Những người bạo loạn bị bắt tại Điện Capitol: Ngoài vũ khí còn có cả huy chương Olympic

15/01/2021 - 13:00

PNO - Liên kết với nhau bởi những bất bình chính trị, đám đông bạo loạn mặc trang phục tự chọn, chụp ảnh selfie và tự hào tuyên bố mình là những người “ái quốc”, nhưng một số kẻ trong đó trang bị vũ khí để đụng độ với cảnh sát và lên kế hoạch “chiến tranh”.

Cảnh sát nói chuyện với những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump - trong số đó có Jake Angeli đeo sừng và mực áo lông thú - tại tầng hai Điện Capitol gần lối vào Thượng viện - Ảnh: Reuters
Cảnh sát nói chuyện với những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, trong số đó có Jake Angeli (đeo sừng và mực áo lông thú)  tại tầng hai Điện Capitol, gần lối vào Thượng viện - Ảnh: Reuters

Những kẻ làm loạn là ai?

Khi nhà chức trách bắt đầu tiến trình buộc tội những kẻ làm loạn trong cuộc vây hãm Điện Capitol ngày 6/1, hồ sơ của tòa án "vẽ nên bức tranh" một đám đông ô hợp, bao gồm các công dân có nghề nghiệp như: cảnh sát, chủ cửa hàng hoa, nhà lập pháp tiểu bang, cựu quân nhân, thậm chí là một người giành huy chương Olympic, cũng như những người Mỹ bên lề xã hội. Một kẻ nổi loạn là thành viên nhóm cực hữu Proud Boys, một người khác có trang phục thời hang động, bên trong có áo chống đạn của cảnh sát...

Những người biểu tình đến từ nhiều địa phương nước Mỹ, có người đến từ Hawaii, để phản đối kết quả cuộc bầu cử “bị đánh cắp”, theo lời Tổng thống Donald Trump. Một số người mang theo đủ loại vũ khí hoặc chất nổ, cho thấy tính chất nghiêm trọng của cuộc bạo loạn đã khiến cho 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát và hàng chục người bị thương.

Súng đạn tịch thu được từ những kẻ bạo loạn ở Capitol bị bắt - Ảnh: Yahoo News
Súng đạn tịch thu được từ những kẻ bạo loạn ở Capitol bị bắt - Ảnh: Yahoo News

Giám đốc FBI Christopher Wray hôm 14/1 cho biết hơn 200 nghi phạm đã được nhận diện trong vụ bạo động ở Điện Capitol. Các công tố viên liên bang cho biết họ dự kiến ​​sẽ đưa ra cáo buộc chống lại hàng trăm người liên quan đến bạo loạn và các mối đe dọa và bạo lực liên quan.

Cùng ngày, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết họ đã buộc tội khoảng 80 người.

Ban đầu, cảnh sát chỉ bắt giữ tại tòa nhà Quốc hội 14 kẻ xâm nhập, nhưng sau đó, nhiều nghi phạm đã làm cho công việc của các điều tra viên và công tố viên “trở nên dễ dàng hơn” nhờ những video tin tức quay tại hiện trường và những clip do chính người trong cuộc đăng lên mạng xã hội.

David Blair - một người ủng hộ Tổng thống Trump, sống ở ngoại ô Washington - bị buộc tội dùng gậy tấn công một sĩ quan cảnh sát. Anh ta đến hiện trường chỉ muốn làm “nhân chứng lịch sử”, nhưng do cảm xúc bị dồn nén, nên đã ra tay phạm luật.

Súng đạn cảnh sát tịch thu được tại hiện trường vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 - Ảnh: Getty Images
Súng đạn cảnh sát tịch thu được tại hiện trường vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 - Ảnh: Getty Images

Chính quyền mạnh tay

Vòng buộc tội ban đầu không phản ánh toàn bộ “tầm vóc” cuộc vây hãm Điện Capitol khiến Quốc hội Mỹ tê liệt, các nghị sĩ bỏ chạy trốn đám đông tấn công. Nhà chức trách hy vọng sẽ có nhiều cáo buộc nghiêm trọng hơn sau khi điều tra sâu hơn. Các nhà điều tra đang rà soát thông tin kèm theo hồ sơ di chuyển và tài chính để theo dõi sự phối hợp hoặc tổ chức (nếu có) giữa những kẻ bạo loạn.

