Nỗi niềm mẹ chồng nàng dâu đã đành, nhưng có nhiều vùng, nếp nhà "tam đại đồng đường", thậm chí "tứ đại đồng đường" vẫn còn duy trì, dẫn đến thực tế các nàng dâu mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, còn phải đối diện với "nguy cơ" từ bà nội chồng, vốn có cái nhìn khắc nghiệt và soi xét hơn cả mẹ chồng.
|
Ảnh minh họa |
Bạn Mai Thư, ở Tiền Giang, về nhà chồng được hơn hai tháng, phàn nàn "chuyện mẹ chồng nàng dâu thì mình không gặp phải, nhưng tình thế của mình hiện giờ phải đối diện lại là "bà chồng cháu dâu" mới oan trái. Mình may mắn có được bố mẹ chồng cực kỳ dễ tính và tâm lý. Mình lúc nào cũng tự hào vì được bố mẹ chồng cưng chiều và yêu thương như bố mẹ đẻ.
Nhưng bà nội chồng, năm nay 80 tuổi (ở chung cả đại gia đình), luôn soi xét từng ly từng tí nết ăn nết ở của cháu dâu. Nhiều khi bà khắt khe đến mức bản thân cảm thấy không thể thở nổi. Mà thường ở lứa tuổi đấy, các cụ đã rơi vào tình trạng chân yếu mắt mờ. Ngược lại bà nội chồng lại cực kỳ minh mẫn, mắt tinh tai thính... hơn cả người trẻ. Mỗi lần cả nhà mình trò chuyện dù chỉ chuyện phiếm, là bà... nghe hết.
Khổ nỗi không phải lúc nào cũng đem bà ra diện kiến được, thế là bà khóc lóc, nói mọi người trong nhà coi khinh bà. Mỗi lần bà bất bình chuyện gì là đem chiêu "tuyệt thực" rồi khóc lóc đòi tự tử ra để dọa con cháu. Mà bà nói là làm, có lần bà giận lâu mọi người trong nhà đến mức ai vào phòng "nịnh nọt" đủ kiểu bà cũng không chịu ăn uống gì, đến mức tụt huyết áp bị xỉu buộc mọi người phải đưa đi cấp cứu.
Bạn Thủy Như, quê Thanh Hóa, cũng gặp phải tình cảnh oái oăm khi về làm dâu nhà chồng. Con trai của vợ chồng cô đã gần ba tuổi, gia đình từ khi đón bé chào đời đã thuộc nếp nhà "tứ đại đồng đường". Bé giờ đến tuổi hiếu động, hay vào trêu chọc cụ nội. Nhiều khi cô mải việc nên không chu toàn để mắt tới con hết được. Thế là bà cụ gào khóc lên, để cho cả làng nghe thấy: "ối giời ơi thằng nghịch tử vào chọc phá tôi. Bố mẹ nó đằng sau xúi nó vào trêu cho tôi tức mà chết.".
Cô ngỡ ngàng khi nghe bà nội chồng nói vậy. Trong cuộc sống, những lúc bất bình chuyện gì, bà đều gào khóc khiến hàng xóm láng giềng tưởng có việc khẩn cấp, chạy sang nghe ngóng và giúp đỡ. Cô chỉ cảm thấy xấu hổ chuyện trong nhà mà phơi bày ra cả thiên hạ. Mặc dù chồng cô đã lựa lời sau đó thủ thỉ với bà nội, những mong bà sửa đổi tâm tính nhưng cụ vẫn "chứng nào tật nấy".
Bà cụ soi xét cả nết ăn nết ở của chị. Hễ ai đến thăm là cụ thì thầm to nhỏ, lôi cháu dâu ra để kể xấu, chuyện không nói thành có khiến cô rất ấm ức. Nhiều khi bất bình với cháu dâu là bà cụ lôi cả họ hàng tổ tông bên sui gia lên bàn thờ để khấn vái và nguyền rủa.
Nhưng nhiều khi cô tự mình động viên, có bố mẹ chồng thương yêu, chồng tâm lý hiểu chuyện là đủ. Còn bà cụ, có lẽ do tâm lý lứa tuổi "đời người hai lần làm trẻ con", nên chị cố gắng không để bụng và nghĩ ngợi nhiều.
"Nhưng lắm lúc tủi thân và xấu hổ với bà con chòm xóm. Mình cũng qua những chuyện như thế mà xem lại bản thân, cơm bưng nước rót chăm sóc cho cụ chu toàn, những mong cụ đối đãi lại với con cháu rộng lượng hơn. Ở tuổi của cụ được thêm ngày nào quý ngày đấy nên mình cố gắng", Thủy Như tâm sự.
Không nằm ngoài những "trớ trêu" trên, chị Lan Anh ở Nam Định cũng về nhà chồng và phải đối diện với những vấn đề không dễ gì giải quyết từ phía bà cụ trong nhà chồng. Bà mắc chứng "giả lẫn" rất tài tình. Rõ ràng vợ chồng chị đã cơm nước chu toàn cho bà, nhưng bà nói cháu trai, cháu dâu... bỏ đói bà, bắt bà nhịn là chuyện thường xuyên. Bà cụ có rất nhiều vốn riêng, nhưng chỉ dắt vào hầu bao cụ thêm đầy, tuyệt nhiên không bỏ ra xu nào để mừng tuổi cháu chắt, hay phụ giúp con cháu tiền chợ búa. Bà cụ lại mắc bệnh "sợ chết", chỉ chăm chăm mua thuốc để uống, bà uống đủ loại thuốc bổ hằng ngày.
Chỉ một triệu chứng của người già như đau đầu xỉ mũi, cụ nghĩ ngay ra những chứng bệnh nan y khó chữa nhất, rồi bắt con cháu bỏ cả công cả việc đưa cụ đi khám. Con cháu đã xúm vào, làm công tác tư tưởng, động viên cụ rất nhiều nhưng chẳng cải thiện được tình hình là bao. Chị Lan Anh đã nhiều lần chứng kiến, bà nội chồng nhớ nhớ quê quên chuyện ăn uống, nhưng lúc không có mặt con cháu, cụ đem tiền ra đếm, sắp xếp từng mệnh giá vào từng phong bì và nhẩm tổng số tiền rất chính xác.
|
Các thế hệ khác biệt về tuổi tác, quan niệm sống...hội tụ dưới một mái nhà, đòi hỏi mỗi thành viên phải thật sự khéo léo và cư xử đúng mực để giữ gìn nếp nhà yên ấm. Ảnh minh họa
|
Thủy Như tâm sự: "các cụ có cái nhìn soi xét và khắc nghiệt hơn cả mẹ chồng, thực ra có nguyên do của nó. Đó là vấn đề lịch sử và thời đại để lại. Cả cuộc đời của các cụ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đói kém, chiến tranh ly tán. Những di chứng đó còn để lại, ám ảnh các cụ đến tận ngày nay, khiến họ có cái nhìn khắt khe trước mọi vấn đề. Ai thọ được đến tầm tuổi này đều bị ám ảnh bởi cái đói, bởi bệnh tật, nên cách phòng tránh bệnh nhiều khi cực đoan, dẫn đến làm quá lên, sinh ra lẩm cẩm."
"Việc ở chung trong gia đình tứ đại đồng đường, gặp khó khăn khúc mắc nhiều lúc thậm chí là xung đột giữa các thế hệ là điều quá đỗi bình thường. Mình chỉ đem tấm lòng ra để đối đãi với các cụ, mong trong ấm ngoài êm. "Kính già già để tuổi cho" là mong muốn của bố mẹ chồng, và cũng là của vợ chồng mình với cụ nội trong nhà." Chị Lan Anh, người cháu dâu trong gia đình "tứ đại đồng đường" trải lòng.
Minh Anh