Những người bà "dại cháu"

30/06/2022 - 17:18

PNO - Tác giả Sara Imas trong cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương" nói rằng ba mẹ đừng nên làm quản gia mà hãy là quân sư.

 

Cách cháu về ở với bà ngoại, đồng nghiệp của tôi rơi vào cảnh con mọn, đầu tắt mặt tối (Ảnh minh họa)
Cháu về ở với bà ngoại, đồng nghiệp của tôi rơi vào cảnh "con mọn", đầu tắt mặt tối (Ảnh minh họa)

Chị Hương là đồng nghiệp của tôi, nay cũng sắp tới tuổi 55. Mỗi ngày chị tới cơ quan trong vẻ mặt bơ phờ và hớt hơ hớt hải vì sợ trễ giờ. Hỏi ra mới biết dạo này con gái về sống với chị. Buổi sáng chị kiêm luôn phần chăm cháu và đưa đi học, xong xuôi mới đến cơ quan làm việc nên thời gian gấp gáp.

Minh người chị bà con của tôi. Chị khóc tức tưởi với tôi khi gặp nhau trong đám giỗ, bởi từ lúc chị có cháu nội, con trai chị liên tục vòi vĩnh, xin tiền. Dịch bệnh gần hai năm, kinh tế khó khăn, chị buôn bán ế ẩm, thu nhập không đủ chi tiêu cho gia đình. Chị khổ sở trăm bề mà con trai và con dâu vẫn liên tục đòi mẹ cho thêm các khoản tiêu dùng, kể cả việc chưa cần thiết như đổi xe máy mới hay ẵm con đi du lịch hè...

Các chị than buồn kể khổ là vậy, nhưng hình như không ai dám lên tiếng trách giận con.. Chị Hương vì muốn con gái nhàn, khỏe, toàn tâm toàn ý lo công việc nên chị ôm sô mọi thứ, từ nhà cửa cơm nước đến chăm cháu ngoại. Ở cái tuổi chuẩn bị về hưu chị lại tất bật như mẹ bỉm sữa. Mọi người trong công ty gắn cho chị biệt hiệu “dại cháu”.

Con gái chị Hương làm mẹ mà rất thảnh thơi. Con do cô sinh ra nhưng bà ngoại là người cho ăn, ru ngủ, chăm lo chính. Được bà ngoại lo trọn gói nên cô ỷ lại và dựa dẫm. Mẹ vất vả, tất bật, nhưng cô thấy thế là bình thường, vẫn ngồi thư giãn cà phê với bạn vào buổi sáng và thong thả sau giờ làm công sở. 

Chị Minh gồng lên để đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình con trai, trong khi gia đình lớn đang gặp khó khăn, thiếu thốn. Không lo được cho con, cho cháu thì chị xót xa và thương đến mất ngủ. Chị thấy có lỗi với con cháu và tự dằn vặt bản thân.

Con trai chị Minh quen thói tiêu xài thoải mái, do cậu được mẹ chiều chuộng và đáp ứng từ nhỏ. Ngày xưa, sinh được đứa con trai duy nhất, chị vô cùng yêu thương, bảo bọc con. Thêm một lý do, nhà chị trước kia buôn bán đắt khách, mẹ không có nhiều thời gian bên con nên cậu bé cứ xin tiền là chị Minh đáp ứng ngay để bù đắp. Bây giờ, chị Minh biết cậu con sẽ phản kháng, không cho chị động đến cháu nội nếu mẹ không chu cấp...

Hai "bà mẹ trực thăng” mà tôi quen này phải gánh cả con lẫn cháu. Nhưng đứa con lại chỉ một chiều nhận, coi đó như điều hiển nhiên.

Tôi nhớ tác giả Sara Imas trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương đã viết: Cha mẹ đừng nên làm quản gia mà hãy là nhà quân sư. Yêu thương con như hình ngọn lửa, đừng yêu thương con như hình tử cung suốt đời bao bọc con. Những bà mẹ chúng ta, đặc biệt là thế hệ cũ thường yêu thương, chăm sóc con từ chân tơ đến kẽ tóc. Khi nhỏ đã đành, lớn lên lấy vợ gả chồng, có con rồi vẫn giữ nguyên cách thức ấy. Vô hình chung con cái chúng ta yếu khả năng tự lập. Nếu cuộc sống sóng yên biển lặng thì không sao, bà nội bà ngoại vẫn có thể ráng sức lo liệu. Nhưng nếu gặp trắc trở, khó khăn thì như thế nào? Hoặc nếu ba mẹ mất đi, không còn chỗ dựa, chúng liệu có sống ổn?

Theo nhiều cuộc nghiên cứu, những đứa trẻ hay làm việc nhà sau này sẽ thành công hơn những đứa trẻ lười việc nhà, vì đó là kỹ năng sinh tồn thiết yếu. Giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội quan trọng, nhưng giáo dục gia đình phải là trọng tâm. Yêu thương đúng cách giống như gieo trồng những hạt giống khỏe mạnh. Dù có thể gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng hạt mầm tốt vẫn có thể đâm chồi nảy lộc.

Yêu thương đúng cách là đứng từ xa để theo dõi con, nhìn con bước đi như thế nào trên đường đời. Từ đó nói chuyện, tâm tình và làm quân sư cho con, để con tự gỡ rối. Không nên can thiệp và dài tay vào cuộc sống của con. Nhiều phụ huynh bao cân, lo lắng hết mọi chuyện lớn nhỏ của các con, cho dù con đã làm cha làm mẹ

Không phải bà mẹ nào cũng biết yêu thương đúng cách (Ảnh minh họa)
Không phải bà mẹ nào cũng biết yêu thương đúng cách (Ảnh minh họa)

Bà mẹ nào cũng yêu con. Tình yêu thương bản năng là bình thường; yêu thương lý trí và khoa học để con trưởng thành mới là điều người mẹ phải nỗ lực. Nó đòi hỏi quá trình cố gắng, kiên trì, trí tuệ và hiểu biết. Nhưng nếu tương lai con cháu chúng ta bình an và hạnh phúc thì nỗ lực ấy cũng xứng đáng, phải không các bà nội, bà ngoại?

Huỳnh Kim Hoa (Quảng Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI