Những ngọn đèn trước gió…: Bảo bối của các con

30/06/2024 - 06:23

PNO - Rồi ai cũng phải già, nhưng già mấy đi nữa vẫn vui vẻ và khỏe mạnh từng ngày để lũ con cháu âu yếm gọi là bảo bối, thi thoảng đem khoe chứ không phải phàn nàn than thở với bạn bè.

Không coi cha mẹ là gánh nặng canh cánh trong lòng có khi phải giấu là mong muốn và cố gắng của những người dù chưa đến thời kỳ hoàng hôn nhưng đã luôn trân trọng từng giờ, từng ngày sống của bản thân và gia đình.

Bản sao nhưng... cần cập nhật

Con gái tôi - một 9X thuộc thế hệ Z - luôn nhắc mẹ cứ “nhìn bà mà sống”: cái gì hay của bà thì học, mà tem tém điều tiết lại mấy chuyện thế kỷ trước cho đỡ khổ bản thân mẹ và chúng con cũng được nhờ.

Điều này đúng. “Cái gì hay của bà” là những cách tận dụng thực phẩm thật thông minh (vỏ đậu xanh có thể làm gối, vỏ dừa trồng cây…); thật kỹ lưỡng và chu đáo khi chuẩn bị bữa ăn (cùng món thì phải cùng loại chén, dĩa).

Còn “chuyện mấy thế kỷ trước” là nâng niu những kỷ vật cũ gắn bó với tuổi thơ của con cháu, gợi kỷ niệm những ngày tháng còn khó khăn của gia đình, đối lập với lũ trẻ sau này thấy không còn dùng là yêu cầu thanh lý hoặc gửi đi từ thiện cho đỡ chật nhà. Không dùng đến mà cứ giữ (có khi hỏng còn không biết) mới là hoang phí.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nguyên nhân chính không phải vì không gian sống đã thay đổi từ những căn nhà có vườn, sân, rộng rãi ở thôn quê sang nhà phố hay chung cư nên không thể giữ hay đặt lại những kỷ vật ông bà không muốn rời xa, mà chính là vì tư tưởng và quan niệm khác nhau về tiện nghi, thoải mái.

Với ông bà, cần đến là phải có; không phải đi mua, đi mượn, đi thuê (tùy lúc nhà đi vắng hết hay tụ họp đông đủ nên có đến 3-4 cái nồi cơm điện đủ size là chuyện bình thường).

Còn với thế hệ sau là tối giản, thoáng đãng, khi nào cần thì lướt ngón tay cái là xong (ít người thì nấu 2 chén gạo 1 lần, nhiều người thì nấu 2 lần, thiếu nữa thì đặt thêm cái pizza, con gà nướng bọc xôi), chỉ 20 phút là sẵn ship tận bàn thì tại sao phải biến nhà thành cái kho trữ đồ bếp? Sống như thế sao mà khỏe được!

Giải pháp là: vẫn có kho nhưng nhỏ thôi, tận dụng các hộc kệ và luôn có danh sách đồ đạc dán trên cánh tủ kho ấy, thi thoảng ông bà mở ra kiểm kê. Con cháu cũng biết nhà vẫn có món đồ ấy, không cần mua sắm thêm. Nhờ giải pháp này mà tôi biết cái bếp 6m2 trong căn hộ 70m2, 2 nhân khẩu thường trú của mình có 3 bộ nồi tổng cộng 12 chiếc, 3 bộ chén dĩa dành cho 6 người và 40 cái dĩa lớn nhỏ bên ngoài.

Kể ra như vậy cũng không “tối giản” gì nhưng chỉ bằng 1/3 tủ đồ bếp của ông bà ngoại. Lũ cháu luôn luôn đề nghị chia thừa kế những kho này là để ông bà yên tâm rằng các bảo bối ấy sẽ được tất cả con cháu sử dụng, giữ gìn chứ chỉ 1 nhà thừa kế thôi thì… không có chỗ.

Thực tế là tôi giấu con gái khi được mẹ mình đưa chiếc khăn bông đã cũ nhưng vẫn rất sạch, phần bông trắng vẫn rất trắng, phần sọc xanh vẫn rất xanh. Bà bảo cất làm kỷ niệm. Cái khăn này đã quấn con bé sinh thiếu tháng, cả khăn cả người cân lên mới được 2,1kg - là tôi, hơn 50 năm về trước. Cái khăn ấy giờ được đặt trong chiếc hộp nhỏ cũng có 1 chiếc khăn sữa, 1 cái áo sơ sinh, 25 năm trước tôi ghi cân nặng, tên, ngày sinh của con gái mình lên đó.

Rồi tất cả bằng khen, cúp, phần thưởng, bằng tốt nghiệp… của con, tôi đều cất. Nên có một ngăn tủ như thế dù nhà chật đến mấy vì đó là những đồ vật với tôi, với bà đều quý giá vô cùng; chỉ khác là tôi - bản sao có cập nhật của bà - vẫn sẽ cất giữ nhưng đã chọn lọc trong tối giản.

Không vô dụng, không muốn làm phiền nhưng đừng quên yêu mình!

“Cả mẹ chồng và mẹ ruột của tôi đều than phiền: nhà có vài phòng, bọn trẻ đã đi học hết, giặt giũ có máy, lau nhà có máy, rửa chén dĩa có máy… lại còn thuê người giúp việc chi cho rối. Nhưng chính sự ôm đồm của ông bà mới làm rối hết cả lên” - Thủy Phương - một nhân viên công sở ra khỏi nhà lúc 6g30 và trở về nhà lúc 18g30 thở dài khi nhắc đến cha mẹ.

“Khi ông bà mới về hưu thì hăng hái và còn chút sức khỏe, nhưng dần dần mắt không còn tinh, tai không còn nhạy, máy móc bếp núc toàn đồ điện tử, bấm nhầm hay quên thì hư hỏng đã đành, lại còn nguy hiểm, mà dứt khoát không chịu thuê người giúp việc. Bếp hay nhà tắm chà dọn không kỹ, không sạch nên nhanh xuống cấp. Không phải ông bà chỉ muốn tiết kiệm tiền cho con cháu mà còn muốn con cháu không nghĩ mình vô dụng; phần nữa lại không muốn có người lạ trong nhà, không muốn phiền hà… Nhưng rồi như thế lại thành phiền hơn, khổ hơn, tốn kém hơn vì cứ 1 lần sửa máy giặt, thay thiết bị bếp, là ít nhất tiền triệu. Điều đó ông bà đâu biết” - chị kể.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Phải lấy cha mẹ làm gương cho mình là có thật” - Thủy Phương nói vui. Đầu tiên là phải tập cho ông bà quen và bản thân cũng phải quen, cập nhật công nghệ trong đời sống.

Từ chuyện dùng app để đặt xe, video call trên Zalo… mỗi khi thực hiện đều phải cập nhật và giải thích cho ông bà bằng cách đơn giản nhất, trực quan nhất, cài sẵn chỉ 1-2 thao tác là mở ra dùng.

Quen rồi thì ông bà sẽ không sợ, không ngại nhưng mình vẫn phải để mắt tới vì đó cũng là cách để ông bà có thể tham gia vào cuộc sống cùng với con cháu, giữ được kết nối với cuộc sống hiện tại mà không có cảm giác mình bị bỏ lại, không thấy mình vô dụng.

Yêu thương con cháu, hy sinh vô điều kiện là những điều thường thấy ở những bà nội, bà ngoại dù bất kỳ thế hệ nào, như cha mẹ của Thủy Phương. Vốn luôn chân tay việc ngoài xã hội, khi về hưu sợ mình vô dụng, nên ông bà ôm đồm nhận tất cả công việc, vừa đưa đón cháu thay con, vừa chăm sóc các cụ cố đã già lẫn. Công việc của ông bà bỗng nhiên nhiều hơn cả khi còn đi làm.

Trong khi đó, chỉ riêng việc chăm sóc người già đã là một chuỗi những công việc từ nặng đến rất nặng, từ quan trọng đến rất quan trọng như: chích thuốc, hỗ trợ vận động, xoa bóp, phục vụ ăn uống bữa chính, bữa phụ cho đến những việc nhỏ như: vệ sinh, tắm rửa, đánh răng, gội đầu…

Là người trực tiếp chăm sóc cha mẹ suốt nhiều năm, trong cả thời gian đặc biệt khó khăn như mùa dịch COVID-19, chị L.A.H. đã là một bà ngoại nhiều kinh nghiệm, có thể chia sẻ được với những người đang dần bước vào tuổi trung niên (50-55), cha mẹ dần bước qua ngưỡng 75-80.

Theo chị, ngoài việc tự trang bị kiến thức (y khoa, dinh dưỡng…), quan sát điều dưỡng, y tá, người thân chăm bệnh để chăm sóc các cụ khi cần, việc quan trọng không kém là rèn luyện sức khỏe, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. “Dù có khỏe, còn trẻ nhưng nếu cứ thức đêm suốt, chỉ ngủ vài tiếng 1 ngày cũng sẽ rối loạn đường huyết, nhức đầu, chóng mặt, chăm được vài tuần là đổ bệnh theo, nói gì đến khi đã có tuổi.

Thời gian dành để tập luyện cho bản thân không có nên ở nhiều gia đình, các cụ 90 chưa tốt lên thì các ông bà U70 đã đổ bệnh, con cháu càng rối, nhà toàn gánh nặng thì con cháu biết xoay xở thế nào? Thế nên có yêu thương con cháu thì cũng không được quên yêu thương bản thân, luôn biết lượng sức mình.

Cố gắng vận động, chủ động, luôn là một bà ngoại lạc quan yêu đời, làm gương cho con cháu thì ký ức về tôi trong lòng con cháu sẽ là một cụ bà dễ thương, mạnh khỏe, vui vẻ đến những ngày cuối cùng” - chị L.A.H. chia sẻ.

Bạn thì sao?

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh