Nhớ những quầy vải vóc, trái cây
Gần nửa thế kỷ trước, đạo diễn Ái Như cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Khi ấy, cô bé Ái Như mới 12-13 tuổi.
|
Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng khánh thành ngày 17/3/2022. Đây là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên |
Nửa thế kỷ? Cách gì đi nữa, cũng thấy thời gian trôi nhanh dễ sợ. Vậy mà, bà vẫn nhớ như in dòng ký ức thuở nào khi bà đi đi về về qua khu trung tâm thành phố. Đường Phạm Hồng Thái, Lê Lai, vòng về Đoàn Thị Điểm (nay là đường Trương Định), Hai Bà Trưng… Ở đó, các bảng điện chạy tin tức sáng rực, những ông già người Ấn Độ đứng bên vỉa hè bán bánh cay ăn rất ngon. Và trên đường Phan Bội Châu phía cửa đông chợ Bến Thành, có tiệm tơ lụa Hồng Hoa.
“Cái tiệm cũng nhỏ thôi nếu so với các khu chợ bán vải vóc bây giờ nhưng sao lúc ấy, mình lại bị choáng ngợp. Nhìn ngắm không chán. Một nhà dài toàn vải vóc, tơ lụa. Như một thế giới khác. Những người bán hàng toàn là người Chà Và” - Ái Như nhớ lại.
Sài Gòn “len lén” đi vào tâm can của đứa trẻ hồi đó theo một cách đầy mùi vị cổ tích, thần tiên để sau này, bà gửi gắm tình cảm dành cho mảnh đất cưu mang mình vào những vở diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Vở Tình duyên thuở trước có hình ảnh của những chuyến xe thổ mộ chở hoa về chợ, những rạp hát bội trong thành phố. Vở Sài Gòn có một ngã tư nói đến những người Sài Gòn khẳng khái.
Còn gia đình nhà văn Hoài Hương định cư trên đường Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1975. Năm 11 tuổi trở thành một dấu mốc đặc biệt, đánh dấu việc đứa bé Hoài Hương có một người bạn mới mang tên Sài Gòn. Ngày gia đình mới chuyển từ Bắc vô đây, chị được mẹ dắt đi chợ Bến Thành chơi.
Thời ở Hà Nội, Hoài Hương chỉ biết tới những khu chợ mậu dịch nên khi đến chợ Bến Thành, chị bị ấn tượng mạnh. Chợ Bến Thành khi ấy là một thiên đường của bọn trẻ con: lộng lẫy, sầm uất với cơ man gian hàng, hàng hóa hết sức đa dạng. Đặc biệt, những quầy hàng trái cây đủ các loại, như thể tất cả các loại hoa quả ngon lành đều tập kết về đây.
Nhà Hoài Hương nằm cách chợ Bến Thành chỉ vài bước chân, nên chị thấu hiểu bao thăng trầm, bao mối tơ vò nhân gian gắn với đời chợ, đời người lưu lạc chốn này. Thậm chí, mỗi thay đổi của kiến trúc cũng đều được chị tạc vào lòng. Chị nhớ những lần chợ được chỉnh trang “mặc áo mới”, nhớ cả những lần “xáo trộn”, sắp xếp lại khu vực các gian hàng.
Ngày thi công ga metro, dời tượng đài Trần Nguyên Hãn đi chốn khác, chị biết, bao tiểu thương “buồn thối ruột”. Bởi, không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của thành phố, đây còn là biểu tượng tâm linh, một nơi chốn tinh thần để các cô, các dì, các chú, các ông tiểu thương chợ Bến Thành nương tựa.
Khi nghệ sĩ Đình Toàn kể chuyện hồi nhỏ thế này, hồi nhỏ thế kia, sẽ có người bảo: “Ê cha nội, đừng tưởng chỉ có ông mới có cái ký ức đó à nghen”. Thì có chuyện gì ghê gớm đâu chớ. Nhưng có ký ức này, có lẽ chỉ Đình Toàn mới có. Đó là một tấm ảnh cũ xì chụp cùng cha ở bùng binh Cây Liễu. Bùng bình Cây Liễu thời đó đẹp lắm, hiền hòa lắm. Đình Toàn hỏi: “Không biết bây còn nhớ, trên tay ông tượng Trần Nguyên Hãn, còn có một chú chim bồ câu?”.
Nhớ từng mẩu chuyện nhỏ gắn với khu trung tâm như một nơi chốn “đi chơi sang” thời cũ, Đình Toàn như đang “lượm lặt” lại hơi ấm ngày nào. Thời đó, anh thường được cha chở ra ngã sáu Phù Đổng rồi đến bến Bạch Đằng chơi: “À, ba còn chở vô cửa hàng bách hóa thiếu nhi trong thương xá Tax mua đồ chơi trẻ con bằng gỗ. Đến giờ, muốn tìm mua lại cũng không được nữa”.
Năm 2016, thương xá 130 tuổi nổi tiếng với một tầng trệt và ba tầng lầu ấy bị đập bỏ. Không biết người bán hàng năm nào đi đâu, về đâu? Không biết có người lớn nào rưng rức nỗi nhớ niềm thương cũ như Đình Toàn?
Phố đi lên đừng quên giấc mơ đầu
Khu vực trước chợ Bến Thành từng có tên gọi là quảng trường Eugène Cuniac, đặt theo tên người Pháp đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn; đến năm 1955, được đổi tên thành quảng trường Diên Hồng. Năm 1964, chính quyền bấy giờ cho dựng tượng bán thân nữ sinh Quách Thị Trang - một liệt nữ hy sinh trong phong trào học sinh, sinh viên. Một năm sau, tượng đài Trần Nguyên Hãn tiếp tục được dựng lên.
Năm 2014, để thi công nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tượng đài Trần Nguyên Hãn được dời tạm về công viên Phú Lâm, Q.6, tượng bán thân Quách Thị Trang được dời về công viên Bách Tùng Diệp, Q.1; quảng trường công viên trước chợ Bến Thành cũng bị giải tỏa.
Cuối tháng Năm vừa qua, văn phòng UBND TPHCM có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và công tác cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, tượng Trần Nguyên Hãn, tượng Quách Thị Trang sắp được “về nhà”; toàn bộ rào chắn trước chợ Bến Thành cũng sắp được dỡ bỏ.
Ngày 15/6 này là hạn chót để các sở, ngành liên quan hoàn thành bản phương án thiết kế này để báo cáo với UBND TPHCM. “Chắc chắn khi nghe tin tượng Trần Nguyên Hãn được đặt lại vị trí cũ, tiểu thương chợ Bến Thành mừng nhất” - nhà văn Hoài Hương rổn rảng.
Chợ hoạt động trở lại từ tháng Chín năm ngoái nhưng đến nay vẫn vắng khách. Điều đó không khỏi làm cho chị băn khoăn. Hoài Hương chỉ mong “trong đợt chỉnh trang lại công viên Quách Thị Trang lần này, chính quyền thành phố tạo ra một không gian văn hóa phức hợp thì tốt biết mấy”. Ngày trước, đây là nơi để người dân đi bộ, tập thể dục mỗi sáng. Bây giờ, nơi này đã trở thành khu vực có nhà ga đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Cùng với chợ Bến Thành, công viên Quách Thị Trang và nhà ga metro sẽ kết hợp thành một không gian phức hợp, là diện mạo thịnh vượng của thành phố. Chưa kể, trong công viên có tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang cũng là một sự kết nối đầy ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại.
Vài năm trước, thời điểm khu trung tâm vẫn còn “yên ắng” đợi chờ một cuộc cải tạo lớn, họa sĩ Phạm Công Tâm ra tập sách tranh Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Những tưởng, người đàn ông gắn bó với mảnh đất Sài Gòn từ ngày mới lọt lòng sẽ kể một câu chuyện cũ, nhưng hóa ra không phải. Tập sách ngồn ngộn chuyện của Sài Gòn hôm nay.
“Nó đang vươn lên thành một đô thị hiện đại, khác xa vẻ êm đềm ngày cũ. Điều đó khiến tôi muốn vẽ và ký họa lại những gì là hồn cốt của Sài Gòn”. Trong cuộc cải tạo, chỉnh trang lần này, người họa sĩ luống tuổi mong rằng, không gian khu trung tâm thành phố sẽ đẹp hơn, ấn tượng hơn theo phương châm giữ gìn cái cũ hài hòa với cái mới hiện đại để xứng tầm với một thành phố đang vươn mình, lạ mà quen, quen mà lạ.
Nghệ sĩ Đình Toàn kể, khi anh còn nhỏ, tòa nhà cao tầng nhất TPHCM chỉ có 12 tầng, nằm trên đường Mai Thị Lựu. Bây giờ, rất nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên trong lòng thành phố. Phố phường cũng trở nên đông đúc hơn, chật chội hơn nhưng cũng nhiều tiện nghi, phát triển hơn xưa. Chỉ mong phố đi lên nhưng không quên giấc mơ ban đầu, phát triển như thế nào rồi cũng để bền vững và an dân.
Đậu Dung - Lục Diệp