Những ngày giãn cách: Sài Gòn tìm nhau qua ánh mắt…

13/06/2021 - 07:20

PNO - Sài Gòn những ngày dịch bệnh như thể mọi cảm xúc đều được phản chiếu trong đôi mắt - những đôi mắt cười trao nhau hay những cái nhíu mày lo lắng. Có những đôi mắt mỏi mệt; cả những ánh nhìn chia sẻ, động viên…

Công viên đóng cửa, những xe bán hàng rong cũng không còn tụ tập bên ngoài như trước. Người bảo vệ ngồi lặng lẽ. Trước đây, mọi ngày, từ hừng đông, công viên đã đón bước chân người đi tập thể dục, cuối tuần lại càng đông đúc hơn. Người già đi bộ, thanh niên đá cầu, chơi bóng rổ… 

Bên ngoài cổng có một xe trái cây, với hai người khách dừng lại mua. Dưa hấu 12.000 đồng/kg, xoài 20.000 đồng/kg… - giá bán cũng rẻ hơn thường ngày. Khách đi rồi, người bán xoài còn chạy theo dúi cho thêm mấy trái. 

ẢNH: TAM NGUYÊN

Anh mặc chiếc áo sờn vai, mồ hôi lấm tấm trên mặt, thấm vào cả chiếc khẩu trang y tế. “Cho cô thêm, tầm này cũng chỉ muốn bán nhanh rồi về nhà” - anh thật thà. Có lẽ, chỉ trong những ngày Sài Gòn “bệnh”, người mưu sinh mới lại mong bán rẻ để mau mau được trở về nhà.

“Đường phố những ngày này thấy còn vắng hơn cả tết”, “Ra đường vắng quá, nhìn không quen”… Những chia sẻ, cảm nhận của bạn bè trên Facebook, đọc cứ xốn xang.

Một người bạn tôi từng nói, người Sài Gòn có thể thích thành phố những ngày im vắng nhưng chỉ là một vài ngày nghỉ lễ thôi. Sự vắng lặng này vốn không phải là nhịp sống của phố. Sự vắng lặng này khiến người ta thấy thắt lòng. 

Từ khung cửa sổ nhà tôi nhìn xuống con đường Võ Văn Kiệt, thường khi là dòng xe liên tục, chạy suốt ngày đêm. Xe máy, xe đò, ô tô, xe tải… nối đuôi nhau từ Quốc lộ 1A về trung tâm. Vậy mà những ngày này, đại lộ ấy có nhiều lúc vắng lắm.

Lại thấy nhớ mình của những ngày cũng hòa vào dòng xe xuôi ngược, đi dọc dòng kênh Tàu Hũ, qua quận 5, đến quận 3, quận 1… Nhịp mưu sinh không bao giờ ngơi nghỉ trên những cung đường. Những ngày dịch bệnh, mọi lịch công việc, họp hành, cà phê, ăn uống, gặp gỡ… đều gác lại. 

Chung cư nơi tôi sống, mọi người cũng dè chừng nhau hơn, tránh vào thang máy quá đông, tránh cả việc cười nói trong không gian đang chia sẻ với người lạ. Bạn ở quận 10 thì bảo, khi đi chợ, bạn cũng chỉ dừng lại ở gian hàng nào thông thoáng, thưa người. Những chàng trai, cô gái trước kia thích la cà hàng quán, giờ ở nhà tự nấu ăn. Bọn trẻ con cũng được người lớn giữ rịt trong nhà. 

Tự bao giờ, chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân và khuôn mặt của mỗi người khi ra đường cũng không còn cần thiết điểm trang, tô vẽ. Người quen nhận ra nhau, trò chuyện, hiểu nhau qua ánh mắt. Người lạ cũng nhìn vào mắt nhau mà cảm nhận thái độ, cảm xúc của người đối diện.

Xem bản tin thời sự, nhìn thấy những đôi mắt mệt mỏi phía sau lớp kính bảo hộ của các y, bác sĩ, những đôi mắt nhắm nghiền trong giấc ngủ vội, những đôi mắt đỏ hoe của người mẹ xa con… cảm nhận có hạt nước ấm nóng trên đôi mắt mình, trong lòng là một nỗi thương và biết ơn không thể nói thành lời.

Chỉ mong một ngày không xa, những bộ đồ bảo hộ nóng bức, khẩu trang và kính chống giọt bắn hằn vết trên khuôn mặt sẽ được tháo xuống và đôi mắt của các y, bác sĩ tuyến đầu sẽ cho chúng ta biết họ đã thật sự nhẹ lòng. 

Đêm qua, tôi mơ về một hình ảnh rất đỗi bình thường, rằng trong quán cà phê rộn rã tiếng nói cười, có những đôi tình nhân ngồi bên nhau bình yên, những bạn trẻ tụm năm tụm bảy trò chuyện. Những khuôn mặt không phải đeo khẩu trang, những nói cười không phải dè chừng, những thân thiết không cần phải giữ khoảng cách 2m…

Có những ngày biến động mới thấy quý trọng những bình yên giản dị. Thông điệp này đã được sẻ chia cùng nhau vào “năm COVID-19 thứ nhất”. Bây giờ, cả thành phố căng mình chống dịch, thường trực trong lòng nỗi mong chờ này: ngày chúng ta có thể mở khẩu trang và ra đường hò hẹn cùng nhau chính là ngày tươi đẹp, bình yên nhất… 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI