Những nàng thơ huyền thoại - Bài 1: Nữ hoàng của Montparnasse

22/12/2013 - 07:20

PNO - PN - Tượng trưng cho lý tưởng thuần khiết, “nàng thơ” luôn ngự trị cùng huyền thoại về những nghệ sĩ lỗi lạc. Nàng có thể là một nữ thần, một người tình, người vợ; được ca ngợi như nguồn cảm hứng bất tận, góp phần...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuộc phiêu lưu cay đắng

1901, Alice Prin chào đời đầy kịch tính: người mẹ đơn thân sinh ra cô ngay trên đường phố Burgundy - Pháp. Để sinh nhai, mẹ Alice gửi cô cho bà ngoại chăm sóc, đến Paris làm việc. Những đồng tiền ít ỏi của mẹ không đủ trang trải cuộc sống, Alice phải bỏ học, sớm ra đời, phụ việc cho hàng xóm, chạy việc cho nhà in, thậm chí cả trộm cắp vặt từ các quầy bán thực phẩm. Mới 14 tuổi, cô gái nhỏ đã phải làm người mẫu khỏa thân cho các nghệ nhân điêu khắc để khỏi chết đói. Bị “phơi nhiễm” với tình dục quá sớm, Alice Prin hình thành tính cách phóng túng, lẳng lơ. Việc này đã gây xích mích với mẹ Alice, bà sỉ nhục cô là “con điếm” và đuổi cô khỏi nhà.

Không nhà, không nghề nghiệp, không học vấn, bị lợi dụng thể xác, bám lấy đời bằng những mánh lới học được trên hè phố, Alice Prin là thí dụ điển hình của thân phận phụ nữ nghèo tại Pháp những năm 1900. Lang bạt trên đường phố Paris, cô ngủ trong nhà kho; tắm rửa trong những quán cà phê hay bar rượu. Cuộc phiêu lưu đó đã dẫn Alice đến Montparnasse...

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 1: Nu hoang cua Montparnasse

Một tác phẩm nhiếp ảnh của Man Ray chụp Alice Prin, tựa đề: Noire et blanche (Đen Trắng), 1926

Nữ hoàng của Montparnasse

Nước Pháp những năm 1920 là nơi hội tụ của những nghệ sĩ lớn. Mỗi tối, họ thường tập trung về quán bar Le Jockey để chiêm ngưỡng một cô đào vô cùng gợi cảm. Với họ, cô không chỉ là một ca sĩ biểu diễn thông thường. Cô gái này không thèm tìm cách ăn theo vẻ đẹp kiêu kỳ mà người thời đó ưa chuộng, mà khoe sự quyến rũ bằng cơ thể gợi cảm và làn da trắng nõn. Alice Ernestine Prin, lúc này đã hơn 20 tuổi, được mệnh danh là “Kiki de Montparnasse” - Nữ hoàng của Montparnasse, kẻ cuốn hút cả đàn ông lẫn phụ nữ; là người tình và nàng thơ huyền thoại của toàn bộ giới nghệ sĩ Paris.

Danh tiếng của Kiki đến từ tính cách và tài năng của cô nhiều hơn là từ vẻ đẹp. Nữ hoàng Montparnasse sở hữu một giọng hát thanh khiết, biểu diễn từ những bài ballad mỹ miều đến những bài hát vui đùa tiêu khiển. Cô cũng là người có khiếu kể chuyện bẩm sinh với kho chuyện đời gần như vô tận; chưa kể cô còn học được nhiều về hội họa từ các nghệ sĩ vây quanh mình. Sự quyến rũ phóng túng, tính khí thẳng thắn, thậm chí sẵn sàng ăn miếng trả miếng với bất kỳ ai tìm cách chống lại mình, biến Kiki thành một phụ nữ vô cùng thú vị với những kẻ hâm mộ cô. Sự lôi cuốn của Kiki nằm ở tính cách đi ngược với lối sống khép kín, gọi dạ bảo vâng mà nữ giới thời đó được dạy dỗ. Có thể nói, Alice Ernestine Prin là người phụ nữ độc lập đầu tiên của thế kỷ XX, tự vượt qua mọi trở ngại của xã hội để đạt được thành công.

Vào những năm cuối thập kỷ 1920, Kiki đã có thể tự mở quán rượu riêng, với tên gọi Chez Kiki. Một bàn đặc biệt tại quán Le Dome danh tiếng được vĩnh viễn đặt riêng cho vị nữ hoàng này. Năm 1927, triển lãm tranh do Kiki vẽ được bán sạch. Cuốn sách tự truyện của Kiki, Giáo dục của người mẫu Pháp, bị cấm tại Mỹ vì quá dâm dục. Những tin đồn, giai thoại về cô tràn lan khắp Paris và Kiki lại thích thú hưởng thụ chúng. Trung tâm văn hóa nghệ thuật của Pháp, của thế giới, gần như xoay quanh một người đàn bà duy nhất.

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 1: Nu hoang cua Montparnasse

Một tấm hình của Man Ray chụp chân dung Kiki de Montparnasse

Nàng thơ của Paris

Montparnasse trở thành ngôi nhà tinh thần của Kiki, nơi giới nghệ sĩ đón chào vẻ đẹp và tài năng của cô. Kiki trở thành bạn thân và nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, những người mà thông qua hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh đã lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu của Alice Prin trong tác phẩm của họ, từ nhiều góc nhìn. Cụ thể như bức họa Jeune Femme au Decollette của Moise Kisling cho thấy một Kiki dịu dàng ngước nhìn với đôi mắt long lanh, thì bức họa Kiki Nude của Per Krogh lại cho thấy một vẻ đẹp xác thịt vô cùng gợi cảm.

Trong danh sách dài dằng dặc những tên tuổi nghệ sĩ theo đuổi mình, Kiki luôn dành một chỗ ưu ái cho Emmanuel Radnitzky (thường gọi là Man Ray), nhiếp ảnh gia người Mỹ. Man Ray được xem là một trong những nhà tiên phong kiệt xuất nhất của xu hướng nghệ thuật siêu thực (Surrealism). Ông khám phá những khía cạnh tiềm thức trong cả hội họa và nhiếp ảnh. Trong suốt những năm 1920, Kiki là người tình và nàng thơ của Man Ray, là cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi bật của ông.

Trong cuộc tình sáu năm, Man Ray không những tạo ra hàng trăm tác phẩm về Kiki mà còn góp phần “thiết kế” nên hình ảnh của nữ hoàng này. Theo đúng nghĩa đen, Man Ray tự tay kiến tạo khuôn mặt của Kiki như một bức họa. Có lúc ông cạo bớt lông mày của cô, có lúc vẽ chúng lại, với nhiều màu sắc khác nhau. Mí mắt dày cuốn hút của Kiki có thể được vẽ với màu đồng hôm nay, có thể nhuộm màu xanh quyền quý hôm khác, rồi lại chuyển sang màu bạc hoặc ngọc bích trong một ngày khác nữa.

Một trong những tuyệt tác ấn tượng nhất của Man Ray là tấm ảnh Le Violon D’Ingres (Cây đàn violon của Ingres), thể hiện tấm lưng trần của Kiki với hai chữ “f” vẽ hai bên eo. Tác phẩm ca ngợi những đường cong gợi cảm của Nữ hoàng xứ Montparnasse, ẩn chứa tuyên bố người đẹp này, với vẻ đẹp của mình, đã trở thành một công cụ của nghệ thuật. Không gì có thể khẳng định vị trí của nàng thơ này hơn thế.

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 1: Nu hoang cua Montparnasse

Man Ray trước một tấm chân dung của Alice Prin, năm 1954

Khi hoa tàn

Nhưng, những gì đẹp đẽ của nàng thơ vĩ đại này lại nhanh chóng lụi tàn. Mối tình với Man Ray chấm dứt khi ông tuyên bố đi theo một nàng thơ khác. Năm 1940, chiến tranh ập đến buộc Kiki rời khỏi Paris để trốn phát xít Đức. Rời khỏi vương quốc Montparnasse, dường như Kiki không còn sinh khí. Không còn ai bảo trợ cho lối sống phóng đãng, không còn là trung tâm của sự ngưỡng mộ, Alice Ernestine Prin lụi tàn trong nghiện ngập. Huyền thoại của Paris ra đi năm 1953, ở tuổi 51. Những người mến mộ đã giúp chôn cất cô tại Montparnasse, nơi duy nhất Alice từng tìm thấy hạnh phúc.

Trong đoạn mở đầu cho cuốn hồi ký về nàng thơ vĩ đại Kiki, Ernest Hemingway viết: “Cô đã thống trị thời kỳ hưng thịnh của Montparnasse hơn cả Nữ hoàng Victoria từng thống trị thời đại Victoria”. Cái chết của Kiki cũng chấm dứt thời kỳ Montparnasse là trung tâm nghệ thuật và văn hóa Pháp.

XUÂN HẠO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI