Những ngày… có mùi

03/05/2013 - 17:23

PNO - PN - Bác sĩ ơi, trong tháng có hai lần chỗ ấy của cháu “có mùi”: lần trong mấy ngày hành kinh và lần giữa chu kỳ. Dù giữ vệ sinh khá kỹ và sử dụng cả nước rửa chuyên dùng, cháu vẫn chưa an tâm. Cháu sợ làm phiền người nào vô...

Ếch xanh (14 tuổi)

Khi bước vào tuổi dậy thì, thỉnh thoảng khứu giác của các thiếu nữ bị làm phiền bởi những “mùi lạ” ở nách và khu “tam giác mật”. Không phải cô gái nào cũng có mùi giống nhau, mà mỗi người - như từng loại hoa - lại “sở hữu” một mùi hương riêng. Cái mùi đặc trưng ấy là của cháu, đừng ghét bỏ mà hãy chăm sóc cơ thể mình cẩn thận, nó sẽ rất “hay”, thậm chí còn tạo nét riêng độc đáo đấy cháu ạ!

Nhung ngay… co mui

Có lẽ cháu cũng biết, tử cung cấu tạo gồm ba lớp: 1/ Lớp vỏ xơ bao bọc bên ngoài trơn láng, rất chắc khỏe. 2/ Lớp bắp thịt ở giữa, gồm ba loại cơ: cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo. 3/ Lớp màng lót bên trong cùng gọi là nội mạc tử cung. Nối với tử cung là âm đạo, như con kênh mở từ cơ thể ra ngoài. Trong cơ thể phụ nữ có hai nơi là mắt và âm đạo, được tạo hóa ban cho cách tự bảo vệ tuyệt vời. Âm đạo dài khoảng 7-8cm, bên trong có một thảm vi sinh vật, dòng họ Lactobacilli sử dụng glycogen của lớp tế bào bề mặt âm đạo tạo thành acid lactic, đảm bảo cho độ pH của âm đạo luôn có tính acid giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, chủng vi trùng này còn tạo ra “nước ôxy già” (H2O2) giúp diệt trùng và làm tăng độ acid của âm đạo. Nếu cháu không giữ vệ sinh sạch sẽ hoặc vệ sinh không đúng cách, để cho đám vi khuẩn bên ngoài tấn công, những vi khuẩn đang sống nơi đây thua trận thì viêm nhiễm sẽ xảy ra. Lúc ấy vùng cấm của cháu có thể bị ngứa ngáy, sưng tấy đến “mất ăn mất ngủ”.

Cổ tử cung luôn tiết ra một chất dịch màu trắng trong được gọi là leukorrhea (khí hư, huyết trắng sinh lý), đảm trách nhiệm vụ tổng vệ sinh vùng “cấm” bằng cách đào thải chất bẩn và cặn bã, đồng thời lại là nguồn trung gian lôi kéo vi trùng gây bệnh. Vào thời kỳ rụng trứng, cổ tử cung tiết ra một chất dịch trong suốt, trơn, dai dai như lòng trắng trứng, có thể có màu vàng nhạt hoặc hồng nhạt, mùi ngậy ngậy, để đảm bảo quá trình thải hồi được dễ dàng hơn. Do có nhiều tuyến tiết dịch với những khe kẽ, nếp gấp, âm đạo trở thành nơi đóng quân của bọn nấm và vi khuẩn, gây ẩm ướt. Đặc biệt trong kỳ kinh, đội quân này phát triển mạnh mẽ về số lượng. Khu vực vùng sâu vùng xa này lại kín đáo, thiếu oxy, bị che chắn “kín cổng cao tường” nên những chất bẩn và cặn bã rất dễ lưu lại. Đó là những nguyên nhân cơ bản gây bệnh phụ khoa cho nhiều bạn gái.

Cháu cần vệ sinh thân thể mỗi ngày ít nhất một lần, có thể dùng xà bông loại ít kiềm, đừng dại dột dùng nước rửa phụ khoa đặc chế khi chưa có lời khuyên của thầy thuốc nhé. Sử dụng quần lót chất liệu cotton co giãn và nhớ thay hàng ngày. Thay băng vệ sinh bốn-năm giờ/lần khi hành kinh. Nếu cháu phát hiện dấu hiệu bất thường bắt nguồn từ chỗ đó (mùi tanh lạ, mùi hơi men, dịch tiết màu vàng hoặc xanh…), hãy tới gặp thầy thuốc ngay.

ThS-BS Lan Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI