Những ngày giáp tết căng như dây đàn

05/02/2021 - 05:43

PNO - Trưa Ba mươi tết nào má tôi cũng tức nước vỡ bờ, la chồng mắng con. Và rồi những ngày cuối năm của tôi cũng đầy mồ hôi và cả nước mắt.

Tôi nhớ mãi những cái tết ngày còn thơ bé. Má tôi tất bật từ cuối thu, chuẩn bị măng khô, đậu xanh đậu phộng, lá chuối… này nọ cho cái tết.

Hồi ấy, thực phẩm và các thứ khác chưa có sẵn hay nhiều như bây giờ. Đa phần đều tự cung tự cấp và tâm lý “để dành tới tết” vẫn in sâu trong lòng mọi người. Ba tôi khá gia trưởng, không thích mua đồ bên ngoài; lại quen với suy nghĩ: ngày tư ngày tết, nhất định không được thiếu thốn cái gì…

Mẹ tôi tất bất nấu nướng, rất vất vả - Ảnh minh họa
Mẹ tôi tất bật nấu nướng, rất vất vả - Ảnh minh họa

Bởi thế, má tôi túi bụi nấu nướng đủ thứ. Nào làm giò thủ, phải có nhiều tiêu sọ tiêu xay, gói bằng giấy xi măng bên ngoài, trong là lá khô, cột bằng dây chuối, mới đúng điệu. Bánh chưng phải đúng chuẩn Bắc, lá dong xanh, nêm nhiều củ hành tím xắt nhỏ phi lên thơm nức. Rồi thì khổ qua hầm, thịt kho kiểu Nam bộ. Dưa giá, dưa hành, dưa chua, củ cải trắng củ cải đỏ ngâm chua ngọt. Lỗ tai heo, vịt khìa nước dừa, mứt khoai mứt bí, kim chi dưa món cũng không được thiếu. Sang tiết mục hoa quả, bông trái, bánh kẹo…

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thương má mình da diết. Sao mà má cam chịu, phục tùng, bỏ nhiều công sức và tâm trí đến thế! Những hôm cuối năm trời rét, má thức dậy từ tờ mờ sáng, đi chợ, lắm khi phải hai ba đợt mới mua đủ các thứ cần sắm sửa. Xong là cả ngày nai lưng ra chế biến, cắt gọt…

Nên đừng ngạc nhiên là những năm ấy, trưa Ba mươi tết nào má tôi cũng tức nước vỡ bờ, la chồng mắng con. Hoặc ba tôi đi nhậu tất niên về, đá thúng đụng nia chê bai, là ồn ào. Không khí trong nhà phăng phắc sợ hãi. 

Tôi lớn lên, đi làm rồi kết hôn, tự nhủ mình sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ của má. Tết nhất gì mà cực quá trời quá đất! Tôi tự tin mình là người phụ nữ hiện đại, sẽ chọn phong cách công nghiệp, giản tiện, không chê bai truyền thống này nọ nhưng cũng đừng nên phức tạp quá.

Thế nhưng, người ta bảo, con gái ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi lối sống và nếp giáo dục từ nhỏ của gia đình, thật chẳng sai. Tôi vô thức vẫn ưa bày biện, tích cóp. Tôi vẫn muốn “chiều Ba mươi tết thịt treo trong nhà”, nghĩa là đủ hết mọi thứ, ăm ắp, dư dả. Tôi cứ lo thiếu cái này thì mất hay, thiếu cái kia thì không trọn vẹn. Chẳng ai bắt ép nhưng thâm tâm tôi cứ bứt rứt, lo âu, thiêu thiếu trong lòng. Để rồi những ngày cuối năm của tôi cũng đầy mồ hôi và cả nước mắt.

Tủi thân, giận hờn, uất ức, tức tối vì chồng vụng về, con vô tâm, nhà chồng đông đúc mà thờ ơ thản nhiên trước sự tất tả của cô con dâu cầu toàn…

May quá, tôi có chồng làm cái “phanh” cản lại những cơn cuồng mua bán, nấu nướng, trưng bày. Anh vừa phụ tôi sắp xếp, vừa ngăn tôi lôi hết tủ áo tủ chén tủ thờ… ra giặt giũ, lau rửa. Đâu nhất thiết phải tổng vệ sinh, nói cách khác là “tổng hành xác” vào cuối năm như vậy! Ngày hội toàn dân ăn thịt kho trứng đó sao, bộ bình thường thiếu mấy món này à? Chủ yếu là tươm tất, có lòng là được rồi. Không nhất thiết phải quá câu nệ hình thức.

Làm sao để có cái tết thảnh thơi, nụ cười nở trên môi người phụ nữ? - Ảnh minh họa
Làm sao để có cái tết thảnh thơi, nụ cười nở trên môi mọi người? - Ảnh minh họa

Tết là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, phải biết dành nó cho bản thân, phải cân đối giữa dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, thăm chúc biếu xén và đi tút tát lại chính mình, hẹn gặp bạn bè, thậm chí tranh thủ đi chơi xa chứ. Vất vả như vậy, còn chút thong thả nào cho ba ngày tết?

Không “hên” được như thế, nhiều chị em vẫn phải nai lưng ra với các khái niệm “cỗ tết”, đãi đằng tiếp khách rồi cúng kiếng dằng dặc. Sấp mặt suốt tết, buông ra thì đã tới ngày đi làm lại. Chồng ung dung ngồi mâm, hối cái này, đòi cái kia, cụng ly liên tục. 

Nghe thì khó tin nhưng cũng phải vài năm, tôi mới thấm nhuần và thực hành được cách đón tết đơn giản, tiết chế thực phẩm bánh trái, dành thời gian để xem phim, đi hội hoa xuân, ghé đường sách, chụp ảnh, coi múa lân, du lịch này nọ…

Tôi dần nhận ra, người ta, ý là cánh chị em chúng mình ấy, vẫn có thể đón những cái tết thong thả, thảnh thơi, đúng nghĩa tận hưởng lễ lạt. Ngoài việc chúng ta lựa chọn cách sống ra sao, thì một ông chồng không quá coi trọng hình thức, không ưa bày vẽ xét nét sẽ khiến cho việc “ăn tết” dễ dàng hơn hẳn. Đừng đặt mình vào trong “thế khó” đầy hoàn cảnh như má tôi đã từng…

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI