edf40wrjww2tblPage:Content
Andy Warhol đắm đuối trước nhan sắc của Edie Sedgwick
Tuổi thơ bão tố
Edie Sedgwick (1943-1971) có một tuổi thơ đầy bão tố. Tên thật của cô là Edith Minturn Sedgwick. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở California - Mỹ, những tưởng tuổi thơ của cô sẽ rất êm đềm, nhưng Edie và anh chị em của mình lại bị bỏ mặc cho vú nuôi, phải sống trong một môi trường biệt lập. Khuôn phép của một gia đình quyền quý đã gây áp lực nặng nề, khiến những đứa trẻ của gia đình Sedgwick có tính tình lập dị và mắc các chứng bệnh thần kinh.
Ở tuổi thiếu niên, Edie mắc chứng rối loạn ăn uống, sức khỏe suy sụp, nhiều lần phải nhập viện. Năm 16 tuổi, Edie bị buộc vào viện Silver Hill. Khi ra viện, Edie phát hiện mình có thai, phải phá bỏ. Quá trình điều trị buộc Edie sử dụng nhiều thuốc ngủ và thuốc an thần, dẫn đến thói nghiện ngập sau này của cô. Mùa thu 1963, Edie vào học nghệ thuật tại trường đại học danh tiếng Cambridge. Một Edie ở tuổi 20 sở hữu vẻ đẹp mê hoặc, cộng với tính cách sôi động, đã nhanh chóng quy tụ một lượng lớn bạn bè hâm mộ. Một năm sau, Edie Sedgwick đã trở thành ngôi sao trong giới thượng lưu, giao du rộng rãi và là người mẫu nổi tiếng. Cô quyết tâm trở thành một cái gì đó có ý nghĩa, vượt ra khỏi khuôn khổ của gia đình.
Năm 1964, Edie đau đớn vì cái chết của người anh Minty, đã tự tử sau một thời gian bị các chứng tâm thần hành hạ. Năm sau, lại đến người anh khác - Bobby, chết trong một tai nạn giao thông. Nhưng, mất mát dường như không làm nản lòng Edie, cô chộp ngay cơ hội đầu tiên để đạt được danh vọng. Cơ hội đó mang tên Andy Warhol.
“Siêu sao” của Warhol
Ngành nghệ thuật những năm 1960 gần như đồng nghĩa với cái tên Andy Warhol. Ông là người tiên phong của xu hướng nghệ thuật Pop-art. Như một phản ứng chống lại sự trừu tượng khó hiểu của các xu hướng nghệ thuật siêu thực trước đó, Pop-art của Andy đưa những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, phổ biến trong cuộc sống vào nghệ thuật. Andy mở một xưởng nghệ thuật mang tên “Factory” (Nhà máy) và tìm kiếm các “siêu sao” làm chủ đề cho các tác phẩm của mình.
Edie Sedgwick
Một ngày, Edie Sedgwick được giới thiệu với Andy Warhol. Ông choáng ngợp trước vẻ đẹp quý phái của cô. Andy nhận ra Edie Sedgwick chính là hình mẫu hoàn mỹ của một nhân vật sở hữu vẻ đẹp sang trọng, biểu tượng của vẻ đẹp vật chất mà Pop-art ca ngợi. Ông muốn “đóng khung” vẻ đẹp tự nhiên của Edie Sedgwick vào các tác phẩm điện ảnh của mình. Thế là một trong những mối quan hệ nghệ thuật tiếng tăm nhất của thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu.
Sự hiện diện của Edie Sedgwick đã làm chói lòa màn ảnh. Những thước phim của Andy Warhol khai thác dáng vẻ năng động kỳ lạ của Edie, làn da trắng mờ ảo, những cử chỉ, biểu hiện nhỏ nhặt như thể có hàng triệu chi tiết biểu cảm trên cơ thể cô. Người xem giật mình trước cách đi đứng, điệu bộ, cách cười nói, phong cách và cá tính vừa đời thường, vừa duyên dáng, quý phái của Edie. Vẻ đẹp đó đã mang lại cho cô biệt danh “It girl” - cô gái có sức cuốn hút tuyệt đối không thể diễn tả bằng lời, một biệt danh chỉ được đặt cho vài người phụ nữ trong lịch sử. Edie xuất hiện trong hàng loạt phim cả dài lẫn ngắn của Andy và các đồng nghiệp của ông, trong đó có Factory Girl, Poor Little Rich Girl, Horse, Match Girl, The Chelsea Girls và Ciao! Manhattan (Tạm biệt! Manhattan) - bộ phim kể về cuộc đời trắc trở của Edie.
Cuộc phiêu lưu với nghệ thuật đẩy danh tiếng Edie Sedgwick lên đỉnh cao một cách ngoạn mục. Chỉ trong vài tháng, cụm từ “Andy và Edie” đã trở thành câu nói cửa miệng giới trẻ hâm mộ. Cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang Vogue và được đặt biệt danh “Youthquaker” (Tạm dịch: “Kẻ gây chấn động giới trẻ”). Phong cách của Edie, với áo khoác da báo, đồ bó đen, cơ thể mảnh mai đã trở thành hình ảnh được các cô gái trẻ thời đó thần tượng, nó định nghĩa cho cả xu hướng thời trang của thế kỷ XX và vẫn còn ám ảnh các nhà thiết kế ngày nay. Bạn bè bảo, Edie đang trên đường trở thành một huyền thoại như người đẹp Marilyn Monroe.
Andy Warhol (dưới) và Edie Sedgwick, New York, 1965
Sao băng
Sau một thời gian trong giới nghệ thuật, Edie gặp gỡ Bob Dylan - nhạc sĩ đồng quê lừng danh. Bob Dylan, cũng như bao người trước đó, nhanh chóng bị mê hoặc trước vẻ quyến rũ của Edie Sedgwick. Ông mời Edie tham gia vào các tác phẩm của mình. Bob Dylan viết những ca khúc như Just Like A Woman (Như một người phụ nữ), Like a Rolling Stone (Như một tảng đá lăn) và Leopard-Skin Pill-Box Hat (Mũ da báo) để ca ngợi Edie. Cô cũng tìm thấy một niềm say mê mới từ nhạc sĩ tài ba này. Bob Dylan cho rằng Andy Warhol, người chỉ muốn nắm bắt vẻ đẹp bùng cháy dữ dội của Edie, sẽ không màng đến việc ngăn cản thói nghiện ngập của Edie. Dylan đã lầm! Thói nghiện ngập của Edie vốn có từ trước, nhưng đó vẫn là lý do Bob Dylan luôn trách cứ Andy Warhol.
Cuối cùng thì mối hợp tác nghệ thuật Andy - Edie cũng kết thúc. Edie Sedgwick không chịu nổi ý nghĩ Andy Warhol suốt ngày chỉ quay phim cuộc sống đời thường của cô. Chính cô cũng không hiểu được ẩn dụ của Andy Warhol. Edie muốn trở thành một diễn viên thực thụ chứ không chỉ dựa vào con người thật của mình. Trong một lần tranh cãi giữa Edie và Andy Warhol, lúc cảm thấy bị phản bội, Andy đã tiết lộ về cuộc hôn nhân của Bob Dylan với một người đàn bà khác. Tin này làm tan vỡ trái tim Edie, vì cô đã có cảm tình với Bob Dylan. Sau khi rời bỏ Andy Warhol, cô lại lao vào nghiện ngập, trải qua nhiều mối tình chóng vánh, không hạnh phúc. Ngay cả mối tình với Bobby Neuwirth, bạn thân nhất của Bob Dylan, dù Edie thú nhận là người duy nhất cô từng yêu thương thật sự, cũng sớm kết thúc. Cuộc đời Edie xuống dốc dữ dội, cô liên tục ra vào viện tâm thần, phải trị liệu sốc điện, một việc cũng được ghi lại trong bộ phim Ciao! Manhattan.
Ciao! Edie
Năm 1971, sau năm tháng nằm viện, Edie trở lại cuộc sống và lấy chồng là Michael Post, một anh chàng tử tế. Edie chưa bao giờ từ bỏ ước muốn chinh phục Hollywood nên chuẩn bị quay lại với sự nghiệp minh tinh của mình. Tối 15/11/1971, sau buổi trình diễn nghệ thuật, cô bị một khán giả nữ chỉ trích về thói nghiện ngập, nên về nhà trong tâm trạng bất an. Sáng hôm sau, chồng cô tìm thấy vợ mình nằm chết lạnh. Bác sĩ kết luận cô đã dùng thuốc quá liều và chết ngạt trên gối của mình. Một ngôi sao đã tắt.
Với nhiều người, Edie có lẽ chỉ là một cô gái nhà giàu, tiêu xài hoang phí và không có gì đáng kể. Thật sự, cô là một nhân vật đầy bi kịch. Bản thân cô là biểu tượng của sự khao khát tình yêu để bù đắp cho những thiếu thốn từ gia đình, một hiện tượng phổ biến trong văn hóa Mỹ. Dưới cái nhìn của nhiều nghệ sĩ, cuộc đời của Edie Sedgwick như một buổi trình diễn nghệ thuật và cô là một tuyệt tác.
XUÂN HẠO
Bài cuối: Mối tình của nghệ thuật