Những nếp nhà Machiya ở xứ mặt trời mọc

07/11/2021 - 07:08

PNO - Machiya gồm “machi” có nghĩa là thị trấn và “ya” là nhà hoặc cửa hàng. Kiểu nhà mang tên machiya ra đời vào khoảng năm 794, thời Heian ở Nhật Bản, tiếp tục phát triển đến thời Edo (1603 - 1867), Meiji (1868 - 1912) và vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đến nay.

Các thương gia, thợ thủ công thành thị ngày xưa dùng machiya vừa làm nơi ở vừa làm nơi buôn bán, làm việc. Kiểu nhà machiya được xem như di sản của Nhật Bản vì hội tụ tinh hoa kiến trúc và văn hóa của người bản xứ. Nó vừa thể hiện được sự gần gũi với thiên nhiên, vừa đảm bảo tính riêng tư cũng như phong cách sống đơn giản nhưng giàu có về tinh thần của người Nhật.

Machiya có mặt khắp nơi, đặc biệt là ở các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa. Mỗi khu vực sẽ có một số biến đổi để phù hợp với môi trường, nhiệt độ cũng như đặc điểm từng địa phương. Tuy nhiên, về cấu trúc và nguyên liệu, machiya đều có những điểm chung nhất định.

Machiya có ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa
Machiya có ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa

Một machiya điển hình thường là ngôi nhà sâu và dài bằng gỗ nằm ở trục đường chính, có cổng hướng ra mặt tiền đường. Gỗ là vật liệu chính để xây dựng nhà, tường được đắp bằng đất và mái lợp ngói. Các machiya thường cao từ một, một tầng rưỡi đến hai tầng, thi thoảng có machiya ba tầng.

Cửa lớn ra vào, vận chuyển hàng hóa được gọi là odo, cửa phụ nhỏ hơn được gọi là kugurido còn cửa sổ là mushiko mado. Bên trong, căn nhà được chia thành hai khu vực lớn: mise/omoteya - không gian dành để buôn bán, trưng bày hàng hóa ở bên ngoài và omoya - khu vực sinh hoạt của gia chủ.

Giữa hai khu vực này thường có một khu vườn nhỏ hoặc các vách ngăn để chia tách không gian, vừa đảm bảo sự riêng tư, vừa lấy ánh sáng và thông khí. Có một hành lang kéo dài từ nhà chính đến nơi đặt nhà kho. Đây vừa là đường vận chuyển hàng hóa đến cửa tiệm phía trước vừa đóng vai trò cách nhiệt vào mùa hè.

Nét đặc biệt giúp machiya trở thành điểm son văn hóa của người Nhật chính là phương pháp xây dựng thông minh giúp điều chỉnh nhiệt độ ngôi nhà. Phần cột đỡ được để lộ ra bên ngoài phần tường trát, giúp ngôi nhà thoát ẩm bên trong khi vào mùa mưa. Tuy nhiên, cũng vì vật liệu quá khó bảo tồn trước mưa nắng và thời gian nên những machiya ngày càng bị mai một. Nhiều machiya đã bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho những tòa nhà mới, an toàn và hiện đại hơn.

Không nỡ nhìn những di sản này biến mất, năm 2005, “Quỹ Machiya Machizukuri” được thành lập ở Kyoto giúp khôi phục lại ngôi nhà, để kiến trúc này được chỉ định là “Cấu trúc có tầm quan trọng của cảnh quan”. Theo đó, các machiya chỉ được tháo dỡ nếu được sự cho phép của thị trưởng Kyoto. Trung bình mỗi năm, thành phố sẽ cung cấp một khoản phụ cấp cho chủ các machiya để trùng tu, bảo quản.

Nhờ đó, đến nay, một số machiya vẫn được tiếp tục sử dụng làm nơi ở; số khác chuyển thành nhà hàng, cửa hiệu hoặc lữ quán, tạo nên không khí hoài cổ, vương vấn cho du khách khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào. 

Văn Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI