Những ngành học lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

29/07/2024 - 11:15

PNO - Năm nay, “thị trường” tuyển sinh của các trường đại học xuất hiện nhiều ngành học mới, lần đầu tiên đào tạo tại Việt Nam, như: ArtTech (công nghệ nghệ thuật), kinh doanh thương mại Hàn Quốc, thiết kế và phát triển game, GenAI.

Học để đưa công nghệ vào nghệ thuật

Là ngành giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, ArtTech kết hợp giữa tri thức của các nghệ sĩ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo. Theo đó, các lĩnh vực truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc sẽ được kết hợp với công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo. Tiến sĩ Dong Su Yi - Phó trưởng khoa Thiết kế - Truyền thông, Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM - chia sẻ, ngành học này giúp mở rộng các giới hạn của nghệ thuật truyền thống, tạo ra các sáng tạo đột phá, ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực giáo dục, giải trí, truyền thông sự kiện, tiếp thị, công nghiệp sáng tạo, triển lãm, biểu diễn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều ngành học trong lĩnh vực này đã ra đời.  Trong ảnh: Sinh viên ngành robot và trí tuệ nhân tạo của Đại học Kinh tế TPHCM đang thực hành
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều ngành học trong lĩnh vực này đã ra đời. Trong ảnh: Sinh viên ngành robot và trí tuệ nhân tạo của Đại học Kinh tế TPHCM đang thực hành

Năm đầu tiên, ngành ArtTech tại ĐH Kinh tế TPHCM có 70 chỉ tiêu, xét tuyển bằng các tổ hợp như: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, Anh văn); D00 (toán, văn, tiếng Anh); D07 (hóa học, toán, tiếng Anh)… Ngoài kiến thức đại cương, sinh viên (SV) sẽ được đào tạo chuyên sâu về giải trí tương tác, nghệ thuật đa phương tiện, thiết kế ứng dụng trò chơi, thiết kế không gian triển lãm, thiết kế sản phẩm, nghệ thuật trí tuệ nhân tạo, phim và điện ảnh, thời trang kỹ thuật số… Sau đó, SV có thể chọn theo học một trong các chuyên ngành như: thiết kế ảo và tương tác, giao diện hữu hình cho người dùng, âm thanh và ánh sáng tương tác, nghệ thuật thị giác, ArtTech.

Theo ông Dong Su Yi, ra trường, SV am hiểu lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế và công nghệ, cũng như hiểu sự liên kết với các ngành khác trong các bối cảnh khác nhau. SV có thể làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kinh tế ở nhiều vị trí như: nghệ sĩ CG (hoạt hình 2D&3D), nghệ sĩ hình ảnh VFX (trò chơi, phim và ti vi), thiết kế nghệ thuật, nghệ sĩ kỹ thuật số, thiết kế không gian - ánh sáng…

Chương trình thiết kế và phát triển game

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông năm nay cũng lần đầu tiên tuyển sinh chương trình thiết kế và phát triển game với 160 chỉ tiêu; xét tuyển bằng các tổ hợp: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, Anh văn); D00 (toán, văn, tiếng Anh) hoặc các phương án xét tuyển riêng. Đại diện học viện cho biết, chuyên ngành này nhằm hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực làm game chuyên nghiệp, sở hữu khả năng thiết kế kịch bản và phát triển game ở quy mô đa dạng.

Theo học chương trình này, SV được trang bị kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng kiến thức liên ngành như toán học, văn hóa, tâm lý, kinh tế, pháp luật và marketing; đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông… SV tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí, như: chuyên gia thiết kế kịch bản game, phát triển - kiểm thử game; chuyên viên thiết kế - phát triển - kiểm thử phần mềm; vận hành - bảo trì hệ thống game…

Học 1 ngành có thể nhận bằng 2 ngành

2 trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và Trường ĐH Kinh tế - Luật năm nay hợp tác mở ngành mới kinh doanh thương mại Hàn Quốc. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - trường tuyển sinh ngành mới này với 50 chỉ tiêu; xét tuyển bằng các tổ hợp môn, gồm: D01 (toán, văn, tiếng Anh); D14 (văn, sử, tiếng Anh); DD2 (toán, văn, tiếng Hàn); DH5 (văn, sử, tiếng Hàn). Chương trình được xây dựng với định hướng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, và các lĩnh vực chuyên ngành về kinh doanh thương mại liên ngành với đất nước học (Hàn Quốc).

SV được đào tạo kiến thức chuyên ngành về Hàn Quốc học và kinh doanh thương mại qua nhiều môn học như: các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Hàn, tiếng Hàn trong kinh doanh thương mại, văn hóa đại chúng và công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, quản trị nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp, hành vi khách hàng, quản trị rủi ro… Hoàn thành chương trình cử nhân, nếu đáp ứng yêu cầu về số tín chỉ, SV có thể nhận thêm bằng ĐH chính quy ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, hoặc bằng ĐH chính quy ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế - Luật.

Ra trường, người học có thể làm việc trong các lĩnh vực như: nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh thương mại Hàn Quốc ở các trường ĐH, cao đẳng, các viện và các trung tâm nghiên cứu; phiên dịch mảng kinh doanh, thương mại trong doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc doanh nghiệp Việt Nam có đối tác từ Hàn Quốc…

Ngành học lạ - kỹ sư sau đại học GenAI

Năm nay, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội) tuyển sinh chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo - Generative AI Engineer Program (GenAI - một loại hệ thống AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các gợi ý). Đây là chương trình đào tạo đầu tiên về trí tuệ nhân tạo tạo sinh ở Việt Nam.

Theo tiến sĩ Đinh Viết Sang - Giám đốc chương trình đào tạo GenAI - thị trường về GenAI đang phát triển mạnh mẽ khi các công ty công nghệ, các ngân hàng, doanh nghiệp… đầu tư về con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI. Vì thế, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất lớn.

Đây là chương trình đào tạo kỹ sư sau ĐH với thời gian 1,5 năm; dành cho cử nhân đã tốt nghiệp ngành công nghệ, như: khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, an toàn thông tin. Với cử nhân ngành gần, như: hệ thống thông tin quản lý, quản lý công nghệ thông tin, khoa học tính toán, cơ sở toán học cho tin học… sẽ phải học bổ sung một số tín chỉ chuyên ngành công nghệ.

SV được đào tạo nền tảng về học máy, học sâu, học máy đa thể thức và các mô hình sinh; vận hành, triển khai và giám sát mô hình học máy (MLOps); phát triển, hiệu chỉnh, căn chỉnh và khai thác các mô hình ngôn ngữ lớn; xây dựng các ứng dụng GenAI để xử lý các tác vụ bằng ngôn ngữ tự nhiên trong nhiều lĩnh vực khác nhau; ứng dụng GenAI trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, đa phương tiện, y học và chăm sóc sức khỏe… SV ra trường có thể làm việc tại các bộ phận nghiên cứu và phát triển AI, thiết kế và triển khai các mô hình GenAI phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất, giải trí, thương mại điện tử, y tế và dịch vụ.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI