edf40wrjww2tblPage:Content
Cảnh nghèo khó của gia đình anh Chấn
ĐÊM ĐỊNH MỆNH
Vụ án oan này bắt đầu từ ngày 15/8/2003, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Chị Nguyễn Thị Hoan bị kẻ xấu giết hại. Kết quả khám nghiệm tử thi, hiện trường cho thấy nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch dẫn đến tử vong.
Hai ngày sau, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án “giết người” và tổ chức truy tìm hung thủ. Tại hiện trường, hung thủ để lại một lưỡi dao. Hai chiếc nhẫn trên tay (một nhẫn vàng ta, một nhẫn vàng tây) của nạn nhân bị lấy đi và còn nguyên dấu vết mới bị tháo. Nhiều người nghi đó là vụ giết người cướp của chứ không phải nguyên nhân nào khác.
Và, với từng ấy dấu vết bất thường, lẽ ra cơ quan điều tra phải nhận định đây là vụ án giết người cướp của, nhưng không hiểu sao các điều tra viên lại điều tra theo một hướng khác. Quá trình điều tra gặp bế tắc, nhiều người trong làng được mời lên trụ sở UBND xã làm việc, rồi lại được thả về, chẳng biết căn cứ vào đâu mà họ lại bắt anh Nguyễn Thanh Chấn mà không có bất cứ một thứ lệnh bắt nào được công bố trước bàn dân thiên hạ.
Thấy chồng đi mấy ngày không về, vợ anh Chấn, chị Nguyễn Thị Chiến cầu cứu họ hàng, làng xóm giúp đỡ. Bản thân chị Chiến là người ít học, không va chạm với cuộc sống bên ngoài nhiều nên vốn sống, sự hiểu biết xã hội còn nhiều hạn chế. Thấy chồng bị bắt, chị hoảng quá, suốt ngày chỉ biết kêu khóc, than trời…
Đúng lúc này, vợ chồng chị Thân Thị Hải, SN 1958 và anh Nguyễn Văn Ngọc (anh Ngọc lúc đó còn là công an) xuất hiện như những vị cứu tinh. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, anh Ngọc truyền cho vợ một niềm tin rằng anh Chấn vô tội. Bằng chứng là hàng loạt những sai phạm của cơ quan điều tra, trong quá trình tố tụng của vụ án này, được anh Ngọc vạch trần.
Anh Nguyễn Thanh Chấn và vợ, chị Nguyễn Thị Chiến
Nhưng thật không may, ba năm sau ngày anh Chấn bị bắt, anh Ngọc qua đời vì bị ung thư. Trước khi mất, anh Ngọc trăn trối lại cho vợ: “Em hãy làm mọi cách, phải đồng hành cùng vợ chồng em Chấn, đòi lại lẽ công bằng”. Thấy anh rể và chị gái quá tốt với người dưng như vậy, anh Thân Ngọc Hoạt ở cùng xã với anh Chấn, đồng thời cũng là anh em đồng hao với anh Chấn không thể làm ngơ. Anh Hoạt cũng tin ngay từ đầu, anh Chấn không thể là kẻ sát nhân, nên trong quá trình tố tụng, thấy chị Chiến khó khăn quá, anh Hoạt đã đem “cắm” sổ đỏ mảnh đất của mình lấy 95 triệu đồng, làm lộ phí. Nhiều người làng tin anh Chấn vô tội, họ vét cạn tiền trong nhà, góp cho anh Hoạt để chung tay đi đòi công lý cho anh Chấn.
Ngày 28/9/2003, cơ quan điều tra ra lệnh tạm giữ và ngày hôm sau ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 3/12/2003, bản kết luận điều tra hoàn tất và cơ quan công tố truy tố anh Chấn tội giết người. Trong phiên tòa sơ thẩm, anh Chấn một mực kêu oan; nhiều người dân sẵn sàng ra làm chứng vào thời điểm xảy ra vụ án họ có nhìn thấy anh Chấn. Các luật sư cũng đưa ra nhiều luận điểm rất khoa học chứng minh anh Chấn vô tội và hàng trăm lá đơn của người dân Nghĩa Trung kêu oan cho anh Chấn gửi đến tòa án. Nhưng tòa lạnh lùng tuyên anh mức án chung thân, đáng ra anh phải nhận án tử hình về tội giết người, nhưng vì anh là con trai duy nhất của liệt sĩ.
Suốt từ lúc anh Chấn bị bắt, người nhà anh liên tục nhận được thông tin công an đã dùng nhục hình, bức cung, ép cung để buộc anh nhận tội mà anh không làm. Rồi họ làm hàng chục lá đơn kêu oan, đơn tố cáo, đơn đề nghị… và đến cuối cùng, TAND Tối cao vẫn tuyên phạt anh Chấn án chung thân về tội “giết người”.
Chưa hết, kể từ ngày 7/12/2004, khi được đưa đi thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, bản thân anh Chấn và chị Chiến đã liên tục viết đơn kêu oan.
Chị Hải trực tiếp đưa chị Chiến đi hàng trăm lần xuống Hà Nội gửi đơn với những lời lẽ thống thiết, nhưng chỉ nhận được vài công văn trả lời với nội dung: “cơ quan X...Y đã nhận được đơn của ông, bà...và đã gửi đến Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét, giải quyết”. Suốt hàng chục năm trời, những gì anh Chấn và người nhà nhận được chỉ là “đã gửi đơn về nơi người ta đổ oan cho mình”. Nhiều khi tuyệt vọng, anh Chấn đã tìm đến cái chết để giải thoát cho vợ con đỡ khổ. Nhưng rất may, cả hai lần anh Chấn tự tử đều không thành.
Anh Chấn khóc khi đọc lại những lá đơn kêu oan
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ KIÊN CƯỜNG ĐI TÌM SỰ THẬT
Với người làng, anh Chấn là người đàn ông “lành như cục đất”, yêu vợ, thương con, sống chan hòa với làng trên xóm dưới. Mẹ đẻ anh Chấn là cụ Vì, năm nay 72 tuổi. Khi chúng tôi hỏi: “Cụ ơi, suốt 10 năm tin con trai bị oan, cụ đã sống thế nào?”, bà cụ chỉ cười nhưng nước mắt chực tuôn rơi, nói: “Đời tôi khổ một thì con dâu tôi (chị Chiến - vợ anh Chấn) khổ mười. Tôi lấy chồng năm 18 tuổi, năm 20 tuổi sinh ra thằng Chấn thì chồng tôi đi bộ đội. Khi thằng Chấn ba tuổi thì tôi nhận được giấy báo tử của bố nó. Tôi ở giá nuôi thằng Chấn lớn khôn và chăm sóc mẹ chồng. Ông ấy hy sinh ở miền Trung, mấy năm trước mới tìm được hài cốt để đưa về quê hương thì mẹ già đã chết rồi, con trai thì bị đi tù…”.
Có lẽ xưa nay hiếm mẹ chồng nào tin, yêu con dâu như cụ Vì. Trong 10 năm anh Chấn đi tù oan, chị Chiến hai lần bị tai nạn giao thông “thừa sống thiếu chết”, chính cụ Vì là người chăm sóc con dâu, lo cho con dâu từng li từng tí. Sống trong sự khổ đau đến tận cùng, những người phụ nữ tử tế đã dựa vào nhau để đi tiếp con đường đầy chông gai mang tên “công lý”. Thiếu anh Chấn, những đứa con đang đi học đành xin nghỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn. Đứa con gái thứ hai, vừa lớn lên đã nằng nặc đòi xin sang Đài Loan làm Ô sin kiếm tiền. Cô thề sẽ hy sinh cả cuộc đời, vắt kiệt sức để lao động, kiếm tiền để mẹ đi đòi công lý cho cha.
Đứa con trai đầu lấy vợ, sinh được hai cháu trai xinh xắn. Một hôm, cô vợ bỗng chỉ thẳng vào mặt chồng mà nói: “Tao không thèm ở với thằng chồng có bố giết người”. Thế là cuộc hôn nhân ấy tan vỡ. Nàng con dâu cả sẵn sàng bỏ lại hai con để đi tìm hạnh phúc riêng. Gia đình chị Chiến đã có lúc đứng bên bờ vực tuyệt vọng, đói ăn, thiếu mặc, đau đớn. Dù vậy, chị Chiến, chị Hải, cụ Vì và những người con gái của anh Chấn không phút nào ngừng theo đuổi mục tiêu của mình.
