao để nhà lại cho vợ chồng thằng Tài mai mốt về có chỗ ở để nó khỏi phải đi thuê nhà nữa, để nó đừng vì sức ép đồng tiền mà làm chuyện hại người, hại thân mình nữa”.

Rưng rưng ký ức về những vị ân nhân mà tình thương của họ đã như chiếc bè đưa mình vào bờ, anh Trạm Tài trầm giọng: “Sài Gòn có mau quên không, Sài Gòn có bao dung không hay ở Sài Gòn có khó giữ mình? Tôi nghĩ, ở Sài Gòn hay ở đâu cũng vậy, do mình có chịu làm ăn hay không. Hướng này bít lối thì mình xoay hướng kia. Cám dỗ nôm na cũng chỉ vì một chữ… tiền”.

Và “hướng kia” tạm ổn, chạy tốt vài tháng nay là chiếc xe đẩy bán bún thịt nướng của anh chị vào mỗi sáng ở địa chỉ 1652 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TPHCM. Con đường hoàn lương rộng lối hơn với số tiền lời mỗi sáng khoảng 200.000 đồng từ mấy chục hộp bún thịt nướng với giá bình dân 20.000 đồng/hộp.

Chị Xuân Hương thú thật nhiều người biết rõ quá khứ của vợ chồng chị nhưng vẫn ghé mua và còn tự nguyện “thanh lý” phụ mỗi khi trưa muộn. Tình cảm ấy khiến gia đình chị thấy vui, ấm áp, có động lực để vượt lên.

Là hội viên hội phụ nữ, chị Xuân Hương thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất tinh thần từ Hội Phụ nữ phường 6, quận 8 và của địa phương. Chị được giới thiệu vay vốn buôn bán, được tặng nhu yếu phẩm, tặng máy may để nhận hàng may gia công, được chăm lo thẻ bảo hiểm y tế… cũng như được giải tỏa khúc mắc, hục hặc của vợ chồng nảy sinh từ cuộc sống bấp bênh, thiếu hụt.

Anh chị Trạm Tài - Xuân Hương mong kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập để trả hết số nợ cũ, ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học, trị liệu tâm lý cho con trai giữa (cháu bị chậm, khờ như đứa trẻ lớp Một dù đã 16 tuổi).

Chị Đỗ Kim Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 8 - chia sẻ: “Mong rằng sự cố gắng của gia đình sẽ được mọi người xung quanh công nhận và giảm bớt kỳ thị để anh chị cùng 3 đứa nhỏ có thể sống vui vẻ, tự tin.

Cuộc sống tuy khó khăn nhưng với ý chí nỗ lực vươn lên của bản thân và sự chung tay góp sức của ban ngành tại địa phương thì không có gì là không thể… Chúng ta - những người con của TPHCM cần có cái nhìn bao dung để những người “lầm lỗi” vươn lên sống tốt đúng như câu: TPHCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình”.


Tô Diệu Hiền

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa