Những người bị stress càng lười vận động

17/08/2021 - 06:19

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1/4 số người trưởng thành trên thế giới đang sống trong tình trạng thiếu hoạt động thể chất. Tình trạng này càng nghiêm trọng khi dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nơi.

 

những ngày giãn cách xã hội, đừng nằm, ngồi một chỗ lướt mạng hay xem ti vi, hãy tranh thủ vận động dù chỉ là xoay người, đứng lên ngồi xuống...
Những ngày giãn cách xã hội, đừng nằm, ngồi một chỗ lướt mạng hay xem ti vi, hãy tranh thủ vận động dù chỉ là xoay người, đứng lên ngồi xuống...

Một nghiên cứu tại Úc với 8.950 phụ nữ, tuổi từ 50 - 55 cho thấy, những người không tập thể dục hay ít hoạt động thể lực trong thời gian dài có tỷ lệ trầm cảm cao hơn các trường hợp hoạt động thể chất thường xuyên. Theo một khảo sát khác, trên 1.600 người ở Canada, kể từ khi có dịch COVID-19, thời gian mọi người dành cho hoạt động thể thao giảm 20 - 30 phút mỗi tuần.

Hoạt động thể dục giúp làm giảm biểu hiện trầm cảm, lo lắng quá mức, giúp tinh thần trở nên phấn chấn hơn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy dưới ảnh hưởng của đại dịch, mọi người bị stress nhiều hơn. Những người bị stress lại càng lười vận động hơn và vòng luẩn quẩn là sẽ khiến họ khó vượt qua stress. 

Tương tự, theo một kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sports Medicine (Anh), trong số các bệnh nhân COVID-19, những người ít vận động có thể có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. 

Trong khi đó, Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới ước tính, ít nhất 18% bệnh ung thư được chẩn đoán ở Mỹ có liên quan đến sự dư thừa chất béo trong cơ thể, ít vận động hoặc dinh dưỡng kém… Việc kiểm soát cân nặng hợp lý thông qua vận động và dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các bệnh lý mạn tính, ung thư, tiểu đường, những bệnh nền vốn rất nguy hiểm nếu bị nhiễm COVID-19.

Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong mười nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn. Ngoài ra, theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Việt Nam, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước/ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước. 

Các khuyến nghị mới nhất dành cho người lớn là vận động 150 - 300 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải (là các hoạt động như đi bộ nhanh, đạp xe, làm việc nhà...) hoặc vận động 75-150 phút với cường độ mạnh. Ngay trong những ngày giãn cách xã hội, đừng nằm, ngồi một chỗ lướt mạng hay xem ti vi, hãy tranh thủ đi bộ tại chỗ 60 phút/ngày, hoặc chỉ cần làm động tác xoay người, đứng lên ngồi xuống... 

Lười vận động kéo dài sẽ gây tích mỡ và tăng cân, làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành, tiểu đường, sỏi mật, huyết áp cao, bệnh tim mạch; ung thư vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung và ung thư gan với nữ giới; ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng và trực tràng với nam giới.

Mai Thy (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI