Những ngôi làng ngập lụt, ngóng đàn ông

12/10/2020 - 06:55

PNO - Nước ngập suốt mấy ngày liền, bà My Sa chỉ mong trong nhà có đàn ông, con trai để gánh vác lúc nguy nan, nhưng cánh đàn ông ở làng lên TP. Huế làm ăn cũng bị kẹt trong biển nước, không về được…


Kiệt sức vì mưa gió dập dồn

Sau hơn hai giờ đi thuyền vượt qua những cánh đồng ngập trắng nước, chúng tôi mới tiếp cận được làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi có hơn 400 hộ dân bị nước lũ cô lập suốt ba ngày qua. Ở đây, nhà nào cũng bị ngập ít nhất 1,5m. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập trong biển nước (ảnh trích xuất từ camera chương trình  Đô thị thông minh  tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập trong biển nước (ảnh trích xuất từ camera chương trình Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Vốn sinh ra ở làng Hạ Lang ven sông Bồ, đã quen với cảnh nước lụt mênh mông, nhưng khi nhận lời chạy ghe dẫn chúng tôi vào vùng rốn lũ Xuân Tùy, anh Nguyễn Ngọc Kỳ vẫn lo ngại: “Nước sông Bồ giờ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 hơn nửa mét rồi, chỉ sợ đưa các anh đi rất nguy hiểm, vì nước đang lên”. 

Từ trên chiếc ghe nhỏ, đưa ánh mắt nhìn về các xã của huyện vùng trũng Quảng Điền chạy dọc sông Bồ, chúng tôi chỉ thấy một màu nước lụt đỏ ngầu. Từ cánh đồng mía xã Quảng Phú đến làng nghề truyền thống đan lát Bao La hơn 200 năm tuổi đều ngập trong nước lũ mênh mông. Hình ảnh ghi dấu những địa danh này chỉ còn mỗi cổng chào lợp mái ngói đỏ của ngôi nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống lấp ló giữa dòng nước bạc. Sóng gió liên tiếp dồn đến khiến thuyền chao đảo, chúng tôi phải buộc luồn dưới tán lũy tre rồi gỡ những hàng dây điện ngập trong nước để vào làng.

 Làng xóm vắng lặng vì một số dân đã di tản, số còn lại đang ngồi trên những chiếc giường cao tự chế để chờ nước rút dần. Suốt ba ngày qua, người dân thôn Xuân Tùy bị lũ cô lập hoàn toàn, có nơi ngập sâu đến 2m, người dân chỉ có thể đi lại bằng đò, ghe. Một số gia đình có gác lửng kiên cố cũng chỉ biết ngồi trong nhà nhìn ra biển nước và dùng số thực phẩm, nước uống dự trữ để chờ ngày nước rút. 

Chúng tôi ghé nhà bà Phạm Thị Quế (68 tuổi) giữa lúc vợ chồng bà đang chuẩn bị bữa cơm trên một chiếc giường tạm bợ. Ngồi co ro trên chiếc giường chống lũ đặt cạnh bàn thờ gia tiên, bà nói, từ nhỏ đến giờ, bà chưa thấy năm nào nước sông Bồ lại lên cao như vậy. Mấy đứa cháu nhỏ đều đi tản cư để tránh lũ, trưa và tối mới mượn ghe đem cơm về cho vợ chồng bà ăn. “Tui nhận thấy, nước lụt năm ni ngập sâu nhất trong 40 năm qua, lại ngâm lâu ngày, lên xuống liên tục trong ngày. Chắc do thủy điện xả lũ, dân mới khổ như ri. Mới có ba ngày mà bà con thôn Xuân Tùy đã khốn đốn. Nếu lụt còn kéo dài thì không biết bà con sẽ sống ra sao” - bà nói.

Cũng như bà Quế, mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị My Sa chỉ mong có đàn ông, con trai trong nhà để kê kích, dọn dẹp đồ đạc, bởi lẽ đàn ông, thanh niên trong làng Xuân Tùy đã lên TP. Huế làm ăn, bị kẹt trong lũ, không về được; một số khác đã vào Nam lập nghiệp, đến tết mới về thăm nhà. Bà My Sa than, một mình dọn dẹp, bưng bê đến kiệt sức. 

Bà Nguyễn Thị My Sa, thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, tỉ nh Thừa Thiên - Huế đi thuyền về thăm nhà sau hai ngày tản cư Ả NH: THUẬN HÓA
Bà Nguyễn Thị My Sa, thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đi thuyền về thăm nhà sau hai ngày tản cư - Ảnh: Thuận Hóa

Xen lẫn tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ là những câu chuyện chạy lũ, trữ gạo, thức ăn. Trong cơn khốn đốn, tình làng nghĩa xóm là chỗ tựa để họ gượng đi qua, chờ ngày nước lũ xuống. “Mấy ngày ni (nay), bà con thấp thỏm, nhất là ngày ni mưa to, gió lớn liên hồi. Thỉnh thoảng mới thấy cán bộ địa phương hoặc người lớn chạy tới hỏi thăm, động viên. Mấy hôm ni đi tản cư, chú ghé thăm đúng lúc tôi mới mượn được chiếc ghe của hàng xóm bơi về thăm nhà, may mà mấy đàn gà không chết, mừng quá chú ơi” - giọng bà Nguyễn Thị My Sa đượm buồn.

Chúng tôi rời khỏi rốn lũ Xuân Tùy bên sông Bồ lúc trời đã về chiều, mưa đã ngớt, nhưng nước từ nguồn vẫn còn đổ về rất mạnh. Lúc này, nước sông Hương lại đang lên do hai hồ chứa nước đầu nguồn tăng lưu lượng xả khiến người dân vùng hạ lưu lại có một đêm thức trắng để canh nước lũ đổ về…

May mà có bộ đội 

Những ngày qua, người dân và cán bộ, giáo viên sinh sống, làm việc ở xã biên giới Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cù Bai (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) giúp sơ tán đến nơi an toàn trước khi nước sông Sê Păng Hiêng dâng cao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cù Bai đưa bà con đi tránh lũ
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cù Bai đưa bà con đi tránh lũ

Trước đó, nhận định mưa lũ kéo dài có khả năng gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư và các cơ quan, trường học đóng gần sông Sê Păng Hiêng, Đồn biên phòng Cù Bai đã tổ chức triển khai lực lượng tuyên truyền, rà soát, di dời dân thuộc 46 hộ ở các bản A Xóc, Cha Lỳ, Cù Bai (xã Hướng Lập) và bản Xà Đưng (xã Hướng Việt) đến vị trí an toàn. Thiếu tá Trần Thái Sơn - quyền đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Bai - cho biết, đơn vị đã sử dụng hội trường và các phòng nghỉ ngơi của chiến sĩ để làm chỗ tránh trú mưa lũ và ăn uống cho mọi người.

Pả Thiên - người dân tộc Vân Kiều, bản A Xóc, xã Hướng Lập - xúc động: “Lũ đến nhanh quá, may có các chú bộ đội giúp đưa già này đến nơi an toàn. Các chú bộ đội còn nhường cơm nước, chăn màn cho già nữa. Già cảm ơn bộ đội nhiều”.

Trong đợt mưa lũ này, huyện Hướng Hóa là địa phương của tỉnh Quảng Trị có bốn người mất tích, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị trôi theo nước lũ, cơ sở hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng. Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ trung tâm thị trấn Khe Sanh vào các xã Hướng Lập, Hướng Việt xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng, xe máy, ô tô đều không qua lại được.

Không chỉ bị cô lập với bên ngoài, hiện nhiều bản làng ở xã Hướng Lập, Hướng Việt như bản Trăng - Tà Puồng, Xà Đưng, Cha Lỳ, Tri, Cuôi, Cù Bai… cũng đang bị chia cắt do nước lũ trên sông Sê Păng Hiêng vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, sóng điện thoại cũng bị mất, chưa thể liên lạc được nên đến nay, chính quyền các xã Hướng Việt, Hướng Lập vẫn chưa thống kê hết thiệt hại về người và hoa màu, vật nuôi.

Để kịp thời hỗ trợ người dân các thôn bị lũ chia cắt ở xã Hướng Lập và Hướng Việt, ngay giữa lúc mưa lũ đang hoành hành, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cù Bai đã băng rừng, vượt suối đưa 45 thùng mì tôm và 50kg gạo để trao tận tay người dân. 

Theo thiếu tá Trần Thái Sơn, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ của đồn vẫn tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã Hướng Lập, Hướng Việt giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, chốt chặn các điểm ngập sâu, không cho người, phương tiện qua lại. 

Thuận Hóa


 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI