Những người bạn đồng hành của chúng tôi

19/05/2021 - 06:12

PNO - Trong 46 năm hoạt động, Báo Phụ Nữ TPHCM luôn nhận được sự đồng hành rất tích cực của bạn đọc. Có những bạn đọc sẵn sàng “lăn xả” cùng phóng viên thu thập thông tin cho các bài viết; có những bạn đọc chắt chiu từng đồng lương ít ỏi mang đến Báo Phụ Nữ TPHCM đóng góp cho những hoàn cảnh khó khăn.

Những “người bí ẩn” sau các bài viết

Tháng 5/2020, một phụ nữ với dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM cầu cứu. Chị tên K., nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM. Chồng chị làm nhân viên kinh doanh cho một doanh nghiệp lớn ở TPHCM. Theo giới thiệu của bạn bè, chồng chị đã tham gia nhiều gói đầu tư vào một doanh nghiệp với cam kết sẽ thu lợi nhuận gấp hàng ngàn lần số tiền đã góp. Khi chị phát hiện, hàng trăm triệu đồng của gia đình đã “đội nón ra đi” theo những lời hứa hẹn rất mơ hồ. 

“Vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau liên tục. Tôi thức trắng nhiều đêm để suy nghĩ và cuối cùng chọn đến Báo Phụ Nữ TPHCM để nhờ báo làm sáng tỏ chiêu thức huy động vốn này” - chị K. nói.

Sau cuộc gặp, chị K. trực tiếp dắt chúng tôi đi thu thập thông tin về mô hình huy động vốn nói trên. Đầu tháng 6/2020, loạt bài về chiêu thức huy động vốn rất mới nhằm vào nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên… được đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM. Cơ quan chức năng liền vào cuộc điều tra. Ngay hôm đó, chị K. nhắn cho phóng viên: “Có thể gia đình tôi sẽ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư, nhưng tôi tin mình đã làm đúng. Chỉ có làm như vậy, tôi mới giữ được hạnh phúc gia đình và cảnh báo để nhiều người không rơi vào tình cảnh tương tự”. 

Chị Nguyễn Thị Thủy xúc động khi nhận được sự hỗ trợ từ bạn đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM - ảnh: thu lê
Chị Nguyễn Thị Thủy xúc động khi nhận được sự hỗ trợ từ bạn đọc Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: Thu Lê

Cách đây một năm, ngày 11/5/2020, sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn, nhiều người dân ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TPHCM bất ngờ khi đoàn công tác của Thành ủy TPHCM đến tận “điểm nóng” xây nhà không phép để kiểm tra. Tôi nhìn về phía nhóm người đang xúm xít ở đường Lê Thị Dung, nơi đoàn công tác của lãnh đạo TPHCM đang thị sát. Hình ảnh người đàn bà nhỏ thó len lỏi giữa đám đông khiến tôi xúc động. Chính cái dáng nhỏ thó ấy, giữa trưa đứng bóng, đã dắt nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đi ghi nhận cảnh nhà không phép mọc lên trong đại dịch COVID-19.

Ngày đầu gặp chúng tôi, bà M. nói vỏn vẹn: “Tôi đặt tất cả niềm tin vào Báo Phụ Nữ”. Rồi bà dắt chúng tôi đi một mạch đến các khu đang xây nhà không phép, điểm mặt từng đầu nậu “bảo kê”. Xong việc, bà vội chạy đi bán hàng.

Sau đó, mỗi lần phóng viên đến xã Vĩnh Lộc A tìm hiểu về nhà không phép, cứ gọi điện là bà có mặt, dẫn đường. 

Ngày báo đăng bài, bà M. nhắn tin: “Mừng, nhưng lo quá”. Bà mừng vì cuối cùng, những vi phạm dai dẳng về trật tự xây dựng ở xã đông dân nhất TPHCM đã được báo chí phanh phui; lo vì không biết sau khi báo đăng, tình trạng trên sẽ được giải quyết thế nào và các “đầu nậu” có biết bà là người đã cung cấp thông tin cho Báo Phụ Nữ TPHCM hay không. Đến ngày 17/5, khi tận mắt thấy lãnh đạo TPHCM thị sát khu nhà không phép, bà M. đã yên tâm vì tiếng nói của bà đã được chuyển tải đến lãnh đạo thành phố và được quan tâm, giải quyết.

Ở Báo Phụ Nữ TPHCM, mỗi ngày, chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi của bạn đọc cung cấp thông tin qua đường dây khẩn. Có hàng chục lượt bạn đọc đến báo mỗi ngày để được tư vấn pháp luật, gỡ rối các vấn đề hôn nhân và cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài. Có người mang theo cả tập tài liệu liên quan đến dấu hiệu tiêu cực của một đơn vị và nói: “Tôi đến một số nơi rồi, chưa đâu vào đâu cả. Người ta chỉ tôi đến đây vì tin chắc rằng Báo Phụ Nữ TPHCM sẽ làm đến nơi đến chốn”.

Nhịp cầu nối những yêu thương

Ngoài “mặt trận” thông tin, trong 46 năm hoạt động, Báo Phụ Nữ TPHCM còn không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện để giúp các mảnh đời khó khăn. Chuyên mục Đừng quên họ là một trong những chiếc cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước. 

Một ngày đầu tháng Năm, rời Bệnh viện Ung Bướu TPHCM sau hóa trị lần thứ ba, chị Nguyễn Thị Thủy (hiện đang tạm trú tại tỉnh Bình Dương) đưa con trai là bé Lương Anh Hào đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TPHCM nhận số tiền bạn đọc ủng hộ cho gia đình chị trong hành trình cùng con chiến đấu với bệnh tật. Cầm trên tay hơn 17 triệu đồng, chị Thủy cố gắng nói lời cảm ơn, nhưng câu từ không thốt ra được vì nước mắt. Chị đã khóc từ ngày hôm trước, khi Phòng Công tác bạn đọc của báo liên lạc, hẹn ngày đến tòa soạn nhận tiền bạn đọc hỗ trợ cho con. Số tiền không quá lớn, nhưng là cả gia tài đối với gia đình chị trong lúc ngặt nghèo. 

Trong ngần ấy năm của tờ báo, không thể kể hết những gương mặt, những câu chuyện quá đỗi yêu thương. Đồng hành với các hoạt động từ thiện của Báo Phụ Nữ TPHCM từ năm 1995 đến nay, nhưng có một ngày, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy chị Thanh Phượng (quận 2, TPHCM) được bạn dìu đến tòa soạn với nét mặt cố nén cơn đau. Chị đến gửi tiền hỗ trợ một hoàn cảnh khó khăn mà chị đọc được trên báo vào tối trước đó. Chị Phượng cho biết, do tập thể dục sai tư thế, chị bị trật khớp nặng, không thể tự đi một mình. Khi chúng tôi e ngại, khuyên chị nên ở nhà, chị lắc đầu cười: “Mình thích đến gửi trực tiếp, vì như vậy, mình sẽ luôn cảm nhận được ý nghĩa, niềm vui từ việc làm này”.  

Không khá giả, vợ chồng chị Phượng ở nhà nấu các loại sữa, cho vào chai rồi bán trong khu phố và giao hàng đi xa khi có người đặt. Có đồng lời nào, chị bỏ ống heo, cộng thêm 1 triệu đồng trích từ lương hưu hơn 4 triệu đồng/tháng để đi làm việc thiện. Ngoài Báo Phụ Nữ TPHCM, chị và nhóm bạn còn đến hỗ trợ bệnh nhân ở các bệnh viện, các khu dưỡng lão, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi. “Chị thấy mình có phước hơn người khác vì chị có sức khỏe, có nhà để ở, có cơm để ăn, con cái trưởng thành, tự làm nuôi bản thân. Chị ăn uống đơn giản, chi tiêu ít nên không có vấn đề gì phải lo lắng. Sau này mất đi, cũng đâu có đem gì theo được nên mình rất vui khi góp chút ít đến người khó khăn hơn mình” - chị tâm sự.

Không ít bạn đọc có gia cảnh khó khăn nhưng vẫn đồng hành với Báo Phụ Nữ TPHCM giúp các mảnh đời bất hạnh. Không có nhà, phải ở nhờ trong nhà kho của cơ quan - nơi mình có 32 năm làm tạp vụ - nhưng đều đặn mỗi tháng, chị Lâm Ngọc Thúy đều gửi 1 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện của báo. Công việc tạp vụ khiến chị Thúy suy giãn tĩnh mạch nặng, có lúc không thể tự đi bộ được. Thế nhưng, hễ đi được, chị lại tranh thủ xin giao báo vào mỗi sáng, kiếm thêm thu nhập để làm từ thiện. 

“Mình thấy lòng nhẹ nhàng, vui hơn khi được đóng góp để bớt đi chút khó khăn cho người khác. Mình độc thân, có phải lo cho ai đâu mà cố giữ? Do đó, mình sẽ làm cho đến khi nào hết tiền để làm thì thôi” - chị cười trấn an khi bắt gặp ánh mắt lo lắng nào đó dành cho mình.
“Tôi tin vào tờ báo bởi những câu chuyện thực tế, những mảnh đời được kể với nhiều cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc. Chỉ cần như thế, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với tờ báo” - cô Kim Loan, một nhà hảo tâm, chia sẻ. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI