|
Trong thời gian đại dịch, nhiều người cha làm việc tại nhà và nhiều người trong số họ cho biết đó là lúc họ bắt đầu giúp đỡ việc nhà |
Một khuôn mẫu phổ biến ở Nhật Bản quy định rằng đàn ông là trụ cột gia đình và công việc được ưu tiên hơn các vấn đề gia đình. Điều này được thấy rõ trong văn hóa đại chúng ở thời đại Showa (1926-1989), từ tiểu thuyết và phim ảnh đến manga, anime.
Theo thời gian, kỳ vọng xã hội thay đổi khi các hộ gia đình thu hẹp và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, thái độ đối với các chuẩn mực giới và vai trò của người cha cũng đã thay đổi. Trong số 1.360 người cha, cha dượng… trả lời khảo sát do Trung tâm Quốc gia về sức khỏe và phát triển trẻ em thực hiện vào năm 2022, 95,6% khẳng định việc các cặp đôi chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái là điều tự nhiên.
Cũng theo cuộc thăm dò, 49,7% nói rằng thiếu hệ thống và môi trường giúp các ông bố nuôi dạy con cái dễ dàng hơn; 33,1% cho biết dù họ đã cố gắng hết sức với công việc nhà và chăm sóc con cái nhưng không được ghi nhận.
Cùng với nền kinh tế trì trệ và sự phản kháng những quan điểm cố hữu về giới tính, phụ nữ đang trì hoãn việc kết hôn để theo đuổi việc học và sự nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc của Nhật Bản cũng khiến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống trở nên khó khăn. Thêm vào đó là tình trạng dân số già đi, thu hẹp và tỉ lệ sinh giảm. Hiện tại, việc tăng cường sự tham gia của nam giới vào quá trình nuôi dạy con cái có vẻ là điều cấp thiết.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 3/2023: “Chúng ta phải xây dựng một xã hội mà ở đó, ngay trong gia đình, chúng ta cần thay đổi tình trạng gánh nặng chăm sóc trẻ em tập trung vào phụ nữ. Thay vào đó là sự hợp tác của cả chồng và vợ trong việc nuôi dạy con cái”.
Hình ảnh người cha hoàn hảo dần lan tỏa
Khi Nhật Bản phục hồi sau chiến tranh, nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng kỷ lục, tập trung vào sản xuất. Di cư từ nông thôn ra thành thị tăng nhanh, những gia đình hạt nhân trở nên phổ biến ở các thành phố và hệ thống việc làm trọn đời cho thấy nhiều người đàn ông làm việc 6 ngày/tuần, điều đó khiến họ trở nên bận rộn và thường xuyên xa nhà.
|
Một định kiến phổ biến ở Nhật Bản là các ông bố phải dành 100% thời gian cho công việc và nhiệm vụ chăm sóc con cái thuộc về các bà mẹ |
Yasuhiro Kozaki - giáo sư tại Đại học Osaka Kyoiku (Nhật Bản), cha của 3 đứa trẻ - cho biết: “Điều đó đã làm nảy sinh từ “sengyō shufu” - một bà nội trợ được giao nhiệm vụ chăm lo việc nhà và nuôi dạy con cái trong khi chồng đi làm. Đó là một mô hình phù hợp với nhu cầu của thời đại”.
Hiroki Hibi - một cư dân Tokyo 44 tuổi, cha của 2 cô con gái - kể: “Mỗi ngày, cha tôi làm việc đến tận 1 - 2g sáng. Ông là kỹ sư một công ty điện tử lớn của Nhật Bản. Tôi hiếm khi thấy cha ở nhà vào các ngày trong tuần. Vào cuối tuần, ông ngủ đến trưa rồi mới đến các tiệm pachinko”.
Vào đầu những năm 1990, Nhật Bản bước vào những thập niên mất mát của tình trạng trì trệ kinh tế. Với mức lương giảm mạnh và sự an toàn việc làm bị ảnh hưởng, nhiều phụ nữ bắt đầu đi làm dù suy nghĩ cố hữu rằng phụ nữ phải làm việc nhà vẫn tồn tại.
Khi tỉ lệ sinh tiếp tục giảm đều đặn, từ những năm 1980, chính phủ bắt đầu nhấn mạnh rằng nam giới phải đảm nhận việc nuôi dạy con cái. Năm 1999, Bộ Y tế ban hành một áp phích với khẩu hiệu: “Một người đàn ông không chăm sóc con mình thì không thể được gọi là cha”.
Một bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2010, khi “ikumen” - từ ghép của từ “ikuji” (chăm sóc trẻ em), men (đàn ông) và “ikemen” (một từ ghép khác có nghĩa là “người đàn ông lực lưỡng”) - trở thành một trong những từ thông dụng của năm. Khái niệm về những “anh chàng chăm sóc trẻ em” sớm trở nên phổ biến. Hình ảnh người cha hoàn hảo có thể nuôi dạy con cái, làm việc, cưng chiều vợ và kiếm được thu nhập tốt đã lan tỏa. Có thể điều này khiến những người đàn ông lương thấp, không có thời gian và năng lượng dành cho các công việc gia đình cảm thấy quá tải, ngột ngạt dù cũng gây khó chịu không kém cho những bà mẹ cảm thấy sự tận tụy của họ trong việc nuôi dạy con cái bị coi là điều hiển nhiên.
Thuật ngữ “ikumen” đã đi vào từ điển và được Bộ Y tế tích cực quảng bá thông qua chiến dịch dự án Ikumen, trong đó cung cấp nhiều chương trình, bao gồm các khóa học nuôi dạy con dành cho đàn ông độc thân, kèm theo cả đồ dùng cho bà bầu.
Nhờ nhận thức ngày càng tăng, tỉ lệ nam giới đủ điều kiện nghỉ phép chăm con đã tăng lên dẫu chậm. Tỉ lệ này năm 1996 là 0,12%, vượt qua 5% (2017) và đạt 17,13% (2022). Tuy nhiên, con số trên vẫn còn cách xa mục tiêu của chính phủ: đạt 50% vào năm 2025.
Theo bộ phận phụ trách dự án Ikumen tại Bộ Y tế, “Thông qua việc biên soạn, phân phát tài liệu giáo dục cho những người sắp làm cha mẹ và tổ chức các hội thảo để khuyến khích các nỗ lực của doanh nghiệp, dự án đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng chế độ nghỉ phép chăm sóc con của nam giới”.
Tác động của đại dịch đến cuộc sống gia đình
|
Tỉ lệ đàn ông Nhật Bản nghỉ phép chăm con đang tăng lên dù vẫn còn chậm |
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Hiroki Hibi - làm việc cho một công ty lớn về đồ uống - cho hay, vợ anh - cũng làm việc toàn thời gian - đã gánh vác phần lớn công việc nhà và chăm sóc các con. Anh ra ngoài vào ban đêm tất cả các ngày trong tuần để làm những việc liên quan đến công việc nhưng không nhận thức được những nỗ lực cần thiết để duy trì một gia đình. “Đại dịch xảy ra và tôi bắt đầu làm việc từ xa. Tôi nhận ra vô số công việc liên quan đến gia đình và con cái. Đó là bước ngoặt để tôi không chỉ xoay quanh công việc mà còn cả cuộc sống ở nhà” - anh nói.
Hibi bắt đầu tích cực giúp vợ việc nhà (chà rửa bồn tắm, dỗ con ngủ, nấu ăn, dọn dẹp…). Hiện tại, vợ chồng anh đang chia sẻ lịch trình của họ trên một ứng dụng để theo dõi xem trong ngày, ai có thể làm việc gì.
Tháng 8/2020, giáo sư Mika Hirai (Đại học Sacred Heart, Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 600 người cha để xem xét tác động của đại dịch đến phong cách làm việc của những người cha nuôi dạy con nhỏ, cũng như ảnh hưởng của nó đến cuộc sống gia đình. Theo nghiên cứu, những người đàn ông tích cực tham gia phụ giúp gia đình và công việc hơn so với những ngày trước đại dịch cho thấy mức độ hài lòng cao hơn.
Tuy nhiên, giáo sư Mika Hirai lưu ý rằng nghiên cứu “chỉ sử dụng dữ liệu từ những người đàn ông tự báo cáo về sự tham gia của họ trong việc nuôi dạy con cái. Vì vậy, chúng ta không biết được sự phân chia thực tế giữa việc nhà và việc nuôi dạy con cái hoặc tình hình thực tế từ quan điểm của người khác, bao gồm cả vợ họ”.
Noburo Saji - 43 tuổi, phó giáo sư tại Đại học Waseda (Nhật Bản), cha của 2 cậu con trai - nhớ lại cách ông bà chăm sóc anh khi anh còn nhỏ. Cha anh - một giáo viên trung học - thường xuyên công tác xa nhà và mẹ anh - một y tá - thường xuyên làm ca đêm. “Ông nội tôi là một người đàn ông điển hình của thời Minh Trị, rất kỷ luật…” - Saji kể.
Những người đàn ông thời đó lớn lên trong chế độ gia trưởng cứng nhắc thường hành xử theo kỳ vọng của xã hội. Saji nói: “Tôi nghĩ rằng có khá nhiều áp lực đối với những người đàn ông thuộc thế hệ cha và ông tôi khi phải hành động như người đứng đầu gia đình”.
Saji cho biết công việc nhà được chia đều cho anh và vợ. Saji đảm nhiệm hầu hết việc nấu nướng trong khi vợ anh lo việc hút bụi. “Chúng tôi khá linh hoạt với những công việc còn lại” - anh nói.
Saji chỉ ra rằng khi tình hình đòi hỏi phải thay đổi, ông nội anh đã nhanh chóng thích nghi: “Ông tôi không bao giờ làm bất kỳ công việc nhà nào cho đến ngày bà tôi không thể đi lại được do bệnh tật. Sau đó, mỗi sáng, ông bắt đầu nấu ăn cho cả nhà”.
Hà Thụy
Ảnh: Johan Brooks