Chừng tám, chín năm sau, trong làng xuất hiện tin đồn về kẻ giết chị Hoan thực sự vẫn còn sống. Chị Hải lập tức sắm các thiết bị nghe lén, ghi âm… để điều tra độc lập, bám theo tin đồn. Được thừa hưởng “máu”nghề nghiệp của chồng, chị Hải thực hiện cuộc điều tra khá bài bản. Chị xác định được người phát tin tỏ ra day dứt, muốn cởi bỏ gánh nặng về một sự thật tàn ác, khi ông sắp sửa lìa xa cõi đời. Ông này chính là bố vợ sau của Lý Văn Chúc, còn kẻ gây án là Lý Nguyễn Chung (SN1988), con đẻ của Lý Văn Chúc.
Ông Chúc lấy vợ ở Lạng Sơn, sinh ra Lý Nguyễn Chung, nhưng người vợ cả không may qua đời. Ông Chúc trở về xã Nghĩa Trung lấy vợ hai, để Chung sống ở Lạng Sơn cùng gia đình bên ngoại. Chung không sống với bố, cũng chẳng ở với ông bà ngoại, hắn đi lang bạt kỳ hồ nên không ai để ý. Đêm định mệnh đó, hắn chính là kẻ đã giết chị Hoan để cướp lấy hai chiếc nhẫn vàng và 59.000đ. Giết người xong, Chung có về nhà ngâm bộ quần áo dính máu vào chậu để ở bờ giếng. Mẹ kế của Chung là người giặt bộ quần áo đó, chị nói cho bố Chung biết sự thật. Nghe xong, thay vì đưa con ra trình diện, ông Chúc lại thông đồng với họ hàng, anh em ruột thịt, đưa Chung đi trốn biệt suốt 10 năm qua.
Sự thật sẽ mãi mãi được giấu kín, nếu không có lần Chung gọi điện từ Tây Nguyên ra, xin bố 20 triệu đồng. Ông Chúc bàn với vợ bán con bò lấy tiền gửi cho Chung. Trong khi đó, tiền mua giống con bò lại của chính bố mẹ đẻ của vợ cho vay tạm. Người vợ yêu cầu bán bò phải trả tiền cho bố mẹ vợ, ông Chúc không đồng ý. Nhất định ông phải gửi cho con trai ông mới được. Có lẽ việc phải mang sự thật tày trời về thằng con trai nhẫn tâm, người mẹ kế đã ấm ức đến mức không chịu nổi. Chị còn “quẳng” lại sự thật cho cha đẻ của mình biết và quyết định rời làng đi biệt tích suốt mấy năm trời. Người già, sức chịu đựng có hạn, người ta quyết định nói ra sự thật chỉ vì, “tôi chết cũng không nhắm mắt được nếu mang theo sự thật này”…
Cái kim trong bọc rồi cũng đến ngày lòi ra. Chua chát ở chỗ, kẻ giết người bị vạch mặt, không phải bởi những biện pháp nghiệp vụ "cao siêu" như cán bộ công an tỉnh Bắc Giang đã từng áp dụng với anh Chấn. Hắn bị lần ra cho dù đã thay hàng trăm số điện thoại, đi hàng chục miền đất khác nhau và cuối cùng, hắn được thuyết phục ra đầu thú.
Kết quả điều tra của Cục điều tra Viện kiểm sát Tối cao cho biết: “Đêm 15/8/2003, Chung thấy chị Hoan đang ngồi đếm tiền. Tưởng chị có nhiều tiền, gã choai mới 14 tuổi tám tháng lẻn vào dùng dao giết chị Hoan để cướp 59.000đ và hai chiếc nhẫn. Về đến nhà, hắn giặt bộ quần áo dính đầy máu và kể lại vụ việc với bố, mẹ kế và các anh chị em trong nhà. Chung gửi anh trai chiếc nhẫn vàng ta nhưng vợ anh này không đồng ý vì đây là đồ trộm cướp, không chứa trong nhà. Khi hắn tâm sự sẽ bỏ trốn, mọi người trong nhà không hề ngăn cản, thậm chí còn tiếp sức cho Chung. Rời quê, Chung dạt đến nhiều nơi ẩn náu cho đến tận bây giờ".
CHI MAI
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với anh Nguyễn Thanh Chấn và Viện phó Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 6/11/2013, vụ án sẽ được đưa ra Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm. |