Giờ này hằng năm, trên đất Sài Gòn, chúng tôi họp nhau bàn về những chuyến quà Trung thu cho trẻ vùng quê, lên kế hoạch hỗ trợ người dân mình “chằng chống” mùa bão lũ sắp đến… Giờ, tất cả ngồi im và lửa như cháy qua những cuộc điện thoại đường dài.
Nỗi lòng người miền Trung trong đại dịch
“Bà M. trên xóm 3 được đưa đi cách ly rồi”, “Xã mới xuống nhà chị H., biểu chỉ gom đồ sáng mai ra cách ly, chỉ đi Đà Nẵng về hôm qua”… Mỗi ngày, những thông tin như thế cứ dội ngược vào Nam. Cái bệnh viện huyện nằm trên một khu đất rộng trơ trọi, mà điểm đặc thù là các hành lang thông thống nhau, trở thành địa điểm cách ly.
Ai từ Đà Nẵng về cũng được đưa ra đó. “Rồi lỡ đang đêm có gì, cấp cứu ở đâu?”, mẹ tôi hỏi thảng thốt bên đầu này điện thoại và sau đó gần như mất ngủ khi chị tôi nói “thì ở đó luôn chứ đâu”. Khu cách ly là Khoa Thận của bệnh viện, cách Khoa Cấp cứu cái hành lang dài, tối om.
Người miền Trung quanh năm vật lộn với cánh đồng, phiên chợ… Chỉ cần có đất, có sông, có chợ là không ai sợ đói. Nhưng vật lộn với dịch bệnh thì khác. Họ sợ hãi, nỗi sợ ấy hằn rõ trong từng dòng tin nhắn. Bởi đó là thứ “xâm nhập” nào đó mà họ chỉ nhìn thấy hình dáng qua người hàng xóm xách giỏ đi cách ly mười mấy ngày, qua những bản tin về “tử vong trên nền bệnh lý nặng” mà giờ họ đã có thói quen mở xem mỗi tối.
|
Những chuyến hàng gửi về miền Trung, để những đứa con tha hương có chút lý do bớt bất an |
Mà, tin xấu thì như con rết, bò len lỏi. Họ không biết bao nhiêu người đã âm tính, họ chỉ nhớ mồn một những người không qua khỏi. Cái xóm nhỏ vì thế đầy những tiếng thở dài và cái chất rổn rảng đặc thù in trong giọng nói của người miền Trung cũng không còn được thấy qua điện thoại nữa.
Ngày này những năm trước, anh tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu các phương án chằng chống phên, mái. Mẹ tôi sẽ gọi mỗi ngày chục cuộc, để nói về bản tin báo bão mẹ vừa nghe trên ti vi, để hỏi mái hiên sau nhà đã gọi người đến kiểm tra chưa… Giờ, cũng vẫn chục cuộc mỗi ngày hoặc hơn, mẹ chỉ hỏi mỗi chuyện mua khẩu trang chưa, xóm mình hôm nay có ai đi cách ly, dặn ngoài đi chợ đừng đi đâu nữa…
|
Trong hội đồng hương, người được giao đóng thùng gel rửa tay, khẩu trang… kẻ lo khâu vận chuyển, người lo khâu tiếp nhận |
Cách đây vài ngày, cơn bão số 2 đổ bộ vào Thái Bình - Nghệ An, khúc quê bị ảnh hưởng bão, trở gió, đang nắng rát bỗng mưa dầm. Mẹ cũng quên mất, như thể “con cô vít” đã ăn mất những cơn bão miền Trung khắc nghiệt. Anh bảo nay trời mưa rồi, mà mẹ vẫn không nhớ mùa bão đã bắt đầu. Mẹ chỉ ước gì mẹ có thể về quê, chẳng để làm gì nhưng ít nhất không bị lửa đốt như bây giờ. Mẹ vào Sài Gòn để tái khám, sẵn tiện chăm cháu một thời gian, rồi “kẹt” lại.
Hôm kia, từ khu cách ly, bà M. gọi vào, bảo rằng mẹ may mắn khi không ở quê lúc này. Nhiều người nghĩ thế, chỉ mẹ là không thấy thế. Thật khó giải thích nhưng với mẹ, nỗi lo bị lây nhiễm và nỗi lo khi không biết con, cháu mình ở quê có được bình an không, như thể ngang nhau. Ở phương Nam này, mẹ tôi, mẹ cậu bạn cùng xóm, cô H., cô B… những người không thể ngăn mình đừng ngoái đầu nhìn về miền quê, lúc này đều giống nhau ở điểm khó giải thích ấy.
Miền quê như pháo đài chống dịch
Hôm trước trên xã về họp, xác định “mỗi miền quê là một pháo đài chống dịch”. Người dân quê lần đầu tiên được hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, khi nào thì rửa tay, rửa tay trong bao nhiêu giây… Nhưng nỗi bất an trong các xóm nhỏ cũng lan nhanh như tốc độ lây của chủng vi-rút Corona mới.
Chúng tôi, những người trẻ cậy mình nhanh nhạy và biết tận dụng mạng xã hội, cứ vài phút một lần, lại ra - vào các trang, nhóm hội đồng hương. Các cuộc họp online diễn ra nhiều hơn và nếu những năm trước, chúng tôi bàn về việc sẽ chuẩn bị quà Trung thu gì, bày trò vui gì cho đám trẻ con ở quê hay mùa mưa bão năm nay sẽ làm gì… thì giờ, trong cuộc họp online ấy, thỉnh thoảng từ “lo quá” lại thốt lên, làm không khí chùng xuống.
Quà là khẩu trang, nước rửa tay… chúng tôi đóng thành thùng chuyển về, cho hàng xóm mình, cho các bác sĩ ở bệnh viện xứ mình nhưng tất cả đều biết, đây giống như liệu pháp để những kẻ tha hương vin vào đó mà có thể giảm nhẹ bất an, nhiều hơn là một giải pháp cho chính những người nhận.
|
Danh sách các đám tiệc với số người dự phải hoãn vì dịch COVID-19 được cập nhật mỗi ngày, với sự chia sẻ, cổ vũ từ những người xa quê |
Nhưng cũng kỳ lạ lắm. Những ngày này, mọi hiềm khích mang tên người-hàng-xóm-đáng-ghét mà ở miền quê nào cũng có, dường như trốn đâu mất. Ngày bà M. đi cách ly, “cha nội” chung hàng rào ngày nào cũng cự cãi với bà về tiếng chó sủa suốt đêm, bỗng dưng nhỏ nhẹ: “Bà lo con chó đói chớ gì, đi đi, tui lo nó ăn ngày ba lần, bà về mà nó ốm thì tui đền”.
Bà thím mới hôm trước cãi nhau một trận tóe khói với chị H. vì một lý do không đầu không đũa, hôm đó giúi vào tay chị mấy bịch bánh ăn vặt, “hằm hè”: “Nhớ mấy ổng dặn sao thì làm y vậy, đừng có buồn buồn mà trốn về nhà là tao quánh mày trước”.
Lò mổ heo đầu xóm, chiều đó cho người xách rọ xuống “xúc” mấy con heo trong chuồng nhà ông già cuối xóm: “Mấy khi heo nhỏ vầy tui không mua đâu, nhưng nhà ông đi tới mười mấy ngày, không ai cho ăn, tụi nó chết chứ sống gì nổi. Để tui cân, tui trả đúng giá thị trường, lo mà đi đi”…
Cậu bạn tôi hôm kia kể, cái bà hắc ám chung vách, bình thường hai nhà chả thèm nhìn mặt nhau, bỗng dưng qua nhà cậu “rủ” hùn nhau nấu nồi bún cá, tiếp tế cho mấy người ở khu cách ly. “Trời ơi mấy chục năm rồi tao chưa thấy bả “hiền” như vậy lần nào”, cậu cười to trong điện thoại.
|
Rủ nhau nấu ăn, tiếp tế vào khu cách ly |
Mẹ tôi nói, thật ra khi gọi cái miền quê đất rộng rào thưa cửa trống là “pháo đài”, là người nói có vẻ đã rất hiểu đặc tính của người miền quê rồi. Ở đó, những bữa ăn hằng ngày có thể làm lu mờ các lý lẽ, người ta có thể cãi nhau chí chóe chỉ vì nhà bên cạnh… tự nhiên nhìn phát ghét. Nhưng đó là “thời bình”. “Thời chiến”, họ đói cùng nhau, đau cùng nhau, hàn gắn cùng nhau. Không ai bị bỏ lại. Tính liên kết ở họ vững chắc và sừng sững như một pháo đài đúng nghĩa, không gì có thể phá được. Khi con vi-rút ngạo nghễ tấn công miền quê, họ chật vật xoay xở và thích nghi, nhưng là cùng nhau không ai phải nắm níu một mình.
Dịch bệnh rồi cũng qua, như đã từng. Tôi nói với mẹ thế, chúng tôi cùng động viên nhau trong các hội nhóm đồng hương thế. Mai thôi, người miền quê, rồi lại chửi nhau đến xói lở tóc tai, quên mất họ từng xót xa cho nhau thế nào trong dịch bệnh. Thì, cũng như bây giờ, họ hướng về nhau như đó là khúc ruột, như chưa từng có những trận cãi vã tung tóe trong “thời bình”. Nhưng, qua mỗi giai đoạn, là một lần lớn lên, mạnh thêm. Và tính liên kết, dù bình hay chiến, dù cãi hay cười, vẫn ở đó, dưới hình thái này hay hình thái khác. n
“Đêm nay là đêm rằm.
Lời khấn cầu dưới Phật của tôi có gì?
Như đêm rằm trước dưới chân đức Phật chùa Linh Ứng.
Vẫn là những nguyện cầu bình an cho gia đình, người thân, người đã thương, người sẽ thương.
Nhưng lần này còn có thêm những nguyện lành thương về Đà Nẵng.
Thành phố vẫn đang trong tâm dịch, cái tên Đà Nẵng vẫn nóng nhất trong các thị thành đất Việt, vẫn là nơi cả nước dõi về với tất cả âu lo, quan tâm, yêu thương hoặc có cả chán chường!
Nhưng trên hết, vẫn là những cầu chúc thành phố sẽ sớm bình yên trong cơn đại dịch.
Lời cầu nguyện đêm rằm này, dành riêng cho Đà Nẵng của tôi”.
(Trích Facebook nhà báo Lê Minh Hạ)
Lương Hàn Chinh