Nghệ sĩ không đứng ngoài cuộc
Ngày 23/1/2020, Việt Nam xác nhận có bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên. Và kể từ thời điểm ấy, người dân trong nước mới thật sự hiểu những gì đen tối đang xảy ra với thế giới bên ngoài.
Trong lĩnh vực văn hoá, giải trí, lần đầu tiên, hàng loạt rạp phim, sân khấu, phòng trà, tụ điểm giải trí... bị buộc đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh. Như bao người lao động khác, nghệ sĩ cũng gặp khó khăn, có nhiều người phải bán hàng online, làm thêm các việc khác để trang trải cuộc sống.
|
Mỹ Tâm phát quà cho người dân vùng lũ. |
Buồn đau là thế, mất mát, bất an là thế nhưng những nghệ sĩ chân chính hiểu được vai trò của mình đối với cộng đồng.Trước những biến động của đời sống xã hội, họ không đứng ngoài cuộc. Điều này được chứng minh bằng những hành động cụ thể, tích cực của các nghệ sĩ trong năm 2020.
Khi đất nước phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các cuộc vận động quyên góp, hỗ trợ từ tiền bạc cho đến vật dụng, thiết bị y tế liên tục được các nghệ sĩ tổ chức để cùng với đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chung tay phòng chống dịch. Ca sĩ Hà Anh Tuấn, Đại Nghĩa, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Chipu... cùng nhiều nghệ sĩ Việt khác không quên trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Nhưng không chỉ có dịch COVID-19, năm 2020, người dân Việt Nam còn phải oằn mình chống hạn hán ở miền Tây, lũ lụt ở miền Trung. Ngay lúc người dân gặp khó khăn nhất, cần đến sự trợ giúp, nghệ sĩ lại tiếp tục chung tay. Ca sĩ Thuỷ Tiên, Đại Nghĩa, Phi Nhung, Lý Hải – Minh Hà... đã vận động quyên góp, đến tận nơi giúp đỡ đồng bào vượt qua cơn nguy khốn.
Trong đợt lũ lụt miền Trung, dù vấp phải những chỉ trích về cách làm từ thiện nhưng một lần nữa, tinh thần vì cộng đồng, nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, "cứu người như cứu hỏa" vốn như một truyền thống tốt đẹp lại được khơi sáng, nghệ sĩ vẫn không quản ngại lội nước, dầm mưa, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ.
Sự chung tay, góp sức của nghệ sĩ đâu chỉ tiền của, hiện vật mà còn thông qua âm nhạc, những sản phẩm nghệ thuật, những chương trình hát vì cộng đồng... cũng được nghệ sĩ thực hiện để thắp lên niềm tin, sự lạc quan, truyền đi thông điệp tích cực.
Khắc Hưng với Ghen Cô Vy tạo một làn sóng lan toả mạnh trong cộng đồng, vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, được chương trình truyền hình của Mỹ khen ngợi. Ghen Cô Vy cũng mở màn cho một loạt ca khúc cổ động, tuyên truyền mang màu sắc trẻ trung, giai điệu tươi vui, bắt tai như Việt Nam sẽ chiến thắng, Việt Nam ơi! Đánh bay COVID, Những bông hoa nở giữa mùa dịch, Bao la những trái tim hồng, Đại dịch Corona...
|
Ca khúc Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay của biên đạo múa Quang Đăng xuất hiện trên các chương trình truyền hình Mỹ. |
Ca khúc Ghen Cô Vy của nhạc sĩ Khắc Hưng thông qua giọng ca của Erik và Min:
Trong lúc dịch bệnh hoành hành hay thiên tai xảy ra, những dòng trạng thái, những lời động viên, kêu gọi cộng đồng bình tĩnh, tin tưởng vào cơ quan chức năng của nghệ sĩ cũng mang lại giá trị lớn, góp phần vào sự thành công chung trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Thắp lên những ngọn lửa ấm áp cùng nhau vượt qua hoạn nạn.
Âm nhạc, hội hoạ - thông điệp tích cực từ những người trẻ
Những điều đen tối đã xảy ra trong năm 2020 tác động đến mọi người dân Việt để rồi từ nguồn xúc cảm mạnh mẽ đó, nhiều bạn trẻ lại biến chúng thành tranh ảnh, lời ca, sản phẩm nghệ thuật.
Trong thời gian cao điểm cả nước phòng chống dịch COVID-19, số lượng tranh ảnh do các hoạ sĩ trẻ, sinh viên thể hiện với đề tài, chất liệu phong phú xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội. Chưa có thời điểm nào, số lượng tranh vẽ lấy cảm hứng từ một sự kiện lại nhiều và ý nghĩa đến thế.
|
Tranh vẽ cảm động về 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh tại Rào Trăng trong đợt lũ lụt tại miền Trung. |
Dù chỉ đăng tải trên mạng nhưng các bức tranh đều mang nhiều ý nghĩa và một số trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng nổi bật.
Hình ảnh những tình nguyện viên nằm ngủ co ro trên bậc thềm trường đại học; những vị y tá, bác sĩ với vết hằn trên mặt vì đeo khẩu trang nhiều giờ liền hay bức ảnh 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh ở Rào Trăng... cũng được cộng đồng mạng chia sẻ tích cực, để lại nhiều cảm xúc đẹp cho xã hội.
|
Hoạ sĩ Thăng Fly vẽ tranh về dịch COVID-19 đề cập các thông điệp. |
Ngoài tranh, âm nhạc từ những người trẻ "vô danh" viết ra trong thời điểm thiên tai, bão lũ cũng tạo nhiều cảm xúc cho người nghe.
Ca khúc Tạm biệt, cha đi của Võ Việt Phương, học sinh lớp 12, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) là một ví dụ, Phương sáng tác bài hát này sau khi nghe bố đọc bài thơ do chính ông sáng tác về 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại trạm kiểm lâm Sông Bồ (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Tạm biệt, cha đi là một sáng tác giản dị về mặt ca từ, giai điệu nhưng giàu tình cảm.
Ca khúc Tạm biệt, cha đi:
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM về bộ tranh lấy cảm hứng từ tinh thần chống dịch của đội ngũ y, bác sĩ cả nước, Ngọc Anh - sinh viên năm ba Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nói, trong thời điểm cả nước chung tay phòng chống dịch, “nếu không làm gì, lòng em sẽ thấy khó chịu lắm”.
Cái khó chịu trong lòng mà Ngọc Anh nói cũng giống như người trẻ khác đã cùng viết nhạc, vẽ tranh trong thời gian qua, rằng trước những sự kiện, biến động của xã hội, họ đủ xúc cảm để nói lên những tâm tư, suy nghĩ bên trong bằng nhiều cách khác nhau. Và may thay, tâm tư đó, cách thể hiện đó là nguồn năng lượng tích cực cho tất cả mọi người.
Minh Tú