Nhà chức trách cho đến nay cung cấp thông tin rất ít ỏi về những người họ buộc tội, một số hồ sơ tòa án dường như vẫn được niêm phong.

Một số người bị bắt tại hiện trường bạo loạn có tiền sử bệnh tâm thần. Mark Leffingwell ở Seattle (tiểu bang Washington), kẻ đối diện với cáo buộc hành hung một cảnh sát, là một cựu chiến binh Iraq bị rối loạn căng thẳng sau thương tổn (PTSD) và chấn thương sọ não.

Richard Barnett, người được chụp ảnh ngồi trong văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nói với thẩm phán rằng ông có tiền sử rối loạn trầm cảm.

Lonnie Coffman, một người đàn ông 70 tuổi từ Alabama bị bắt vì có chất nổ trong xe tải, đang dùng nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tâm thần.

Thomas Robertson, một trong hai cảnh sát Virginia bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp Điện Capitol, đã ca ngợi sức mạnh của những kẻ bạo loạn cánh hữu trên mạng xã hội. Anh ta khoe rằng đám đông đã "thực sự tấn công chính phủ".

Chuẩn bị “chiến tranh”?

Các công tố viên nói rằng Cleveland Meredith, cư dân Bắc Carolina, đã chất đầy vũ khí vào xe tải và xe kéo của anh ta và thẳng tiến Washington, nhưng anh ta đến quá muộn để tham gia cuộc bạo động. Khi cảnh sát khám xét xe tải của Meredith vào ngày hôm sau, họ tìm thấy một khẩu súng trường loại mạnh và hàng ngàn viên đạn, bao gồm cả những viên đạn mà FBI mô tả là “có thể xuyên giáp”.

Các công tố viên mô tả Meredith là người theo thuyết âm mưu QAnon, vốn coi Tổng thống Trump như một đấng cứu tinh và các thành viên ưu tú của đảng Dân chủ là một nhóm "những kẻ ấu dâm và ăn thịt người dưới trướng quỷ Satan". Một thẩm phán hôm 14/1 đã ra lệnh bắt giữ Meredith để chờ xét xử.

Nhà chức trách cũng đã bắt giữ Coffman (một cư dân Alabama) gần Điện Capitol khi phát hiện y cầm một khẩu súng trong xe bán tải của mình lúc các nhân viên tháo bom mìn đang xử lý những quả bom ống được bỏ bên ngoài trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, cả hai đều gần Điện Capitol.

Bên trong xe tải của Coffman, người ta tìm thấy một khẩu súng trường AR-15, một khẩu súng ngắn, một chiếc nỏ, một số mã tấu, lựu đạn khói và 11 trái lựu đạn tự chế mang tên “ly cocktail Molotov”. Nhân viên công lực cũng tìm thấy một ghi chú có tên của ít nhất một nghị sĩ Quốc hội và một thẩm phán, được đánh dấu là "kẻ xấu".

Một số người khác có trang bị vũ khí trong cuộc bạo loạn. Một sĩ quan cảnh sát cho biết đã nhận thấy một chỗ phồng trên hông của Christopher Alberts - người mặc áo giáp và mang mặt nạ phòng độc - khi anh ta kê khai thông tin cá nhân để rời khỏi khuôn viên Điện Capitol. Cảnh sát giữ anh ta lại và tìm thấy một khẩu súng lục đã nạp đạn.

Hai người đàn ông khác, Eric Munchel và Larry Brock, đều được chụp ảnh bên trong Điện Capitol mang theo dây buộc zip, thường được sử dụng để trói tay. Các công tố viên chưa cho biết những người này định làm gì với dây buộc đó. Brock là một cựu binh không quân, người đã từng lái máy bay chiến đấu. Cả hai đều bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp Điện Capitol.

FBI cho biết họ đã bắt giữ hơn 100 cá nhân liên quan đến vụ vây hãm Điện Capitol, nhưng nhiều kẻ vẫn còn ngoài vòng luật pháp. Giám đốc FBI Chris Wray tuyên bố: "Chúng tôi biết bạn là ai nếu bạn còn ở ngoài đó và các đặc vụ FBI đang đến tìm bạn".

Tuyên bố của ông Wray được đưa ra khi FBI đang truy tìm hàng ngàn đầu mối trong một nỗ lực song song nhằm truy tố những kẻ liên quan đến vụ tấn công vào Điện Capitol hồi tuần trước và cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo có thể xảy ra ở Washington và trên khắp cả nước.

Tô Châu (theo Reuters, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI