Những ngày chết chóc ở Ấn Độ: Từ bán đại trà, mang vắc xin đi cho cuối cùng phải nhập khẩu

18/04/2021 - 21:30

PNO - Sau khi tặng và bán hàng chục triệu liều vắc-xin COVID-19 ra nước ngoài, Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc tiêm khi các ca nhiễm trùng mới gia tăng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Hôm nay 18/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này đã có hơn 260.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và thông báo đây là ngày có số ca nhiễm mới cao kỷ lục từ đầu dịch đến nay. Không những thế, suốt những tuần qua, Ấn Độ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi ca nhiễm mới liên tục tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại ở quốc gia đông dân số thứ hai thế giới.

Tính đến thời điểm này, số người chết vì COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 177.000 người. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm lên tới gần 15 triệu. 

Không những các ca nhiễm ngày càng gia tăng, các chuyên gia lo rằng có thể biến thể đôi của virus corona đang dẫn đến tốc độ lây bệnh kinh hoàng hiện nay. Biến thể đôi, được đặt tên B.1.617, chứa hai biến thể độc lập khác của virus corona là E484Q và L452R.

Một bệnh nhân có vấn đề về hô hấp được đưa vào bệnh viện COVID-19 để điều trị, giữa đại dịch bệnh coronavirus, Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 14 tháng 4 năm 2021. REUTERS / Amit Dave / File Photo
Một bệnh nhân có vấn đề về hô hấp được đưa vào bệnh viện để điều trị, giữa đại dịch bệnh COVID-19 tại Ahmedabad, Ấn Độ

Với con số người mắc mới và tử vong liên tục tăng cao, các bệnh viện quá tải, Ấn Độ còn được báo động thực trạng thiếu hụt vắc xin giữa giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Điều này cũng đã làm tăng làn sóng chỉ trích đối với giới cầm quyền khi trước đây vì đã mang vắc xin đi bán đại trà và mang đi tặng ở nước ngoài nhiều hơn dành cho người dân trong nước.

Trước tình cảnh này, Ấn Độ cũng đột ngột thay đổi các quy tắc để cho phép kiểm soát nhanh việc nhập khẩu vắc-xin để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Trước đó, Ấn Độ từ chối các nhà sản xuất thuốc nước ngoài như Pfizer, thế nhưng tháng này, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vắc xin Sputnik V của Nga để tiêm chủng cho 125 triệu người.

Mọi người đứng bên ngoài cổng một trung tâm tiêm chủng sau khi nghe tin thiếu nguồn cung cấp vắc xin phòng bệnh do coronavirus (COVID-19), ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 9 tháng 4 năm 2021. REUTERS / Francis Mascarenhas / File Photo
Mọi người đứng bên ngoài cổng một trung tâm tiêm chủng lo lắng sau khi nghe tin thiếu nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ

Sự bùng phát ca mắc mới ở Ấn Độ đã làm đảo ngược mọi thứ và có thể cản trở không chỉ cuộc chiến ngăn chặn đại dịch của nước này mà còn cả các chiến dịch tiêm chủng ở hơn 60 quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi trong nhiều tháng.

Chương trình COVAX, được sự hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vắc-xin Gavi, nhằm mục đích tiếp cận vắc-xin công bằng trên toàn thế giới và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ Ấn Độ, cường quốc dược phẩm của châu Á. Tuy nhiên trong tháng này, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu được khoảng 1,2 triệu liều vắc xin. Con số rất thấp so với 64 triệu liều được vận chuyển ra nước ngoài từ cuối tháng Giêng đến tháng Ba.

Một quan chức có kiến ​​thức về chiến lược vắc xin của Ấn Độ nói rằng các mũi tiêm sẵn có sẽ được sử dụng trong nước trước trong khi nước này phải đối mặt với "tình huống khẩn cấp". “Không có cam kết với các nước khác", ông nói.

Một người bảo vệ giơ thông báo để thông báo cho mọi người về tình trạng thiếu nguồn cung cấp vắc xin phòng bệnh do coronavirus (COVID-19) tại một trung tâm tiêm chủng, ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 9 tháng 4 năm 2021. REUTERS / Francis Mascarenhas / File Photo
Một bảo vệ giơ bảng thông báo cho mọi người biết về tình trạng thiếu nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng, ở Mumbai, Ấn Độ

Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cơ quan giám sát các hợp đồng vắc xin với các nước khác, tuần trước cho biết rằng nhu cầu của Ấn Độ sẽ quyết định mức xuất khẩu. Riêng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, John Nkengasong, hồi đầu tháng cho biết sự chậm trễ trong nguồn cung từ Ấn Độ có thể là "thảm họa". 

"Chúng tôi hiểu sự bùng phát virus corona dữ dội ở Ấn Độ vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên, chúng tôi hy vọng và mong đợi việc giao hàng sẽ tiếp tục sớm nhất có thể", một quan chức của chương trình COVAX cho biết.

Thảo Nguyễn (theo IJ, Reuters)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI